Thứ Năm, 03/10/2024 01:27 SA
Nguyễn Đình Chiểu - người truyền tải tư tưởng nhân nghĩa
Chủ Nhật, 10/07/2022 08:00 SA

Trong một chuyến đi thâm nhập thực tế sáng tác, văn nghệ sĩ Phú Yên đã viếng lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu ở xã An Đức (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Trong ảnh: Nhà văn Phú Yên cùng đồng nghiệp ở Bến Tre thắp hương viếng cụ Đồ Chiểu. Ảnh: YÊN LAN

Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là một nhân cách tiêu biểu, một nhà văn hóa lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Cụ Đồ Chiểu là người đầu tiên dùng văn chương tạc vào lịch sử chân dung những nông dân - nghĩa binh quả cảm đánh giặc. Thông qua văn chương, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã truyền tải tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân đến bao lớp con cháu đời sau.

 

Cuối tháng 11/2021, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

 

Mới đây, lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822-1/7/2022), 30 năm ngày truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre đã được long trọng tổ chức. Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart trao Nghị quyết vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023.

 

Sự kiện nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh và cùng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông là niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng.

 

Giá trị văn hóa các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu

 

GS.TS Nguyễn Chí Bền, tác giả quyển sách Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất (NXB Thế Giới), cho biết: “Theo yêu cầu của UNESCO, hồ sơ danh nhân của mỗi quốc gia phải được hai quốc gia thành viên UNESCO đồng giới thiệu thì mới hợp lệ. Thực tế, hồ sơ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được bốn quốc gia đồng giới thiệu là Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là điều rất đáng mừng và tự hào, thể hiện uy tín quốc tế rất lớn của cụ Đồ Chiểu”.

 

Trong quyển sách Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất, GS.TS Nguyễn Chí Bền viết: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù tối và gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Các tác phẩm của ông có thể chia ra làm hai thời kỳ sáng tác. Giai đoạn đầu (những năm 50 của thế kỷ XIX): Trong giai đoạn này, ông viết Lục Vân Tiên Dương Từ - Hà Mậu. Có thể xem đây là thời kỳ khẳng định tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước yêu dân của ông. Giai đoạn sau bắt đầu từ ngày quân Pháp đến chiếm lấy Gia Định (1859) cho đến khi ông qua đời (1888): Ngòi bút của ông ở giai đoạn này gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân mất nước. Trong nhiều tác phẩm như Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Lục tỉnh sĩ dân trận vong, Văn tế Trương Định, Thơ điếu Phan Thanh Giản, Ngư tiều vấn đáp y thuật… được ông sáng tác vào cuối đời.

 

Qua các tác phẩm của mình, ông đã lên án mạnh mẽ quân Pháp xâm lược, phê phán triều đình nhu nhược, đồng thời ca ngợi tinh thần nghĩa khí và những tấm gương chiến đấu anh dũng của Nhân dân. Đây là giai đoạn phát triển cao và rực rỡ của sự nghiệp văn chương Nguyễn Đình Chiểu”.

 

Nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng từ Nam chí Bắc như Hà Huy Giáp, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Hoài Thanh, Trần Văn Giàu, Ca Văn Thỉnh… đều có công trình nghiên cứu, dịch thuật, bài viết về cụ Đồ Chiểu. Năm 1886, Trương Vĩnh Ký lần đầu tiên dịch truyện Nôm Lục Vân Tiên ra quốc ngữ làm giáo trình tiếng An Nam cho học sinh An Nam và châu Âu. Theo Từ điển Văn học, bản in Lục Vân Tiên của Trương Vĩnh Ký năm 1889 và của Minh Đức năm 1924 đã cố định hóa về văn bản với 2.082 câu.

 

Trong tác phẩm Tây Hồ và Santé, chí sĩ Phan Châu Trinh đã họa vận 12 bài thơ của cụ Đồ Chiểu điếu Trương Định. Ông “khóc Nguyễn Đình Chiểu, khóc Trương Định đồng thời cũng khóc cho nỗi cô đơn của chính mình”: Xoay vần một cuộc biển nên cồn/ Đồ Chiểu danh thơm tiếng vẫn đồn/ Huyết lệ trăm dòng đau Tổ quốc/ Văn chương một mạch rạng mi môn”.

