Thứ Ba, 01/10/2024 22:34 CH
Bữa cơm sum vầy chiều cuối năm
Thứ Bảy, 21/01/2023 13:00 CH

Trong các lễ hội của người Việt, tết Nguyên đán hay tết Cả là lễ hội cổ truyền lớn nhất, gắn liền tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhiều tập tục như tiễn Ông Táo về trời, lễ cúng tất niên, giao thừa, xuất hành, tục xông nhà, mừng tuổi…

 

 

Nếu như ngày trước, các lễ tục ấy chỉ trong phạm vi gia đình, phường họ, thì ngày nay có cái đã trở nên phổ quát hơn, như cúng tất niên cơ quan, tất niên xóm, tất niên hội nhóm; sếp mừng tuổi nhân viên, lãnh đạo địa phương mừng tuổi công nhân lao động…

 

Có thể gọi đấy là tiếp biến văn hóa từ truyền thống gia đình ra xã hội, và kết quả của sự hội nhập ấy mang lại ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng chính vì sự phát triển của xã hội ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi con người, mà có những tập tục truyền thống rất tốt đẹp đang bị mai một, mất đi ý nghĩa nguyên sơ, đấy là lễ cúng tất niên.

 

Trong cuốn 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Thạch Phương và Lê Trung Vũ viết: “Đối với mỗi gia đình, lễ cúng tất niên trưa, hoặc chiều ngày 30 có một ý nghĩa quan trọng. Lúc này, mọi việc chuẩn bị cho ngày tết đã xong xuôi. Những người thân trong gia đình vì sinh kế, vì công việc phải sống ở xa, đến giờ này cũng đã tề tựu đông đủ. Trên bàn thờ ông bà, đèn nhang được thắp sáng, mâm cúng cũng đã được đặt lên một cách trang nghiêm. Người chủ gia đình đọc lời khấn ông bà, tổ tiên về chung vui cùng con cháu.

 

Trong tâm thức mọi người, lễ cúng tất niên trong gia đình là cuộc họp mặt đông đủ giữa người chết và người sống sau một năm. Hết tuần hương, mâm cỗ được dọn xuống, cả nhà quây quần xung quanh cỗ bàn ăn uống, hàn huyên vui vẻ trong không khí thân tình, ấm cúng”.

 

Sách Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam, Toan Ánh cho biết: “Làng Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, hàng năm vào ngày 30 tháng Chạp, dân làng đều đi viếng mộ khấn mời gia tiên về ăn tết. Tục này có ở rất nhiều nơi khác”. Và lễ cúng tất niên không chỉ trong quy mô gia đình mà đã lan ra xã hội, khi các bạn hàng buôn bán sống với nhau thành phường, những công chức cùng làm tại một công sở, nhân ngày tết đều có bữa tất niên để cùng nhau họp mặt trước khi chia tay về quê ăn tết.

 

Theo nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, thì thời trước chỉ những nhà làm ăn kinh doanh mới cúng tất niên, như là tổng kết một năm. Những gia đình nông nghiệp, sau lễ cúng Ông Táo thì mời ông bà trở về trước buổi chiều cuối năm để cùng ăn tết với gia đình.

 

Như vậy, lễ cúng tất niên và sau đó là bữa cơm tất niên mang ý nghĩa thiêng liêng là tưởng nhớ ông bà tổ tiên và gắn kết tình cảm gia đình. Bữa cơm chiều 30 cũng là lúc người ta tạm gác mọi lo toan để quây quần đầm ấm cùng các thành viên gia đình sau một năm tất bật mưu sinh.

 

Nét đẹp văn hóa ấy dần dà mai một, thay đổi khác với ý nghĩa ban đầu, khi guồng quay cuộc sống bứt những thành viên gia đình theo cuộc mưu sinh và trách nhiệm xã hội cùng với tiếp biến văn hóa. Ngày nay, các gia đình đa phần “bắt” ông bà tổ tiên về ăn tết sớm với gia đình, có khi từ trước rằm tháng Chạp và chọn ngày “tốt”.

