Thứ Sáu, 04/10/2024 16:17 CH
Câu chuyện về về người viết truyện Bác Ba Phi
Chủ Nhật, 27/06/2021 14:23 CH

Nhà văn Anh Động - người từng văn bản hóa hình tượng lão nông hài hước Bác Ba Phi, vừa từ giã nhân gian vào trưa 21/6 tại Rạch Giá - Kiên Giang. Cuộc đời 81 năm của nhà văn Anh Động có không ít câu chuyện buồn vui gắn bó với mảnh đất cực Nam Tổ quốc, nhưng đọng lại là những trang viết về lối sống phóng khoáng và nghĩa tình của những con người đôn hậu.

 

Nhà văn Anh Động. Ảnh: T.L

 

Nhà văn Anh Động tên thật là Nguyễn Việt Tùng. Bút danh Anh Động được ghép từ tên người yêu đầu tiên Kim Anh và địa danh đầu tiên ông tham gia cách mạng - xã Cổ Động. Nhà văn Anh Động nổi tiếng là một chiến sĩ dũng cảm khi tham gia chiến đấu tại bưng biền.

 

Những người từng hoạt động cách mạng ở miệt thứ vẫn không ngớt khâm phục khi kể về thời thanh niên oai hùng của Anh Động. Chuyện rằng, mỗi khi hành quân, Anh Động một mình lội ra giữa sông sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy rình rập từ kẻ thù để bảo đảm an toàn cho đồng đội của mình.

 

Đất nước thống nhất, nhà văn Anh Động làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang nhiều năm. Sự chất phác của anh luôn mang đến cho người gặp gỡ một sự cảm mến. Nhà văn Anh Động thổ lộ: “Sau gần 30 năm chui rừng leo núi giành nhau từng tấc đất với giặc, đến ngày 30/4/1975, tui mới biết thế nào là chỗ ở của mình có điện và có lộ xe...

 

Với vốn chữ không đầy lá mít, tui lấy bút danh Anh Động thay cho tên thật Nguyễn Việt Tùng của mình mà không biết phải viết gì đây trong thời bình? Trăn trở 20 năm tôi vẫn không “ngồi dậy” nổi…”. Thế nhưng, những ai quan tâm đến văn chương nước nhà đều biết nhà văn Anh Động có không ít tác phẩm nổi bật viết về vùng Kiên Giang như Ven rừng tràm, Bóng núi Tô Châu hoặc Dòng sông lấp lánh, Tiếng trống Sam Phô.

 

Nếu ai từng tiếp xúc với nhà văn Anh Động ngoài đời, dễ dàng thấy ngay cốt cách một lão nông Nam Bộ. Đồng nghiệp và bạn bè đều biết thói quen của Anh Động luôn bỏ dép ngoài cửa. Dù làm lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhưng cứ bước vào phòng hay vào nhà, thì ông lại đi… chân không.

 

Có lần Anh Động bắt xe từ Kiên Giang lên TP Hồ Chí Minh khám bệnh, trước khi lên xe thì ông cũng… bỏ dép ra. Xe chạy một đoạn, Anh Động mới sực nhớ đôi dép còn nằm ở… bến xe. Cũng may tài xế biết ông là nhà văn nên thông cảm quay xe lại cho ông lấy đôi dép!

 

Nhà văn Anh Động bộc bạch: “Tui được sinh ra trong rừng U Minh. Chưa kịp lớn lên thì tui đã nếm mùi bom đạn. Rồi tui bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến cứu nước. Nhiều lần quân thù làm cho tui đổ máu thể xác lẫn đổ máu tâm hồn trên mảnh đất này. Tuổi thơ của tui không được học ở một trường cấp 1 nào, nhưng được học qua cuốn vần A, B, C và lời ru, lời kể chuyện “đời xưa” của mẹ. Những năm tham gia cuộc chiến, tui nâng súng ngắm theo định hướng của mẹ, tui cầm bút viết theo lời ru của mẹ...”.

 

Nhân vật Bác Ba Phi được văn chương hóa. Ảnh: CTV

 

Dù chưa được đào tạo qua một trường lớp nào, nhưng nhà văn Anh Động chính là người có công văn bản hóa hình tượng lão nông Nam Bộ hài hước Bác Ba Phi lừng lẫy trong đời sống tinh thần của người dân vùng sông nước Cửu Long nói riêng và người dân cả nước nói chung.

 

Từ những câu chuyện truyền tụng trong dân gian của nguyên mẫu Nguyễn Long Phi (sinh năm 1884 mất năm 1964, ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nhà văn Anh Động đã viết Kể chuyện Bác Ba Phi xuất bản lần đầu tiên năm 1995 và nhanh chóng lan tỏa khắp nơi. Những câu chuyện về Bác Ba Phi như Heo đi cày, Ếch ca vọng cổ hoặc Cá lóc ăn dừa khô… đã trở thành món quà thư giãn cho những người lao động yêu nhịp sống nhộn nhịp và sự hào sảng của phương Nam.