 

GS.Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn viết: “Tất cả tình cảm quý trọng, tôn cao của Nguyễn Đình Chiểu từ khi giặc Pháp xâm lược, là dành cho các anh hùng dân tộc và cho đông đảo Nhân dân lao động anh dũng, kiên cường chống giặc đến cùng. Đó cũng là đề tài của những áng văn thơ hiện thực nhất, xúc động nhất, hay nhất của Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thơ điếu Trương Công Định, Văn tế Trương Công Định, Thơ điếu Phan Công Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh...”.

 

Di sản tinh thần có sức ảnh hưởng to lớn

 

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại một di sản tinh thần có sức ảnh hưởng to lớn, quý báu vô cùng. Nhà thơ đã dùng ngòi bút để ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, cổ vũ tinh thần chống giặc của Nhân dân, tố cáo tội ác của thực dân Pháp từ thế kỷ XIX. Ngay khi cụ còn tại thế, thơ văn của cụ góp phần khích lệ tinh thần đấu tranh của quân và dân Nam Bộ, dù bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp khốc liệt. Thơ văn của cụ góp phần kêu gọi, động viên nghĩa binh đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp, bảo vệ non sông. Có thể kể lược qua những cuộc nổi dậy tiêu biểu ở Nam Bộ như của Trương Công Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân… Cụ cũng đóng vai trò tham mưu, cố vấn cho nhiều lãnh tụ nghĩa quân. Tuy các cuộc khởi nghĩa không thành công nhưng tinh thần yêu nước bất diệt của nghĩa sĩ và của cụ Đồ Chiểu còn lưu danh đến muôn đời, góp phần vào truyền thống kiên cường, bất khuất của bao thế hệ anh hùng trong chiến đấu cũng như trong xây dựng.

 

Tác giả Phạm Long Điền viết: “Nguyễn Đình Chiểu, một chiến sĩ! Chiến sĩ của văn hóa dân tộc, của truyền thống bất khuất của sĩ phu miền Nam. Truyền thống ấy đã chan hòa vào lời thơ bình dị của nhà thơ cách mạng để nối tiếp mãi mãi tưới vào mảnh đất miền Nam, một niềm tin yêu đanh thép vào trường tồn dân tộc trong công cuộc trường kỳ chống ngoại xâm”.

 

Tháng 7/1972, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp đọc diễn văn tại mít tinh kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Diễn văn có đoạn: “…Chúng ta căm ghét điều mà Nguyễn Đình Chiểu căm ghét, chúng ta yêu thương điều mà Nguyễn Đình Chiểu yêu thương. Nguyễn Đình Chiểu rất cổ điển mà cũng rất hiện đại. Cuộc đời ông, thơ văn ông vẫn là niềm kích động, cổ vũ cho sự nghiệp của chúng ta. Mỗi chúng ta có thể rút ra bài học cho mình từ cuộc đời và sự nghiệp của ông: bài học sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật”.

 

GS.TS Trịnh Văn Thảo (Đại học Aix - Marseille, Pháp) nhận định về sức mạnh của cụ Đồ Chiểu: “Nguyễn Đình Chiểu tượng trưng cho tinh thần yêu nước, yêu dân tộc và trung thành của người miền Nam. Không phải lúc nào cũng lao đầu vào chiến đấu (tức dùng đến võ lực). Nguyễn Đình Chiểu đề nghị một đường lối đấu tranh mềm dẻo, chính trị, đặt văn hóa và tư tưởng lên trên vũ khí quân sự. Ông là người đặt ưu tiên cho đấu tranh bằng phương tiện văn hóa và văn học. Sứ mệnh đặc biệt của người trí thức là đấu tranh bằng tư tưởng trên đấu tranh bằng vũ lực. Người trí thức thì phải đặt trọng tâm cho phương tiện đấu tranh trí thức và đấu tranh văn hóa”.

 

Những lớp hậu duệ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã thực hiện tốt lòng mong mỏi của các bậc tiền nhân, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thỏa lòng mong đợi của cụ Đồ Chiểu năm xưa: “Bao giờ nhật nguyệt vầng gương sáng/ Bốn bể âu ca hiệp một nhà”.

 

Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là một nhân cách tiêu biểu, một nhà văn hóa lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Thông qua văn chương, cụ Đồ Chiểu đã truyền tải tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân đến bao lớp con cháu đời sau.

 

NGUYỄN ĐÌNH CHÚC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek