Chưa có quyển sách nào lôi cuốn tôi, khiến tôi đọc một mạch suốt mấy ngày nghỉ như Nhật Ký Đặng Thùy Trâm. Trước hết, cuốn nhật ký hấp dẫn bởi những trang viết bằng cảm xúc rất thật, rất tự nhiên và thấm đẫm văn học như lời tự tình sâu kín từ trái tim của một người con gái trí thức lạc quan, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, trang trải tình yêu thương cho mọi người và căm thù quân xâm lược. Chị Thùy Trâm không có ý viết nhật ký để sau này cho mọi người đọc. Chính điều ấy khiến cho nhật ký của chị trở thành tác phẩm bất hủ. Nó không chỉ là bức thông điệp về lý tưởng cao đẹp đối với thế hệ trẻ mà còn đánh động lương tri của những người bên kia chiến tuyến nhận ra chân lý tất thắng của cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Cuốn nhật ký Đặng Thù Trâm đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng. Ảnh: PV |
Tôi thường nghe người ta đánh giá sau khi đọc những tác phẩm văn học, đại loại: “Tác phẩm ấy ám ảnh người đọc”. Có phải tôi bị ám ảnh khi đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm không? Khi mà đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ về chị bằng lòng khâm phục, kính yêu và trước mắt tôi luôn hiện lên hình ảnh của người nữ bác sĩ dịu hiền, có nụ cười xinh tươi trong vòng vây của lũ quỷ khát máu rình rập, với bom đạn, chết chóc giữa cánh rừng đại ngàn hiu quạnh.
Nhật ký ghi ngày 20/6/1970, dòng nhật ký cuối cùng của chị Thùy Trâm (Chị Đặng Thùy Trâm hy sinh ngày 22/6/1970) có đoạn thật xúc động: “...Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dạn dày trong gian khổ, nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là bàn tay của một người thân, hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt”.
Chị Thùy Trâm là người khát khao hòa bình, chị lên đường vào Nam chiến đấu là để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc, không tiếc máu xương. Nhật ký ghi ngày 14/7/1969 chị viết để tâm sự với mẹ mình: “...Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp tục cuộc sống hòa bình, hạnh phúc mà mọi người, trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc, cho nên có ân hận gì đâu!”.
Tình yêu và chân lý đối với chị Thùy Trâm xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động thể hiện từ đầu đến cuối quyển nhật ký. Nhật ký ghi ngày 7/1/1970 có một bài thơ của chị Thùy Trâm (không có tựa đề) trong đó có những câu nói lên điều ấy: “...Ai biết chăng dù ta có chết/ Cho ngày mai đất nước tự do/ Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ/ Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy...”. Tình yêu và chân lý của chị Thùy Trâm tuy hai mà một. Nó bền chặt như một lời nguyền: “Có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm, nhưng không thể đi nửa đường chân lý, yêu bằng nửa trái tim” (Ngạn ngữ Anh). Tình thương của chị Thùy Trâm đối với mọi người là tình thương bao la như biển cả, nhất là đối với đồng đội. Nhật ký ghi ngày 24/1/1970 là một minh chứng: “...Hôm qua trên đường đi, dấu giày giặc còn mới bên xác một người bộ đội ngã bên đường còn chưa chôn và những sợi dây gài mìn giặc còn giăng đầy trên đường đi. Bọn mình qua đèo ải giữa một thời gian trống, địch mới vừa quay đi và lát nữa nó lại trở vào phục kích lại... Cái chết quá gần gũi và giản đơn. Cái gì làm cho cuộc sống bọn mình vẫn bừng lên mãnh liệt? Đó có phải chăng là tình nhân ái giữa con người? Đó phải chăng là niềm ước mơ ở ngày mai vẫn còn cháy bỏng trong mình và những người đồng đội? Có phải vậy không hỡi đồng chí yêu thương?”. Chị Thùy Trâm thương yêu, chăm sóc thương binh, khắc khoải từng giờ, từng phút khi các đồng chí của mình ra trận. Nhật ký ghi ngày 2/2/1970 có đoạn: “...Đêm trăng, tôi muốn nhìn rõ mặt từng đồng chí, nhưng ánh đèn chỉ soi rõ mặt một số người. Tôi đứng nhìn em, em yêu thương, mong em hãy cảnh giác. Chị sẽ thức chờ em trở về. Không thể nào dập tắt được nỗi lo âu đè nặng trong lòng...”.
