Nhặt lên từ cỏ là tên tập thơ mới nhất của nhà thơ Thanh Quế. Mang cái tên rất đỗi khiêm nhường, nhưng Nhặt lên từ cỏ lại là nơi chứa đựng sức nặng của hành trình sống và chiêm nghiệm của một đời thơ Thanh Quế. Thế nên, nếu xem đồng cỏ kia là cuộc sống thì mỗi bài thơ chính là những hạt sương đọng lại trên cánh đồng cỏ.
Với tập thơ nhỏ nhắn, ngắn gọn như một lời giãi bày này, người đọc sẽ gặp lại một Thanh Quế luôn trăn trở, luôn thao thức, luôn khao khát, tha thiết với cuộc đời và cả thơ ca.
Hành trình sống và chiêm nghiệm của một đời thơ
Bìa tập thơ Nhặt lên từ cỏ. Ảnh: CTV |
Sau một hành trình sống đủ dài, Thanh Quế đã thấy được bản chất của bao nhiêu hiện tượng đời sống và gửi gắm đến người đọc vừa như là lời giãi bày, vừa như lời nhắn nhủ. Ông viết nhiều về những trái khoáy, những u minh của bản chất người: “Con người thường vất đi/ những cái lớn lao/ Hoan hỉ lượm lặt/ những điều nhỏ nhặt” (Bài 100). Ông cũng mạnh mẽ chỉ ra tệ quan liêu, sự tha hóa của con người trước sức mạnh của đồng tiền và quyền lực: “Đôi lúc, anh nên nhớ/ Chìa khóa mở những khó khăn và ách tắc/ Đúc bằng tiền!” (Bài 72). Dẫu vậy, và có lẽ bao giờ cũng vậy, trong thơ Thanh Quế, những mặt tối của đời sống, sự tàn phá của thiên tai, dịch bệnh vẫn không hủy hoại được thiện lương, sự tử tế, và nhất là, tình yêu: “Biết bao tai ương:/ đói khát, dịch bệnh, chiến tranh… trên đời/ Họ vẫn yêu nhau để sinh ra/ những con người” (Bài 84).
Bên cạnh những nghiệm suy về con người và cuộc đời, Nhặt lên từ cỏ còn là tiếng lòng sâu xa của một người thơ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Tuổi già đến, kéo theo những nỗi ưu tư mà chỉ người già mới cảm nhận một cách rõ rệt. Nhà thơ không giấu được nỗi niềm của người đôi khi chỉ còn có thể sống bằng những niềm vui đã cũ: “Tuổi già nằm bệnh/ Bạn đến khen bài thơ cũ của mình hay/ Không thấy vui, chẳng thấy tự hào/ Chỉ bật khóc!” (Bài 57), và sống chung với biết bao nỗi buồn sâu kín: “Cuối đời/ Sống trong nhiều nỗi buồn/ Trong lòng tôi/ Như có ngôi nhà cũ xưa đổ nát” (Bài 83). Nhìn lại chặng đường đời mình đã đi qua, thơ ông mang dấu ấn của cảm thức về sự mất mát, hoang hoải: “Chạm vào tuổi 75/ Vạt nắng cuối chiều/ Làm hiện lên vết loang lổ của bức tường cũ” (Bài 17). Song không vì thế mà thơ ông đi vào mênh mông những tiếc thương một thời tuổi trẻ, những âu lo mất - còn của một đời người, những sợ hãi khi hình dung ngày thần chết ghé thăm. Đọc thơ ông, người đọc có thể hình dung tâm thế bình an, yên tĩnh của một ông lão đang tận hưởng năm tháng còn lại của đời mình: “Điều thú nhất của tuổi già/ Là được nằm nghiền ngẫm sách xưa” (Bài 150). Nhà thơ dường như thật sự thấu hiểu quy luật sinh tử, không mưu cầu sự vĩnh cửu phù phiếm, nên tìm được sự bình thản khi nghĩ về sự tan biến tự nhiên: “Đừng mong để lại dấu chân/ Khi đời mình như mây nhẹ bổng” (Bài 146). Có lẽ, chính sự minh triết trong nhận thức về sự sống và cái chết mà Nhặt lên từ cỏ tuy nói nhiều đến cái chết nhưng không nhuốm màu sắc bi quan, thậm chí, cái chết lại tạo cho sự sống thêm nhiều sức mạnh và nhiều ý nghĩa: “Thần chết hụt hơi/ Vì mải đuổi theo niềm vui sống của tôi” (Bài 158).
