Một chiều đông, lang thang trên phố lạ, chợt lời ca Tự tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên da diết “Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà/ chờ nghe thế kỷ tàn phai/ Tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa/ mà sao vẫn cứ lạc loài”, lòng chợt bồi hồi. Ừ nhỉ, hiên nhà trong ký ức tuổi thơ đâu rồi? Đã bao lâu rồi mình không còn nhìn thấy hiên nhà xưa?
Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG |
Nhà ngoại tôi thuộc kiểu nhà đá mái trần bằng - một kiểu nhà cổ quen thuộc của người miền Trung. Tuổi thơ của tôi ở đó. Nghe ngoại kể lại, ngày trước nhà ngoại lợp bằng tranh. Sau giải phóng, ngoại tích cóp được chút ít nên đã sửa lại căn nhà cũ, mái tranh được thay bằng loại tôn hạt mè, bền bỉ cùng thời gian mà vẫn thoáng mát quanh năm. Tôi thích nhất ở nhà ngoại là mái hiên trước nhà.
Hiên nhà ngoại không rộng lắm nhưng là nơi lý tưởng cho bọn trẻ chúng tôi cười đùa trong trò chơi trốn tìm. Những cây cột gỗ gõ trước hiên nhà sẽ là vật chủ, để người đi tìm che mắt, úp mặt vào cây cột nhẵn thín và đếm “năm - mười - mười lăm - hai mươi...”. Cánh phên dại được ngoại kết bằng tre già, bện chặt bằng dây mây rừng bền màu theo năm tháng. Mỗi sáng, ngoại chống phên dại lên, làm chỗ thoáng mát cho chúng tôi chạy nhảy vui đùa.
Hiên nhà ngoại dường như mát mẻ quanh năm. Mùa hè, hiên nhà là nơi bà ngồi hong tóc. Hương bưởi, hương bồ kết cứ thoang thoảng theo gió đưa vào. Hiên nhà là nơi ông mắc chiếc võng để tôi đu đưa theo từng cánh gió. Chiếc quạt lá cọ được bà ngồi kế bên phe phẩy đưa tôi vào những câu chuyện cổ tích lạ kỳ.
Mỗi sáng đi học, bà sửa soạn quần áo cho chúng tôi xong, còn dặn: Cháu đi học cũng là đi làm việc lớn, nên phải đi ra khỏi nhà từ hiên nhà trên, không được đi từ nhà dưới. Tan học trường làng, về đến nhà đã thấy bà ngồi trước hiên ngóng đợi.
Vui nhất ở quê ngoại là vào ngày tết. Ngày ấy, vào tháng Chạp, bà đã bắt đầu chuẩn bị các thức quê để làm bánh mứt. Nếp tượng được bà mang ra phơi, sàng sảy để chọn hạt tròn đều, mây mẩy.
“Gừng sẻ, bí chanh, dừa già, món quê dân dã đậm đà ngày xuân; củ kiệu già, đu đủ son, bánh chưng dưa món, ai còn khen chê”, bà vẫn thường bảo thế. Bà loay hoay phơi kiệu trước sân, tôi cứ quanh quẩn bên những chiếc nia để ngửi mùi hăng hắc. Bà dặn “hễ trời rắc nhẹ vài hạt là cháu phụ bà mang vào trong hiên nhé!”. Bà lui cui đổ từng khuôn bánh thuẫn ở nhà dưới, rồi mang từng sàng lên hiên nhà, hong trên giỏ tre, bên dưới có chút than tàn.
Nhiệm vụ của tôi là ngồi canh mấy sàng bánh, đừng để chó gà vào nhảy đổ. Mùi hương bánh thuẫn, bánh men bốc lên, khiến đứa cháu là tôi không cầm lòng được, lén trộm vài cái, giấu vào vạt áo, chạy ù ra vườn để ăn cùng chúng bạn. Hiên nhà, là nơi ông ngồi chẻ lạt giang để bà gói bánh tét, là nơi ông ngồi chuốt từng sợi mây già để bện lại mái phên dại sau mùa mưa bão đã bạc màu.
Vừa nhâm nhi ấm chè đặc, vừa thưởng thức món nghệ vàng rim mật ong mà bà vừa làm xong, ông kể bao chuyện xưa cũ, những câu chuyện dài tập về gia đình nhà cố phải tản cư ra sao, chuyện ông bà gặp nhau như thế nào, chuyện mẹ tôi băng qua cánh đồng làng để đến trường, chuyện cậu út bỏ nhà đi biệt tăm mấy năm trời...
Ngày đó, quê ngoại vẫn còn giữ phong tục “mùng một quét ra, mùng ba quét vào”, nghĩa là trong những ngày tết, khi quét nhà, vào ngày mùng một thì hãy quét rác ra khỏi cửa, còn mùng ba thì hãy quét vào xó nhà. Tôi chẳng hiểu làm như vậy để chi, và nếu làm ngược lại liệu có điều gì chẳng lành xảy đến không, nhưng trẻ con cứ răm rắp thực hiện theo lệnh của người lớn. Ngày tết, dì Gái muốn chải tóc để đi chơi, bà dặn “Hãy chải tóc dưới hiên nhà/ để cho hương bưởi hương cà bay đi”. Có lẽ bà muốn chút gió xuân sẽ đưa hương gội đầu lan tỏa hay để tóc đỡ rụng trong nhà, đỡ phải quét ra quét vào.
Hiên nhà, trong kiến trúc của người miền Trung quê tôi vừa giúp căn nhà mát mẻ vào mùa hè, vừa ấm áp vào mùa đông. Hiên nhà giúp che mưa tạt vào những khung cửa gỗ mỗi khi có mưa bấc. Trong ký ức tuổi thơ tôi, đó là nơi bình yên đến lạ, nơi lưu dấu những kỷ niệm ngọt ngào.
Ngày nay, hầu hết các căn nhà dù ở quê hay ở phố, theo kiến trúc mới, hầu như hiên nhà không còn quan trọng nữa. Họ dành không gian sinh hoạt chủ yếu bên trong nhà. Nhà nào còn khoảng sân rộng, họ thường làm hiên nhà di động hoặc mái tôn, dù tiện nhưng căn nhà sẽ nóng bức mỗi khi hè đến.
Chiều đông. Nhận được tin nhắn của cậu út “qua tết cậu sẽ sửa nhà, để có chỗ thờ phượng ông bà đàng hoàng hơn”, lòng chợt lạnh hơn giữa mùa giá rét. Sửa nhà, nghĩa là phải phá dỡ căn nhà cũ gắn với mình bao ký ức, sửa nhà nghĩa là không gian kỷ niệm tuổi thơ sẽ không còn, đặc biệt mái hiên từ đây sẽ chỉ còn trong ký ức và những tấm hình cũ. Dù ta không thể đòi hỏi nhiều hơn những sự tiện nghi của thời đại, nhưng ký ức cứ mách bảo rằng, giá như, giá như...
“Hiên nhà một ngày mưa rũ rượi cả cô đơn/ Ta tựa lưng vào nhau ngập ngừng chưa muốn lớn”, Đen Vâu đã viết những lời ca như vậy, như muốn níu kéo chút tuổi thơ còn sót lại. Còn tôi, mỗi khi nghe ca khúc ấy chỉ muốn lắng lòng mơ về hiên nhà xưa.
LA XUÂN YÊN