Trên hành trình du lịch Sông Cầu, khi đi ra đến ngã ba Triều Sơn, rẽ về hướng tây theo đường ĐT642 gần 1km, ta bắt gặp ngôi chùa cổ kính Triều Tôn, hơn 200 năm tuổi. Chùa tọa lạc tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, vùng đất “tăng tài lưu xuất” của TX Sông Cầu.
Vùng đất địa linh, nhân kiệt
Chùa Triều Tôn tựa lưng vào núi thế vững chãi, trước chùa là cánh đồng lúa, xa hơn là dòng Tam Giang uốn lượn xuôi về vịnh Xuân Đài. Nơi đây phía Bắc có dốc Găng tọa trấn, phía Nam có miếu Ông Cọp rất linh thiêng, phía Đông là vịnh Xuân Đài - một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tại thôn Triều Sơn còn có mộ và đền thờ danh nhân Đào Trí, có dấu tích chùa cổ Thắng Quang.
Tổ đình Triều Tôn được thiền sư húy Liễu Diệu, hiệu Chánh Quang, phái Lâm Tế, đời thứ 37 khai sơn vào đầu triều Nguyễn (1803). Thiền sư là người Phú Yên; sau khi tham cứu tu học, ngài đã vân du hành đạo khắp nơi. Khi đến vùng đất này, nhận thấy hầu hết dân cư đều sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản, ngài dựng am để tu hành ở trên đồi Cây Dừng, xứ Đồng Găng. Dân trong vùng dần dần được cảm hóa, xem am là chỗ dựa trong đời sống tâm linh. Ngài Liễu Diệu viễn tịch vào năm 1855.
Hòa thượng húy Chương Tánh, hiệu Quang Nhuận từ tổ đình Từ Quang (Đá Trắng) về thừa kế. Ngài nhận thấy vị trí chùa hiện tại trái đường, khó bề phát triển. Tâm đắc phía sườn đồi đối diện là khu đất có cảnh quan đẹp, phong thủy đắc địa, đường sá thuận lợi, không gần nhưng cũng không xa làng xóm, ngài Quang Nhuận quyết định dời chùa về vị trí mới là chùa Triều Tôn ngày nay. Chùa xưa trở thành phế tích, chỉ còn lại tháp Tổ rêu phong phủ màu thời gian.
Lại nói thêm về danh nhân Đào Trí, ông sinh năm 1799, gốc người Thanh Hóa, là vị đại thần thời nhà Nguyễn, phò ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Khi rời chốn quan trường ở tuổi 72, cụ về nhà sinh sống và mất năm 1878 tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2. Vua Tự Đức phong tặng cụ bốn chữ “Vì Đức - Vì Dân” tạc trên văn bia mộ đá. Mộ và đền thờ danh nhân Đào Trí được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2015.
Chùa cổ Thắng Quang được xây dựng vào năm 1789. Trong kháng chiến chống Pháp (1951-1953), chùa là cơ sở dạy học cho cán bộ; thời chống Mỹ là nơi hoạt động cách mạng. Ngày 13/12/2019, chùa cổ Thắng Quang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trải qua bao thăng trầm, chùa Triều Tôn đã qua 7 đời, nay là đời thứ 8, do hòa thượng Thích Đồng Tiến trụ trì. Chùa nhiều lần được trùng tu, lần gần nhất do hòa thượng hiệu Lâm Tân tu sửa, đến năm 1985 được hòa thượng Phước Trí đại trùng tu. Năm 2000, hòa thượng Đồng Tiến cải tạo lại mặt tiền chánh điện, xây dựng các công trình phụ trợ khác; chùa được khang trang, bề thế, xinh đẹp như ngày hôm nay.
Cảnh bụt, chùa thiêng
Phía trước chùa là cổng tam quan đồ sộ với lối kiến trúc cổ lầu, mái đao vút lên cao như bao mái chùa làng Việt, trông thanh thoát. Cổng tam quan to lớn uy nghiêm nhưng nhờ trang trí hoa văn, gờ chỉ nên thanh nhã. Hai bên trụ cổng có hai câu đối viết bằng chữ Hán tạm dịch: Triều ngó núi xanh hữu duyên ra vào tìm phước quá/ Tôn xem sông biếc khắp nơi lui tới trồng tri ân.
Qua cổng tam quan là vào tới điện Quan Âm, nơi tôn tri tượng Bồ Tát được tạo bằng đá nguyên khối. Khen cho nghệ nhân khéo tay, thổi hồn vào pho tượng này, mặt tượng hiền hậu toát lên vẻ đại từ, đại bi, sáng ngời trí tuệ. Điện có mặt bằng hình lục giác, mái đao chồng mái dán ngói, được điêu khắc họa tiết hoa văn rất sống động.
Bên trong điện Quan Âm là sân chùa, có nhiều cây cao, chậu cảnh được cắt tỉa công phu. Đứng nơi đây có thể nhìn được toàn cảnh các hạng mục trong khuôn viên, ruộng đồng, xóm làng, sông núi bao quanh chùa.
Chánh điện được xây dựng kiến trúc cổ lầu kiểu mái chùa Việt Nam, có đường nét hiện đại, trên mái là rồng uốn lượn, phượng tung bay; tuy công trình rất đồ sộ nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp truyền thống của mái chùa làng Việt. Bên trong điện, các pho tượng được bài trí như những ngôi chùa Bắc Tông khác. Tượng Đức Bổn Sư được thờ nơi chính giữa, sau là bức họa có cội bồ đề, có dòng sông, xa xa là dãy núi Tuyết Sơn rất sống động. Hai bên là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Bên tả và bên hữu có hai câu đối viết bằng chữ Hán tạm dịch: Vừa mới thành đạo, dưới cội bồ đề, ba thất tư duy hoành khai đạo pháp/ Sắp vào niết bàn, trong rừng sa la, thuyết kinh di giáo phó chúc chúng tăng.
Phía sau chánh điện là hậu tổ, có bức họa Tổ Đạt Ma, đường nét thanh thoát uyển chuyển đang đạp sóng trùng khơi về Tây Phương; trên bàn thờ nhiều long vị của lịch đại cao tăng được sắp đặt thứ tự từ tổ khai sơn cho đến các tổ kế thế. Hai bên tranh Tổ Đạt Ma cũng có hai câu đối tạm dịch: Chánh pháp truyền tri muôn đời tỏa hương vang tổ ấm/ Đèn tâm thắp sáng ngàn năm rực rỡ rạng tông phong.
Chùa Triều Tôn cũng như bao ngôi chùa làng Việt khác ở Phú Yên, nơi “đất vua, chùa làng, cảnh bụt”. Về đây, mọi người thấy được nét đẹp kiến trúc cổ kính của một công trình tôn giáo; cảnh quan, chùa chiền, con người là một thể thống nhất, âm dương hòa hợp. Cũng tại nơi này còn lưu giữ nhiều đại hồng chung có họa tiết hoa văn tinh xảo và rất nhiều câu đối, kinh kệ có giá trị về văn học…
Cổ tự Triều Tôn, ngôi chùa lớn ở xứ Sông Cầu, ngoài văn hóa tâm linh về Phật giáo, còn chứa đựng nhiều tinh túy của vùng đất từng là thủ phủ Phú Yên một thời. Ngày nay, chùa Triều Tôn là điểm dừng chân tĩnh lặng trong chặng đường du lịch xanh Sông Cầu. |
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG