Nhớ một đêm của năm 1970, tôi ngồi trước máy chữ trên căn gác ngôi nhà số 42 đường Võ Tánh (nay là Bùi Thị Xuân), TP Đà Lạt, lui cui sắp xếp bài vở chuẩn bị in tập tuyển thơ nhiều tác giả kịp phục vụ đại hội sinh viên phật tử Đà Lạt nhiệm kỳ mới, anh Ngô Thế Lý - Chủ tịch Sinh viên phật tử đem qua bản chép tay bài thơ Quê hương của Giang Nam, bảo đây là nhà thơ kháng chiến mình phải đăng ngay vào tập thơ Việt Nam dân tộc anh hùng. Vậy là tôi có dịp tiếp cận sáng tác của nhà thơ Giang Nam từ đó.
Tâm trạng tôi lúc ấy vừa thích thú lại vừa hồi hộp. Thích thú vì là lần đầu được đọc tác phẩm của nhà thơ đi kháng chiến đã cho tôi những rung động mới lạ mà trước giờ chưa gặp, nhưng lòng hồi hộp lo trong lúc đang đánh máy bài thơ lên giấy in bất ngờ bị mật vụ đánh hơi phát hiện coi như nguy to, vì chung quanh khu vực tôi lúc ấy đa số là phòng trọ nhiều giới chức của chính quyền Sài Gòn nơi thành phố cao nguyên này.
Nhà thơ Giang Nam |
“Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, sự quyến rũ thơ kháng chiến Giang Nam như có ái lực thôi thúc anh em chúng tôi kỳ công chép bài Nghe em vào đại học từ chương trình thơ trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để đăng vào tập san Tin tưởng của sinh viên phật tử Đà Lạt số chủ đề Đồng bào ta một lòng đuổi Mỹ sau đó. Những sáng tác của Giang Nam cùng nhiều thơ nhạc của các văn nghệ sĩ cách mạng hồi ấy lén nghe trong vùng địch, tôi có cảm giác rằng, nghệ sĩ cách mạng như những hiệp sĩ thời xưa thoắt ẩn thoắt hiện, nay đây mai đó, diệt gian trừ bạo, cứu nhân độ thế… Từ đó, mỗi khi phát hiện thơ Giang Nam ở đâu, tôi bằng mọi cách vồ đọc thưởng thức cho kỳ được, nhất là lén nghe các chương trình tiếng thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới gặp tác giả Giang Nam tại Nha Trang. Trước mắt tôi, nhà thơ có vóc người trung bình nhưng ẩn chứa nét phong trần với gương mặt sáng, dễ thân thiện, dễ xúc cảm. Cũng như hôm nói chuyện với các giới công chúng tỉnh Phú Khánh sau chuyến đi thực tế mà Khmer Đỏ vừa tràn qua gây tội ác cho đồng bào ta dọc theo nhiều tỉnh biên giới Tây Nam, trong khi nhà thơ kể lại những điều mắt thấy tai nghe về những bạo tàn, thương đau, tang tóc dân mình phải gánh chịu, chập chập ông lại lấy kính ra lau vì nhòe lệ.
Sau này, nhà thơ Giang Nam về làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với ông. Khi thì được nghe nhà thơ kể về đời sống gian lao, khó khăn, nguy hiểm của văn nghệ sĩ nơi chiến trường, lúc thì nói đến cách chọn đề tài để viết. Ông cho biết đôi khi mạch sáng tác bị nghẽn, phải tạm dừng bút quay sang làm việc khác như sửa sang cây cảnh, làm chuồng chăm sóc vật nuôi…, để đầu óc thư giãn. Hầu hết sáng tác của ông đều bắt nguồn từ hiện thực, có lúc như tự truyện (bài Quê hương), có lúc như khát vọng (bài Nghe em vào đại học), nhiều khi như bản cáo trạng đanh thép đối với kẻ thù.
Hòa bình lập lại, mạch thơ Giang Nam như cảm thông, chia sẻ với bao hoàn cảnh thiệt thòi, thậm chí khoan dung với kẻ lạc đường, độ lượng với số phận những phụ nữ lỡ lầm như trong bài lục bát lúc ông đến thăm Trại phục hồi nhân phẩm Đồng Găng. Rồi ông chia sẻ với chúng tôi việc chuyển gửi tác phẩm đến tòa soạn, cách giữ gìn bản thảo. Ông kể cuối những năm 70 đầu những năm 80 thế kỷ trước, phương tiện đi lại còn khó khăn, cảnh tàu xe nhốn nháo, ông đem cuốn bản thảo vào cho nhà in ở TP Hồ Chí Minh đựng trong cặp táp dày cộp. Kẻ cắp trên tàu tưởng ông cán bộ này nhiều tiền, nhân cơ hội xô đẩy chen lấn đã rạch cặp lấy trộm. Khi xuống tàu mới biết cặp táp bị rạch và cuốn bản thảo mất, ông bần thần tiếc nuối.
Hồi ấy, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh chưa nhiều; hội viên phía bắc Phú Khánh (Phú Yên) lại còn quá ít. Khi tôi lập gia đình vào ngày tết Dương lịch năm 1984, chủ tịch hội Giang Nam cùng các văn nghệ sĩ nhiệt tình đánh xe ra Tuy Hòa dự cưới. Các khách đến dự ngồi vào số bàn băng học sinh được mượn từ một trường tiểu học gần đó, dùng tiệc trà, chúc mừng, rồi hát ca, đọc thơ, kể chuyện vui… Nhà thơ Giang Nam xung phong lên trước đọc liền 3 bài thơ tặng tiệc cưới, xong quay sang bắt tay chúc mừng cô dâu chú rể. Sau đó lần lượt nhà thơ Đào Xuân Quý, nhà văn Nguyễn Gia Nùng, nhà thơ Triệu Phong cũng vậy. Riêng họa sĩ Thanh Hồ vẽ sẵn chân dung phác họa tôi tặng trong dịp này. Rất vui!
Những văn nghệ sĩ ngày ấy bao năm qua đã lần lượt lãng du vào cõi vĩnh hằng. Nay nhà thơ Giang Nam là người cuối cùng ra đi trong số văn nhân thi sĩ ở Nha Trang đến Phú Yên dự ngày vui của tôi cách đây gần 40 năm. Tôi xin mạn phép thay đôi chỗ trong câu thơ ở bài Quê hương để tiễn ông, mong hương linh người tha thứ. “Nay tôi yêu quê hương vì trong nắm đất/ Có một phần xương thịt của Giang Nam”.
Những sáng tác của Giang Nam cùng nhiều thơ nhạc của các văn nghệ sĩ cách mạng hồi ấy lén nghe trong vùng địch, tôi có cảm giác rằng, nghệ sĩ cách mạng như những hiệp sĩ thời xưa thoắt ẩn thoắt hiện, nay đây mai đó, diệt gian trừ bạo, cứu nhân độ thế… |
NGUYỄN TƯỜNG VĂN