Trong những năm tháng chị Thùy Trâm chiến đấu ở chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi) chị được cán bộ và nhân dân địa phương hết lòng thương yêu, đùm bọc. Nhật ký ghi ngày 8/11/1968 có những dòng nói về tình thương của người em trai kết nghĩa với chị tên là Thuận: “...Cứ mỗi lần nghe em nói về tình thương của em đối với chị, chị lại thấy kỳ lạ. Tại sao những người cách mạng lại có thể thương nhau đến mức ấy nhỉ? Một tình thương sâu thẳm và mênh mông như biển cả, một tình thương trào dâng như những đợt sóng bạc đầu, một tình thương trong trắng, chân thành, vô hạn...”.
Du khách tham quan Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở Khu di tích Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: MINH NGUYỆT |
Chị Thùy Trâm sống tình cảm dạt dào là vậy, nhưng không để tình cảm che khuất lý trí. Tính tự phê, khiêm tốn của chị rất cao và cũng hết sức chân thành. Nhiều đêm chị thao thức nghĩ suy về những việc làm, cách đối xử với mọi người hàng ngày tự mình phán xét đúng, sai rồi tự sửa chữa. Chị là hình mẫu đáng để mọi người học tập về ý thức công dân cao cả. Nhật ký ghi ngày 21/1/1970 nói lên điều ấy: “...Mình tự thấy mấy bữa rày mình có những cái bực mình khá vô lý... Xuất phát từ đâu? Anh em và cả chính mình đều thấy khó chịu. Không thể như vậy được đâu Thùy ơi! Thùy hãy nghiêm khắc với mình, rèn luyện Thùy thành một người em ngoan ngoãn, dịu hiền, làm một cán bộ có trách nhiệm, hiểu ý quần chúng và biết đặt quyền lợi chung lớn hơn tất cả. Phải khiêm tốn, uy tín là mọi người mang đến cho mình bởi sự mến phục chứ không phải tự mình gắn cho mình được. Mong Thùy hãy nghiêm khắc khắc phục những thiếu sót trên”.
Trong cuộc chiến khốc liệt diễn ra từng giờ, từng phút, cái sống luôn cận kề bên cái chết, bệnh xá bị địch đánh phá triền miên phải chuyển đi hết nơi này đến nơi khác vẫn không làm nao núng tâm hồn của người nữ bác sĩ quân y lạc quan, đa cảm. Nhật ký ghi ngày 19/1/1969 khiến ta hiểu thêm khát vọng hòa bình của chị: “Một buổi chiều chủ nhật, nắng đẹp và gió lộng giữa khu rừng già. Đài phát thanh đang buổi âm nhạc Quốc tế... Ngồi làm việc trong căn phòng nhỏ, mình thấy khung cảnh quá thanh bình. Bỗng nhiên mình quên đi những đạn bom, lửa khói, quên đi những đau thương, tang tóc và chỉ còn lại trong lòng cảm hứng bao la với bản nhạc...”. Và những cảm xúc không chỉ đến với chị một lần. Trong cái khung cảnh êm đềm, thơ mộng của núi rừng, chị lại say sưa bởi: “Nắng đầu thu tươi vàng óng ả tràn ngập cả khu rừng. Nắng đầu thu với những cơn gió se môi và se cả lòng người. Lại nhớ... Nhớ mênh mông, sâu thẳm như lòng đại dương đang ôm tròn thân mình dải đất Việt Nam. Nhớ từ một người bạn hiền lành, kín đáo có ngôi nhà nhỏ cuối phố Đội Cấn, nhớ đến đứa em tinh nghịch có mái tóc mềm kẹp bổng lên cao... (nhật ký ghi ngày 8/10/1968)”.
Những lần chị Thùy Trâm xuống đồng bằng để cứu chữa thương binh là những lần chị trở về trong vòng tay đùm bọc, yêu thương của đồng bào Đức Phổ để rồi khi trở lại bệnh xá lòng chị nhớ đến cồn cào: “...Đồng bằng ơi! Những ruộng lúa xanh rì với bông lúa đã bắt đầu nặng hạt. Đồng bằng ơi! Những tà áo màu, những chiếc nón trắng của những cô gái duyên dáng. Đồng bằng ơi! Dù lửa khói còn đang cháy đỏ, nhưng không cháy được màu xanh của cuộc sống đang lên... (nhật ký ghi ngày 25/3/1969)”.
Và sức sống kỳ diệu ấy, niềm tin tất thắng ấy của chị Đặng Thùy Trâm với hàng triệu triệu người đã trở thành sự thật. Nó minh chứng cho sức mạnh chính nghĩa của một dân tộc Việt Nam anh hùng trong quá khứ, hiện tại và mãi mãi mai sau.
TRẦN QUỐC CƯỠNG