 

Với tư cách một người nghiên cứu và viết truyện Bác Ba Phi, nhà văn Anh Động phân tích: “Tui chưa từng gặp ông Ba Phi đâu. Năm 1964, ông Ba Phi mất thì tui còn ở chiến khu mà. Thực sự lúc ông Ba Phi còn sống thì những mẩu chuyện của ổng cũng chỉ lưu hành trong phạm vi rất hẹp. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, bộ đội khắp nơi tụ về địa phương để học hành và để tập huấn, thì họ mới là tác nhân truyền tụng truyện Bác Ba Phi”.

 

Còn cơ duyên nào dẫn đến quá trình viết lại truyện Bác Ba Phi của nhà văn Anh Động? Đó là từ gợi ý của nhà văn Nguyễn Tuân. Năm 1976, gặp Anh Động ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân khuyên: “Cậu phải về khai thác bác Ba Phi. Vì cậu là nông dân U Minh mà bác Ba Phi cũng là người U Minh nên chất giọng của cậu sẽ chuyển tải được tinh thần những câu chuyện tiếu lâm của bác Ba Phi”. Nghe lời bậc đàn anh trong nghề, Anh Động sưu tầm và viết lại truyện Bác Ba Phi một cách hệ thống.

 

Nhà văn Anh Động chia sẻ về sức ảnh hưởng của nhân vật Bác Ba Phi trong đời sống cộng đồng: “Đôi lần đi trên những chuyến đò, nghe người dân kể những câu chuyện Bác Ba Phi mà mình đã viết, tui cứ giật thót. Sau khi đọc truyện của tui, quần chúng thêm vào nhiều chi tiết lôi cuốn lắm, hay lắm, sáng tạo hơn cả mình. Chính vì Bác Ba Phi “tắm” trong nhân gian và được nhân gian bồi đắp nên hình tượng nhân vật càng ngày càng hấp dẫn”.

 

Bằng chứng là ngoài Bác Ba Phi có thật, nhà văn Anh Động sáng tạo thêm nhân vật thằng Đậu và con chó, với lý do: “Sở dĩ tui đặt tên nhân vật này là “thằng Đậu” vì chữ “Phi” trong tên bác Ba Phi có nghĩa là “bay”. Như con chim bay đã rồi thì phải đậu lại chứ sao bay hoài nổi. Nghĩ vậy nên tui đặt tên nhân vật thằng cháu nội bác Ba Phi là Đậu. Nó trạc 13-14 tuổi, đại diện cho lối suy nghĩ và hành động của con nít, khác với ông già Ba Phi. Còn con chó lúc nào cũng đi theo bác Ba Phi và thằng Đậu giữ vai trò xử lý, giải quyết một số tình huống mâu thuẫn giữa hai ông cháu”.

 

Bất ngờ thay, từ truyện Bác Ba Phi bằng văn bản của nhà văn Anh Động, công chúng lại sáng tạo thêm nhân vật “quyến rũ” không kém là “vợ thằng Đậu”. Ngay cả nhà văn Anh Động cũng không biết “vợ thằng Đậu” mồm ngang mũi dọc thế nào, nhưng cái câu “tệ hơn vợ thằng Đậu” được dùng phổ biến để nói về một phụ nữ hậu đậu, lười nhác. Năm 2006, nhà văn Anh Động viết tiếp tác phẩm Vợ chồng thằng Đậu - Hậu Bác Ba Phi.

 

Nếu được ngồi đối diện với nhà văn Anh Động và nghe ông say sưa nói về Bác Ba Phi, thì có lẽ nhiều người có chung suy nghĩ: Nếu làm một bộ phim về Bác Ba Phi, có lẽ không ai hợp vai Ba Phi hơn nhà văn Anh Động. Từ dáng dấp đến điệu cười của nhà văn Anh Động đều toát lên nét mộc mạc và hóm hỉnh mà những ai từng đọc truyện Bác Ba Phi đều hình dung về nhân vật này.

 

Từ ngày nghỉ hưu, nhà văn Anh Động bán căn nhà ở trung tâm TP Rạch Giá và chuyển ra cư ngụ ở khu vực ngoại ô. Tư gia của nhà văn Anh Động gần sân vận động Rạch Sỏi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của cháu con. Nhà văn Anh Động có một người con gái nối nghiệp cha là nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kiên Giang.

 

Nếu được ngồi đối diện với nhà văn Anh Động và nghe ông say sưa nói về Bác Ba Phi, thì có lẽ nhiều người có chung suy nghĩ: Nếu làm một bộ phim về Bác Ba Phi, có lẽ không ai hợp vai Ba Phi hơn nhà văn Anh Động. Từ dáng dấp đến điệu cười của nhà văn Anh Động đều toát lên nét mộc mạc và hóm hỉnh mà những ai từng đọc truyện Bác Ba Phi đều hình dung về nhân vật này.

 

TUY HÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek