Thứ Năm, 03/10/2024 22:27 CH
Ký ức tết xưa
Thứ Sáu, 28/01/2022 15:00 CH

Từ xưa đến nay, tết cổ truyền dân tộc vẫn là lớn nhất, quan trọng nhất đối với cộng đồng người Việt. Tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua các nghi lễ thờ cúng trong gia đình, trang phục, văn hóa ứng xử, giao tiếp, lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian phục vụ đời sống tinh thần của người dân mỗi dịp tết đến xuân về. Bản sắc văn hóa dân tộc còn thể hiện trong văn hóa ẩm thực rất phong phú, đa dạng, mang những đặc trưng của từng vùng, miền.

 

 

Trong ký ức tuổi thơ tôi, những ngày cuối năm âm lịch, không khí chuẩn bị tết thật khẩn trương, nhộn nhịp. Từ ngày 20 tháng Chạp đã có không khí tết. Mọi người, mọi nhà đều tất bật mua sắm thêm lương thực, thực phẩm, các loại bánh mứt; dọn dẹp vệ sinh, trang trí, sửa sang nhà cửa, chăm sóc chậu hoa, cây cảnh, chuẩn bị cỗ bàn, đón người thân ở xa trở về.

 

Tết đến, mẹ không quên may cho anh em tôi mỗi đứa một bộ áo quần mới, mua dép, mũ mới để đi chơi tết. Mọi việc cho ngày tết đều được cha mẹ chuẩn bị chu đáo vì có thêm các món ăn thức uống hơn ngày thường một chút, chứ không đủ đầy như tết ngày nay.

 

Khởi đầu trong nhiều nghi lễ thờ cúng tại gia đình vào dịp Tết Nguyên đán là lễ đưa Ông Công, Ông Táo chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Cha mẹ tôi chuẩn bị hương, nến, hoa quả, hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và cá chép để cúng Ông Công, Ông Táo. Lễ cúng không cầu kỳ nhưng cần phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ.

 

Cũng vào những ngày giáp tết, ở quê tôi nhà nhà đều mổ heo và gói nhiều bánh chưng, bánh tẻ. Mỡ heo ngày tết được đựng trong hũ, trong vại dùng nấu ăn quanh năm, còn có cả thịt ướp muối hạt bọc trong lá cọ non cột chặt treo vách bếp để ăn dần.

 

Chiều cuối Chạp, cũng như các gia đình khác, cha mẹ tôi sắm sửa mâm cơm thịnh soạn cúng tất niên, có nhiều món ăn chỉ nấu trong ngày tết như thịt đông, nem rán, chân giò hầm măng, dưa hành, bánh chưng, bánh tẻ. Bữa cơm tất niên có đông đủ người thân trong gia đình cùng quây quần bên nhau thật vui vẻ, ấm cúng. Đêm cuối năm, cha mẹ tôi thường nhắc nhở, khuyên bảo các con, các cháu qua năm mới chăm ngoan, học những điều hay lẽ phải, anh em phải biết thương yêu, đùm bọc nhau. Những điều không vui, không vừa lòng của năm cũ đều bỏ qua để đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp.

 

Người Việt quan niệm giao thừa là thời điểm thiêng liêng hoán đổi giữa năm cũ và năm mới. Khi đó đất trời giao hòa, muôn vật như ngừng chuyển động trong một thời khắc để rồi bừng lên sức sống mới, một sự tái sinh kỳ diệu. Cha mẹ tôi chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa, cầu mong năm mới mọi việc đều suôn sẻ, hanh thông. Thời xa xưa ấy, vào thời khắc giao thừa, xóm nhỏ nơi thôn dã bỗng trở nên náo nhiệt bởi tiếng pháo đì đùng gần xa; mọi nhà đều đốt pháo tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới. Từ khi có chủ trương không đốt pháo, mọi người, mọi nhà ở quê tôi thực hiện nghiêm việc này.

 

Ngày mùng một tết, anh em tôi xúng xính trong bộ đồ mới cùng cha mẹ vui vẻ chúc thọ, mừng tuổi ông bà và các bậc cao niên, đi thăm hỏi bên họ nội; mùng hai sang lễ tết bên nhà ngoại và bà con lối xóm. Mùng ba, cha mẹ tôi ở nhà đón các thế hệ học trò cũ đến thăm chúc tết. Mãi sau này lớn lên, tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.

 

Khi đến thăm họ hàng, làng xóm, mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất, chúc nhau mạnh khỏe, vui vẻ và cuộc sống ngày thêm ấm no, hạnh phúc. Trong những ngày tết, khi giao lưu, tiếp xúc, mọi người chỉ nói với nhau những lời hay ý đẹp. Lũ trẻ con chúng tôi vui mừng ra mặt vì vừa được đi chơi đó đây, vừa được ăn nhiều bánh kẹo và nhất là được người lớn lì xì những đồng tiền xu mới toanh. Trong ngày đầu năm mới, gia đình tôi cũng dành thời gian đến chùa làng bái Phật, sau đó xin nhà chùa một cành lá nhỏ, gọi là lộc xuân để mang về nhà lấy may. Trong những ngày tết xưa ở quê tôi cũng thường tổ chức các trò chơi dân gian thu hút nhiều người tham gia như đập niêu đất, đi cà kheo, đánh đu, kéo co, chọi gà. Lũ trẻ tụi tôi tha hồ chạy nhảy, nô đùa và chơi đánh đáo, bắn bi...

 

Ngày trước, trong dịp tết cổ truyền, yếu tố vật chất được coi như một điều kiện tiên quyết nhưng đó cũng chỉ là mâm cỗ. Mâm cỗ đối với người Việt nói chung, người dân quê tôi nói riêng, xưa nay vẫn thấp hơn lời chào. Bởi vậy ông bà xưa vẫn nói: “lời chào cao hơn mâm cỗ”, mà lời chào là yếu tố tinh thần, là văn hóa ứng xử, là những thuần phong mỹ tục, lời chào để mọi người gần nhau hơn, thân thiện nhau hơn, ứng xử với nhau tình nghĩa hơn, thiện chí hơn. Tết Nguyên đán trong ký ức tôi thấm đẫm ý nghĩa cao cả, nhân văn. Và những nét đẹp văn hóa đó lưu giữ mãi trong ký ức tuổi thơ tôi.

 

LÂM ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sum họp đầu năm
Thứ Ba, 01/02/2022 06:00 SA
Xuân về bên mái nhà xưa
Thứ Hai, 31/01/2022 10:00 SA
Sắc nắng nhành mai đưa con về bên mẹ
Thứ Hai, 31/01/2022 08:00 SA
Cuối trời mây trắng
Thứ Hai, 31/01/2022 08:00 SA
Quê hương Tuy Hòa và má
Chủ Nhật, 30/01/2022 13:00 CH
Không đâu bằng quê hương
Chủ Nhật, 30/01/2022 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek