Qua quá trình biên tập và chọn lọc, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh vừa tổ chức diễn báo cáo Sưu tầm văn hóa dân gian - nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2021 với 10 tác phẩm bài chòi đặc sắc, tiêu biểu về mảnh đất và con người Phú Yên.
Cũng như các loại hình văn hóa dân gian truyền thống khác, bài chòi đã ăn sâu vào tâm thức của bao thế hệ người Phú Yên. Dẫu những phương tiện nghe nhìn hiện đại phát triển vượt bậc, kèm theo đó là các loại hình giải trí đa dạng nhưng bài chòi vẫn là món ăn tinh thần đối với người dân nơi đây.
Sản phẩm văn hóa độc đáo
Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh Lê Trung Hiền cho biết: 10 tác phẩm được diễn báo cáo nằm trong tổng số 61 tác phẩm bài chòi được sưu tầm từ 23 nghệ nhân thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố (theo Bản đồ phân bố vị trí Di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi Phú Yên). Các tác phẩm tập trung ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người Phú Yên và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như: Mừng Phú Yên bốn mươi sáu năm giải phóng của tác giả Bùi Văn Thành, Nhớ anh Vệ quốc quân của tác giả Văn Công, Tấm gương người trợ lý của tác giả Lê Hữu Phước, Trai cày của tác giả Trương Ân, Biển và tôi của Nghệ nhân Ưu tú Bình Thảng...
Đóng góp nhiều tác phẩm trong công tác sưu tầm văn hóa dân gian - nghệ thuật bài chòi lần này, ông Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, chia sẻ: “Những ai lớn lên ở thời kỳ sau ngày đất nước thống nhất mới cảm nhận hết được sự thay đổi diệu kỳ của quê hương từ miền ngược đến miền xuôi. Đó chính là công ơn của Đảng và nhân dân đã đồng tâm hiệp lực đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương giàu mạnh... Tất cả đã tạo cảm hứng để tôi sáng tác tác phẩm Mừng Phú Yên bốn mươi sáu năm giải phóng”.
Hay một tác phẩm khác của tác giả Bùi Văn Thành - Tìm lời mẹ ru lại viết về một khía cạnh của tình mẫu tử thiêng liêng. Đây là bài thơ đầu tay của tác giả, gồm 2 khổ, khổ 1 viết về tuổi thơ; khổ 2, tác giả đã hóa thân vào những người con xa quê, luôn nhớ về mẹ, mong muốn về thăm mẹ bởi một mai khi mẹ mất chỉ còn lại những tiếc nuối và hoài ức trong lời ru...: Mỗi người có một tuổi thơ/ Tuổi thơ tôi tiếng ầu ơ mẹ hiền/ Trò chơi chẳng tốn bạc tiền/ Dán diều, đẽo dụ, làm thuyền mo nang/ ...Thời gian cõng cả tuổi thơ/ Cho tôi hiểu tiếng ầu ơ, khóc cười/ Xa quê ngót nửa đời người/ Trở về quê cũ tìm lời mẹ ru (xuân nữ).
Còn nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng (nghệ danh Bình Thảng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) ở khu phố Phú Thọ 3, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa, bày tỏ: “Tôi mong muốn đem hết sức sáng tạo và những hiểu biết của mình để tạo ra những tác phẩm bài chòi có nội dung gần gũi, mang hơi thở cuộc sống; từ đó chuyển tải một cách mềm mại, sinh động những nội dung mới trên làn điệu truyền thống đến với mọi người. Vì vậy, tôi rất vui khi được đóng góp những “đứa con tinh thần” của mình vào công tác Sưu tầm văn hóa dân gian - nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2021”.
Bảo tồn và phát huy
Di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng có hai hình thức chính là chơi bài chòi và trình diễn bài chòi. Các thành tố văn hóa nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục... trong nghệ thuật bài chòi được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn.
Theo các nghiên cứu, trong giai đoạn 1930-1940, để thu hút người xem, từ một điệu hô - hát ban đầu, những nghệ nhân hát bài chòi đã sáng tạo ra 4 làn điệu cơ bản là: xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò quảng. Sau này, các nghệ nhân bài chòi còn tiếp thu những làn điệu khác: hò khoan, hát ru, vọng kim lang, vè quảng lý thương nhau, hò giã vôi, hoa chúc và các điệu lý như: lý hò hê, lý tình tang, lý vọng phu... Cộng với ảnh hưởng của lối hát lối nói tuồng mà hình thành nên những làn điệu bài chòi rất độc đáo.
Theo ông Lê Trung Hiền, thời gian qua, Trung tâm VH-ĐA tỉnh đã tập trung sưu tầm các tác phẩm bài chòi thuộc 4 làn điệu cơ bản trên và một số làn điệu bài chòi cổ bằng hình thức phỏng vấn các nghệ nhân bài chòi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trung tâm đang tổ chức biên tập, đóng tập tài liệu lưu trữ và tập luyện, thu âm in đĩa, ghi hình 20 tác phẩm.
“Đây là hoạt động thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023, nhằm góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, phục vụ nghiên cứu khoa học về di sản Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên; tạo điều kiện để những giá trị của nghệ thuật bài chòi được phổ biến và lan tỏa sâu rộng…”, ông Hiền cho biết thêm.
Sưu tầm văn hóa dân gian - nghệ thuật bài chòi là hoạt động thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023, nhằm góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, phục vụ nghiên cứu khoa học về di sản Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên; tạo điều kiện để những giá trị của nghệ thuật bài chòi được phổ biến và lan tỏa sâu rộng…
Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh Lê Trung Hiền |
THIÊN LÝ