Là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận của các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ Vi Quốc Hiệp. Trên hành trình sáng tạo đầy đam mê, họa sĩ người Tày đã vẽ gần 100 bức chân dung Bác Hồ.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bên bức tranh Bác Hồ do ông vẽ. Nguồn: BLĐ |
1. Bức chân dung Bác Hồ đầu tiên mà họa sĩ Vi Quốc Hiệp tham gia sáng tác ra đời vào năm 1968, khi ông đang học năm thứ 2 đại học Mỹ thuật. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp kể: Năm đó, tôi cùng các sinh viên đến làng Lai Vu (xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) thực tập. Lai Vu là ngôi làng có nữ du kích đã đi vào thơ Tố Hữu: “Chuyện cô du kích xóm Lai Vu/ Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù/ Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước/ Rắn, mình em chịu, có sao đâu!”. Kết thúc đợt thực tập, anh Ngô Văn Duyên và tôi được nhà trường phân công vẽ một bức chân dung Bác Hồ tặng xã Lai Vu. Chúng tôi xem ảnh Bác và vẽ bức tranh chân dung khoảng 2m. Anh Ngô Văn Duyên là người vẽ chính, vì anh ấy là cán bộ đi học, lớn hơn tôi. Đó là kỷ niệm không thể nào quên.
Năm 1971, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông Vi Quốc Hiệp được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) phân công về Hà Giang, công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin. Một tuần trước khi đến Hà Giang nhận công tác, ông Vi Quốc Hiệp theo anh rể - nhà giáo Đào Đức Vinh, cũng là họa sĩ, lên Định Hóa (Thái Nguyên). Anh rể ông có người bác làm chủ nhiệm HTX ở Định Hóa, mong muốn có một bức chân dung Bác Hồ treo tại trụ sở HTX. Biết rằng thời gian khá gấp gáp nhưng vì anh rể nhờ nên ông Vi Quốc Hiệp cùng anh đi Thái Nguyên, mang theo khá nhiều bột màu.
Đến Định Hóa, họa sĩ Vi Quốc Hiệp bắt tay vào vẽ chân dung Bác Hồ bằng bột màu pha với lòng trắng trứng gà trên vải kaki (pha bột màu với lòng trắng trứng gà để vẽ là sáng kiến của các sinh viên mỹ thuật lúc bấy giờ, khi họa cụ còn hiếm hoi, mua rất khó khăn). Say sưa vẽ trong hai ngày, ông hoàn thành bức chân dung kích cỡ 1,5x1,8m. Ông chủ nhiệm HTX ngắm bức tranh Bác Hồ, khen đẹp và đề nghị họa sĩ... vẽ cho mỗi gia đình xã viên một bức chân dung Bác Hồ. HTX có 30 hộ gia đình xã viên. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp kêu lên: “Ôi, chỉ còn mấy ngày, làm sao vẽ xong?”. Ông chủ nhiệm HTX nói: “Cả làng chúng tôi kính yêu Bác Hồ, nhà nào cũng mong muốn có một bức chân dung Bác”. Nghe vậy, hai anh em họa sĩ nhìn nhau. Ông Vi Quốc Hiệp nói với anh rể: “Bây giờ anh phải giúp em”.
Bột màu mà họa sĩ mang theo còn khá nhiều. Ông chủ nhiệm HTX mua vải kaki, cắt thành 30 tấm, khổ 60x80cm. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp phác thảo đường nét chân dung, anh rể tô màu, sau đó ông Hiệp hoàn thiện tác phẩm. Hai anh em miệt mài vẽ suốt ngày đêm, sau ba ngày thì hoàn thành 30 bức chân dung Bác Hồ, đáp ứng niềm mong mỏi của các xã viên nơi đây.
Năm 1976, họa sĩ Vi Quốc Hiệp được chuyển đến Thái Nguyên công tác. Ông nhớ lại: “Lúc ấy tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng. Các anh hỏi tôi: Anh học mỹ thuật, có vẽ được chân dung Bác Hồ không? Tôi nói vẽ được. Thế là các anh bảo tôi vẽ chân dung Bác Hồ. Bức tranh lớn lắm, cao đến 4m, treo trang trọng trong hội trường. Họ khen vẽ đẹp. Đấy là một thành công của mình trong việc phục vụ Nhân dân”.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp chia sẻ rằng vẽ chân dung Bác Hồ, khó nhất là đôi mắt. Vẽ làm sao để toát lên thần thái của bậc vĩ nhân song vẫn gần gũi, giản dị.
2. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh năm 1948, quê ở Lạng Sơn. Niềm đam mê hội họa đã đưa ông đến với Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội từ năm 12 tuổi, học hệ trung cấp dài hạn, sau đó lên đại học. Ra trường, ông bắt đầu hành trình sáng tạo, ca ngợi vẻ đẹp con người ở vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn... trong các tác phẩm hội họa của mình.
Năm 1978, họa sĩ Vi Quốc Hiệp được điều động đến Lâm Đồng. Ông yêu cao nguyên Langbian và vùng đất này trở thành quê hương thứ hai của ông. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp được biết đến với những bức tranh vẽ biệt thự cổ, vẽ phái đẹp và hoa. Ông đã có hơn 20 triển lãm tranh, trong đó 15 triển lãm tại Lâm Đồng, còn lại là triển lãm tại một số tỉnh thành khác và hai triển lãm tại Hàn Quốc, Thái Lan. Ông chia sẻ: “Tôi hạnh phúc khi tác phẩm của mình được những người yêu hội họa đón nhận”.
Bên cạnh tình yêu dành cho hội họa, họa sĩ Vi Quốc Hiệp còn làm thơ, sáng tác ca khúc. Trên hành trình sáng tạo không mệt mỏi, họa sĩ người Tày có một niềm tự hào khi đã vẽ gần 100 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
YÊN LAN