Lần đầu đến đất nước Triệu Voi, chúng tôi được tham quan ngôi chùa cổ nhất của thủ đô Viêng Chăn là Wat Si Saket. Tại đây chúng tôi được nhà sư buộc vào cổ tay nhiều sợi chỉ trắng với lời cầu phúc lành. Đây là một phong tục mang nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân xứ sở hoa Chăm Pa.
Tác giả được sư thầy buộc chỉ cổ tay. Ảnh: CTV |
Đậm nét văn hóa các bộ tộc Lào
Lễ buộc chỉ cổ tay có từ xa xưa, mang đậm nét văn hóa của người dân các bộ tộc Lào, với mong muốn cầu phúc lành cho người được nhận lễ và thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa hai bên. Mỗi dịp đón khách từ xa tới thăm, người dân Lào luôn cầu mong cho họ những điều may mắn, tốt đẹp. Trong tâm thức người dân Lào, quan niệm cầu mong điều tốt lành cho người khách, thì sau đó, người khách sẽ lại mang bình an đến cho mình.
Anh Văn - thông dịch viên của đoàn cho biết: Lễ buộc chỉ cổ tay được tiến hành vào các dịp tết Bunpimay (tết truyền thống của Lào), vào dịp tân gia, cưới xin, dịp tiễn người đi xa hoặc trở lại nhà sau thời gian xa cách. Phong tục này đặc biệt còn dành cho bạn bè thân thiết và khách quý với gia chủ, thể hiện lòng mến khách của người Lào. Buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn… là một thông điệp mà mỗi người dân Lào dành cho mọi người xung quanh, bạn bè quốc tế rằng chúng tôi yêu mến các bạn. Để lời chúc được hiệu nghiệm thì trong vòng 3 ngày người nhận lễ buộc chỉ cổ tay không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lý do gì. Hiện nay, mỗi khi du khách đến tham quan một ngôi chùa hay dự một sự kiện lớn nào đó ở Lào cũng đều được buộc chỉ cổ tay. Việc này có ý nghĩa mong sự bình an, may mắn cho du khách. Đây chưa phải là lễ buộc chỉ cổ tay theo đúng nghi thức truyền thống của người Lào.
Anh Văn nói rõ thêm: Lễ buộc chỉ cổ tay được chuẩn bị rất chu đáo, ban đầu gia chủ sắm sửa một mâm lễ (gọi là mâm khoẳn) gồm có rượu, hoa, trứng, gà, xôi nếp, nước và chỉ trắng trang trí thành một hình tháp, trên đỉnh sẽ cắm một cây nến vàng. Theo phong tục, nghi lễ buộc chỉ cổ tay phải được tiến hành ở nơi trang trọng nhất trong nhà, thường là phòng khách. Người được mời làm chủ lễ theo nguyên tắc là nhà sư, song thực tế thường do một achan hay một Thít tức nhà sư đã hoàn tục (tạm gọi là sư thầy), nếu không, ít ra cũng phải là một Móphon, hiểu nôm na là thầy cúng. Gia chủ sẽ buộc cho người được nhận lễ một chiếc khăn truyền thống của người Lào. Thường thì chỉ sư thầy và các vị khách chính trong lễ mới được dùng khăn.
Sư thầy kéo các đầu chỉ từ trên mâm xuống để trao cho những người ngồi sát quanh mâm, thường gồm gia chủ, người được nhận lễ và các vị khách chính. Các sợi chỉ này đều được buộc vào mâm lễ và đủ dài để mọi người dự lễ đều có thể nắm được. Mở đầu, chủ nhà dâng lễ và buộc chỉ cổ tay cho sư thầy trước. Tiếp đến, sư thầy tiến hành các nghi thức của lễ, để bày tỏ sự tôn trọng và xin sư thầy cầu phúc cho người được nhận cùng những người tham dự. Bắt đầu vào buổi lễ, bên mâm khoẳn, tất cả những người tham dự ngồi xung quanh, người chủ lễ ngồi đối diện với những người nhận lễ.
Chủ lễ châm cây nến trên đỉnh của mâm khoẳn và khấn vái. Những người xung quanh, tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm. Những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện tới tất cả các thành viên tham dự và tăng thêm sự gắn kết giữa các thành viên dự lễ. Sau khi khấn xong, chủ lễ buộc chỉ tay cho người nhận lễ trước rồi lần lượt đến những người khác. Loại chỉ tay này được tết riêng, buộc thành chùm trên mâm lễ, cắt vừa đủ để buộc vào cổ tay. Sau đó những người khác cũng sẽ lấy những sợi chỉ trên mâm khoẳn và buộc cho nhau để cầu phúc, cầu may. Thông thường các vị khách chính, người già, gia chủ và phụ nữ sẽ được buộc nhiều nhất.
Quang cảnh chùa ở thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: HOÀI SƠN |
Một tín ngưỡng cổ truyền
Kết thúc lễ, gia chủ thường làm một bữa tiệc để mời sư thầy và các vị khách cùng ăn uống vui vẻ. Việc mời tiệc không bắt buộc, tùy gia cảnh để ứng xử cho phù hợp. Tục lệ buộc chỉ cổ tay là một nét đẹp văn hóa rất đặc biệt, biểu trưng cho lòng mến khách của người dân Lào đối với người thân, bè bạn. Khi buộc chỉ, người Lào bao giờ cũng dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho người được buộc. Do tính đơn giản của nó, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn thì gia đình nào cũng có thể tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay. Và bất kỳ người Lào, dù trai hay gái trong cuộc đời của mình đều trải qua hàng chục, hàng trăm lần làm lễ buộc chỉ cổ tay.
Trải qua thời gian, lễ buộc chỉ cổ tay không ngừng được biến đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Lễ buộc chỉ cổ tay hòa nhập với đạo Phật khi tôn giáo này được truyền bá và phát triển rộng rãi ở đất nước Lào. Tuy vậy, lễ buộc chỉ cổ tay vẫn giữ được cái cốt lõi của một tín ngưỡng cổ truyền, đó là tính đơn giản, thiêng liêng và quan trọng. Nội dung lời cầu nguyện trong lễ buộc chỉ cổ tay được bổ sung phong phú hơn, về hình thức cũng được trau chuốt bóng bẩy, giàu nhạc điệu khi đọc có sức hấp dẫn đi vào lòng người hơn trước.
Ngày nay, lễ buộc chỉ cổ tay ở xứ Triệu Voi đã vượt qua khuôn khổ của một nghi lễ bình thường, trở thành tình cảm, niềm tin và nguồn động viên lớn về mặt tinh thần đối với người Lào trong cuộc sống, lao động sản xuất. Và hơn thế, tục buộc chỉ cổ tay còn trở thành nét đẹp mang bản sắc văn hóa độc đáo trong tâm hồn người dân các bộ tộc Lào khi giao tiếp với du khách năm châu. Người Lào rất đỗi hiền hậu, mến khách và luôn coi trọng chữ hòa, chữ hiếu với bạn bè. Tính cách đó thể hiện rõ trong phong tục buộc chỉ cổ tay với một quan niệm: Chỉ quấn trên cổ tay ai càng nhiều thì càng gặp nhiều may mắn, tốt lành.
NGUYỄN HOÀI SƠN