 

Bữa cơm tất niên có nhà vô cùng thịnh soạn, số lượng có khi cả chục mâm để “trả nợ miệng” và khách mời tấp nập. Nhà ông A hôm nay tất niên to, nhà bà B ngày kia tổ chức cũng không thể kém cạnh vì đã dự tiệc nhà ông A quá linh đình. Rồi tất niên cơ quan, đơn vị; tất niên xóm, tất niên nhóm khiêu vũ dưỡng sinh… Nhiều người suốt 2- 3 tuần cuối tháng Chạp mệt đuối vì dự tiệc tất niên, câu than cửa miệng “không đi không được, người ta trách”.

 

Nhà neo người, bản thân cũng xoay mòng mòng trong những ngày cuối năm, có cả việc chạy “show tiệc tất niên”, nhờ đó mà đại gia đình tôi có được bữa quây quần chiều cuối năm. Con cháu đứa về sớm thì phụ giúp, đứa đến muộn chỉ việc ngồi vào bàn, rồi chuyện trò như pháo chuột nổ giòn. Tôi có đứa cháu gái làm ở một cơ quan nhà nước, xinh đẹp và đảm đang, vừa lấy chồng vài tháng nên tết này nếm mùi làm dâu.

 

Cháu kể cho hội chị em bạn dì câu chuyện về bữa cơm tất niên phía gia đình chồng vừa xảy ra chiều hôm trước, giọng vẫn còn ấm ức. Lâu nay, đồng nghiệp ở cơ quan vẫn nhờ con đặt giúp bánh chưng của nhà ông Bảy, là cơ sở chuyên gói bánh chưng bán vào dịp tết theo đơn đặt hàng, kể cả đi các tỉnh. Bánh chưng nhà ông Bảy vuông chằn chặn, mỗi cặp nặng từ 1-2kg, nếp xanh màu lá chuối, nhân thơm mùi Mai Quế Lộ, đặc biệt là có thể để lâu đến mươi ngày, nửa tháng. Bánh ngon nổi tiếng và khá đắt tiền.

 

Vì vậy mà hiếm khi ông nhận đơn lẻ, cháu tôi nhờ quen thân nên ông mới nhận và thành bạn hàng thường niên. 29 tết, vợ chồng cháu tôi về bên nội ở quê, mang cặp bánh chưng về dâng lên bàn thờ cúng ông bà. Khi hạ mâm cúng, cô em chồng lột một chiếc bánh chưng ra và hét toáng “Chị, chị mua bánh chưng hay mua lá, bánh gì mà đểu toàn lá thế này biết ăn vào có sao không?”.

 

Tôi hình dung tâm trạng của cháu lúc đó và trong lòng thấy thương thương. Rồi cháu kể tiếp, liền lúc đó cậu cháu rể lên tiếng nạt, cô em chồng tức tối bỏ đi không ăn bữa cơm tất niên cùng gia đình. Tôi không muốn kể thêm chuyện nhà thông gia, nhưng chút hành vi ứng xử thiếu tế nhị và không hiểu biết của cô em chồng kia đã phá hỏng một bữa sum họp của đại gia đình sau một năm là điều rất không nên.

 

Nếp nhà phải được giữ gìn từ những điều nhỏ nhất, từ đó mới mong giữ được nét văn hóa truyền thống qua những tập tục như là lễ cúng tất niên, để bữa cơm cuối năm thật sự trở về với giá trị văn hóa và ý nghĩa tinh thần vốn có, chứ không là cuộc so điều kiện kinh tế hay đơn giản là trả nợ miệng.

 

KHÁNH UYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trong ngôi nhà Sao Biển
Thứ Hai, 23/01/2023 08:00 SA
Tự sự của mèo mướp
Chủ Nhật, 22/01/2023 14:00 CH
Chiều cuối năm
Thứ Bảy, 21/01/2023 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek