Ông bà ta thường nói: “Một điều nhịn, chín điều lành” hay “chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Nhẫn trở thành cách cư xử trong quan hệ giữa con người với con người, nhất là trong gia đình. Một gia đình có êm ấm, hòa thuận hay không phần lớn do sự nhẫn nhịn quyết định.
Từ điển tiếng Việt giải thích: “Nhẫn là nhẫn nại. Nhẫn là nhường nhịn”. Sự nhẫn nại, sự nhường nhịn không có nghĩa là kẻ yếu thế, kẻ chịu lép vế, mà là sự nhường nhịn. Trong sách Minh đạo gia huấn, chữ nhẫn chi phối tất cả các thành viên trong gia đình. Về tình cha con thì viết: “Phụ tử chi nhẫn, tự toàn kỳ đạt” nghĩa là dù cha con cũng nên nhường nhịn nhau sẽ giữ được trọn vẹn nghĩa tình.
Quan niệm theo từng thế hệ
Nhẫn là một đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, là một trong những chữ được lựa chọn nhiều nhất để đặt làm tranh treo trong nhà và cũng là một trong những chủ đề được nhắc nhiều nhất trong các bài giảng tại các ngôi chùa, thiền viện. Vì sao chữ nhẫn lại được quan tâm như vậy? Bởi có sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nhại, biết lắng nghe người khác sẽ điều chỉnh bản thân; nhường nhịn để thực hiện cái chung sẽ tránh được bất đồng, những tình huống gây căng thẳng trong cuộc sống. Vì thế, học được chữ nhẫn ở đời thì việc ắt thành công. Thế nhưng, chữ nhẫn cũng vận động, biến đổi theo thời đại khác nhau, theo từng thế hệ.
Trong gia đình Việt xưa, các thành viên đều có tư tưởng nhường nhịn để giữ được hòa khí trong một mái nhà có nhiều thế hệ cùng chung sống: Cái gốc trăm nết, nhẫn nhịn là cao/ Cha con nhẫn nhịn nhau, vẹn toàn đạo lý/ Vợ chồng nhẫn nhịn nhau, con cái khỏi bơ vơ/ Anh em nhẫn nhịn nhau, trong nhà thường êm ấm/ Muốn trên thuận dưới hòa, nhẫn nhịn đứng hàng đầu.
Ông Lê Văn Lý ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Tôi thấy từ trước đến nay, các cụ thường dạy rằng sống phải biết nhẫn nhịn. “Một điều nhịn, chín điều lành”, cho nên tôi luôn sống theo phương châm đó để gia đình êm ấm, vẹn toàn; cuộc sống hài hòa, vui vẻ, hạnh phúc hơn”.
Với quan niệm: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê, chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý mình, gia đình tôi cũng không tránh khỏi những lúc cãi vã. Lúc đó, hai vợ chồng dành thời gian để suy nghĩ, không ai giành phần đúng hoàn toàn về mình. Chúng tôi đặt mình vào vị trí của nhau để cảm thông, khi mọi thứ dịu lại, chúng tôi cùng nói chuyện để thấu hiểu, chia sẻ những khúc mắc, suy nghĩ của bản thân”.
Không như thế hệ trước, những người trẻ lại có quan điểm riêng về sự nhẫn nhịn. Bạn Nguyễn Thị Nhị ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho rằng: “Mọi người thường nói nhẫn nhịn là quy tắc vàng trong cuộc sống hôn nhân nhưng mình lại không nghĩ như vậy. Nếu vợ chồng xảy ra tranh cãi, mình sẽ không chịu đựng mà sẽ nói hết những ấm ức trong lòng. Theo mình, khi đã xảy ra mâu thuẫn thì nên giải quyết ngay để tránh mất thời gian”.
Xây dựng gia đình hạnh phúc
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, trong đó 70% là các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi. Bên cạnh những trường hợp ly hôn xuất phát từ quyết định thiếu chín chắn trong hôn nhân thì cũng có những trường hợp không chấp nhận duy trì hôn nhân giả dối, không hạnh phúc.
Các chuyên gia gia đình cho biết, rất nhiều đôi yêu nhau, nhanh chóng chung sống với nhau, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã “tan đàn xẻ nghé”. Nguyên nhân phần nhiều là vì thiếu chữ nhẫn trong ứng xử gia đình. Nhẫn ở đây không phải là nhục, không phải là cam chịu, luồn cúi hay hạ thấp mình. Nhẫn là vì nhau mà sống, mà hành động.
Tuy nhiên, không phải cứ lập gia đình là đương nhiên có một gia đình bền vững tới “đầu bạc răng long” và hôn nhân không có nghĩa là chấp nhận mọi thứ, bao gồm cả những khổ đau. Phía sau quyết định ly hôn là những đứa con. Đó là điều khiến nhiều cặp vợ chồng chấp nhận “chín bỏ làm mười”, kéo dài hôn nhân vì con cái. Nhưng cũng có những người trẻ phân định rất rõ ràng: nhẫn là kiên nhẫn, không phải là nhẫn nhục, cam chịu.
ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho rằng: Hôn nhân không chỉ là màu hồng, giữ gìn hạnh phúc hôn nhân cần thật nhiều hy sinh và tha thứ, bởi đâu ai hoàn hảo. Bỏ qua những giận hờn vụn vặt, nhỏ nhặt chính là để bảo vệ hạnh phúc của mình. Nhẫn không chỉ là chịu đựng mà còn là tha thứ. Nhờ có từ, bi, hỉ, xả mà con người nhẫn một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Bởi thế, nhẫn còn là thuốc đối trị sân hận, làm chủ được bản thân. Nhờ kiên nhẫn, độ lượng mà con người bớt được tính nóng nảy, giữ hòa khí với người xung quanh, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng.
“Thực ra chữ nhẫn, nghĩ đơn giản là chậm lại một chút để có được sự tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Sự thấu đáo sẽ giúp chúng ta biết khi nào cần lên tiếng trong những trường hợp cụ thể. Và bằng thời gian, sự trải nghiệm, việc cân nhắc kỹ lưỡng có lẽ sẽ ngày càng mang nhiều ý nghĩa hơn đối với những người trẻ để bớt đi những chữ giá như, để điều hòa các mối quan hệ một cách văn minh và để phát triển chính bản thân mình theo hướng tích cực nhất”, ThS Hoa Hữu Vân chia sẻ.
Thực ra chữ nhẫn nghĩ đơn giản là chậm lại một chút để có được sự tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Sự thấu đáo sẽ giúp chúng ta biết khi nào cần lên tiếng trong những trường hợp cụ thể.
ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Vụ phó Vụ Gia đình Bộ VH-TT&DL |
THIÊN LÝ