Một đời cầm bút, cũng đã gặt hái được những quả ngọt, song dường như lúc nào Thanh Quế cũng đau đáu, khắc khoải những niềm riêng về thơ và về sự viết của chính mình. Đó có thể là nỗi đau (và cả sợ hãi), rằng thơ không có (hoặc không còn) những giá trị nhân văn: “Đau biết bao khi bị chê thơ dở/ Đau hơn cả là trong thơ không còn tình còn nghĩa/ Trang giấy như bãi sa mạc cằn khô” (Bài 116). Đó còn là nỗi buồn khi đời thơ, và cả đời mình, đối diện với quy luật lãng quên khắc nghiệt của thời gian và cuộc sống: “Anh có sợ sự lãng quên không?/ “Không” - tôi trả lời câu hỏi của bạn/ để che đậy nỗi buồn khi bảo: “có” (Bài 153). Tuy cảm nghiệm sâu sắc nỗi đau khi bị lãng quên, nhưng không vì vậy mà nhà thơ mưu cầu một sự ghi nhớ khô cứng. Vinh quang của một người làm thơ, theo ông, chính là sự hiện hữu của thơ mình trong lòng độc giả, trong đời sống sinh động, chứ không phải sự có mặt trên sách vở, ngay cả đó là loại sách vở được xếp vào hàng chuẩn mực như sách giáo khoa: “Bạn đến khoe tên bạn/ được nhắc đến trong sách giáo khoa/ Mừng cho bạn/ Sao tôi vẫn thích hơn/ Bạn có một câu thơ được nhiều người nhắc đến.” (Bài 117). Đó còn là sự đắng cay khi nhận ra tình trạng bị sa lầy trong lối mòn của sự viết: “Tôi giẫm chân quá lâu/ trong những bài thơ cũ của mình/ Đến nỗi muốn nhấc chân lên để đi tìm bài thơ mới/ Cũng không nhấc nổi” (Bài 121). Với nhà thơ nói riêng và người nghệ sĩ nói chung, không gì đớn đau và nguy hiểm bằng cái chết của sự sáng tạo. Vì nó chính là nguyên do của tình trạng người cầm bút bị giam hãm trong hào quang một thuở: “Suốt mười năm anh không viết/ Niềm tự hào của anh bây giờ/ Là đi khoe những tác phẩm ngày xưa” (Bài 118).
Sự tiếp nối dòng chảy thi ca của Thanh Quế
Có thể thấy, những nỗi niềm trăn trở về thơ và sự viết là một trong những cảm hứng sáng tạo của chính Thanh Quế, không chỉ trong riêng Nhặt lên từ cỏ. Bằng lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút, ông đã xem sự viết của mình là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi một trái tim luôn ấm nóng, một lý trí không ngừng phản tư và truy vấn, một năng lực sáng tạo liên tục vận động, có như vậy, thơ ca mới không chết yểu và nối dài sự hiện hữu của mình ngay cả khi chủ thể sáng tạo không còn nữa. Dẫu vậy, khi đã dốc trọn cho thơ ca, nhà thơ - trước hết là một con người, lại là một con người đã đi đến phần dốc bên kia của đời người - vẫn không tránh khỏi những ngậm ngùi rất đỗi hiện sinh: “Đêm lạnh/ Ngồi đọc tuyển tập thơ bè bạn/ Nghĩ thương bạn, thương mình/ Cả một đời phấn đấu/ Liệu mỗi chúng ta còn được nửa câu thơ?” (Bài 90). Có lẽ, sau những khoảnh khắc ngộ ra một lẽ đời, một lẽ sống mà những bài thơ gợi ra, chính những khắc khoải như thế này, đã khiến cho Nhặt lên từ cỏ tuy đậm chất suy tư, chiêm nghiệm vẫn gợi lên những cảm xúc lắng sâu nơi người đọc.
Xuyên suốt Nhặt lên từ cỏ là những bài thơ hai câu, ba câu, một số ít dài hơn, bài dài nhất nằm ở gần cuối. Một số bài trong Nhặt lên từ cỏ bởi tính ngắn gọn cả về hình thức lẫn nội dung mà có thể xem là những câu cách ngôn, những câu châm ngôn dưới dạng thơ, như bài 115: “Nhà thơ sợ sự lãng quên hơn cái chết”, bài 63: “Niềm vui qua mau/ Nỗi buồn đọng lâu”. Đặt những bài thơ ngắn của Thanh Quế trong dòng chảy thơ ca Việt Nam và thế giới, người đọc có thể cảm nhận sự gần gũi của những bài thơ hai câu với thơ lục bát - thể thơ đặc hữu của Việt Nam; sự tương đồng với những bài thơ ngắn của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore như: “Giọt sương nói với mặt hồ/ Ngươi là giọt sương to nằm dưới lá sen/ Ta là giọt nhỏ nằm trên lá”; và cả sự gặp gỡ với những bài haiku đậm chất nhân tình của một trong tứ trụ thơ haiku Nhật Bản Kobayashi Issa: “Gạo thóc gây nên tội/ Cho bầy chim chóc/ Ẩu đả với nhau!”. Các nhà thơ đã gặp nhau trong hành trình tìm kiếm một hình thức thơ phù hợp với thế giới nội cảm và những suy tư triết mỹ của mình và góp phần tạo nên giá trị cho thơ ngắn, thơ cực ngắn.
Có thể thấy, Nhặt lên từ cỏ là sự tiếp nối dòng chảy thi ca của Thanh Quế với những đặc tính đã trở thành phong cách: chân thành trong cảm xúc, dung dị trong câu từ, sâu sắc trong tư tưởng. Song không vì vậy mà Nhặt lên từ cỏ thiếu đi tính sáng tạo và sự mới mẻ. Thật ngạc nhiên khi ở tuổi thất thập, Thanh Quế lại mạnh dạn thể nghiệm nghệ thuật tối giản trong hình thức thơ. Và sự thể nghiệm của Thanh Quế chính là minh chứng cho một nhà thơ không ngừng nỗ lực làm mới để nhấc chân mình ra khỏi những bài thơ đã cũ, tiếp tục phiêu lưu trong hành trình sáng tạo thơ ca của chính mình để có thể tiếp tục nhặt lên từ cỏ, những hạt sương thơ…
Nhà thơ Thanh Quế tên là Phan Thanh Quế, sinh ngày 26/2/1945 tại làng Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An. Ông là tác giả của 13 tập thơ và trường ca, 24 tập tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn và 4 tập chân dung văn nghệ, trong đó có tiểu thuyết Cát cháy và tập thơ Những tháng năm vay mượn đã đạt được các giải thưởng văn học. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. |
VÕ NGUYỄN BÍCH DUYÊN