Thứ Bảy, 30/11/2024 11:33 SA
Về cuốn hồi ký Gánh gánh gồng gồng của Xuân Phượng
Chủ Nhật, 06/06/2021 14:00 CH

Về cuốn hồi ký Gánh gánh gồng gồng của Xuân Phượng

 

Tôi sinh ra sau chiến tranh.

 

Bố tôi là một thương binh, một người lính Cụ Hồ, từng hành quân qua dãy Trường Sơn, chiến đấu ở nhiều mặt trận phía Nam, để lại một phần xương máu nơi chiến trường và “suýt thành liệt sĩ” mấy lần, theo cách nói của bố.

 

Đạo diễn Xuân Phượng. Ảnh: CTV

 

Từ nhỏ xíu, những câu chuyện tôi thường được nghe bố kể nhất là chuyện chiến đấu. Rất chi tiết và sinh động.

 

Tuy vậy, chiến tranh đối với lớp hậu sinh như tôi, vẫn chỉ là một khái niệm nằm im trong sách vở. Lớn lên chút nữa, không hiểu sao tôi rất ham tìm đọc những cuốn sách viết về chiến tranh, nhất là chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, từ sách văn học đến sách lịch sử. Tốt nghiệp đại học năm 1998, tôi làm luận văn về tập thơ Việt Bắc của TốHữu, một tập thơ ra đời trong chiến tranh, với các bài thơ chủ yếu về đề tài chiến tranh. Luận văn thạc sĩ năm 2008 của tôi nghiên cứu về nhật ký chiến trường của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân…

 

Rồi khi làm luận án tiến sĩ, tôi cũng chọn mảng văn học ra đời trong chiến tranh: văn học các vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Tâm trạng con người trong chiến tranh, thân phận con người và những dằn vặt, đau đớn khi đối diện với sự hủy diệt bạo tàn; sức mạnh tinh thần lớn lao nào khiến con người có thể vượt qua tất thảy mọi gian nguy để chiến thắng… Tất cả những điều đó sẽ hiện lên chân thực nhất trong tiếng nói của người trong cuộc, để thế hệ hậu chiến như chúng tôi có được cái nhìn công bằng và sâu sắc về lịch sử.

 

Gánh gánh gồng gồng, cuốn hồi ký của đạo diễn Xuân Phượng là “tiếng nói của người trong cuộc”; một cuốn sách làm tôi thực sự cảm thấy đau tim khi đọc, đến nỗi có những trang phải ngừng lại giữa chừng, không dám đọc tiếp.

 

Những bi kịch và nỗi đau ngọt ngào

 

Cuốn sách là chuỗi ký ức của tác giả từ lúc ấu thơ cho đến hiện tại, trải qua mấy chục năm, từ những năm 1930, khi Xuân Phượng còn là một cô bé hơn chục tuổi sống yên ấm trong vòng tay cha mẹ cho đến hôm nay, khi bà đã trải qua đủ mọi cung bậc cuộc đời, từ những cay đắng, cơ cực gian nguy nhất, đến những ngọt ngào, những thành công vang dội cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân.

 

Thông thường, khi đến với thể loại rất riêng tư là hồi ký hay nhật ký, người đọc thường có nhu cầu tìm hiểu về đời sống, tâm trạng của một cá nhân cụ thể; và người viết cũng muốn tâm sự, thổ lộ những điều riêng tư, thậm chí cả những góc khuất chưa ai nhìn thấy trong cuộc sống của mình, như một nhu cầu tự thân thôi thúc, nhu cầu được bộc bạch và chia sẻ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, hồi ký hay nhật ký mới chỉ thỏa mãn được tâm lý hiếu kỳ một số ít độc giả.

 

Giá trị của hồi ký, nhật ký nằm ở việc qua số phận, tâm trạng, cuộc sống của một cá nhân cụ thể phản chiếu cuộc sống, tâm trạng, số phận cả một tầng lớp, một giai cấp, một dân tộc, để qua đó toát lên những triết lý, những bài học nhân sinh sâu sắc. VàGánh gánh gồng gồng đã làm được điều đó một cách tự nhiên, dung dị, chân thực.

 

Cho đến tận giờ, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng nhắc đến Việt Nam, rất nhiều bạn bè quốc tế vẫn ngỡ ngàng, khâm phục trước kỳ tích chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc. Ngỡ ngàng, khâm phục vì không hiểu tại sao một dân tộc nhỏ bé (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), còn rất nghèo nàn và lạc hậu lúc bấy giờ lại có thể chiến thắng vẻ vang trước hai đối thủ mạnh bậc nhất toàn cầu. Tôi nghĩ, câu trả lời có đầy đủ trong cuốn hồi ký của Xuân Phượng. Nguyên do việc công bố cuốn sách này, như bà bộc bạch ngay từ đầu sách: “Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại đời tôi”.

 

Tôi đã tiếp cận hồi ký Gánh gánh gồng gồng đúng như mong muốn của tác giả: một người chưa hề biết đến chiến tranh, tìm hiểu về cuộc chiến, về đất nước, về những người “đã làm ra đất nước” từ trong lửa đạn, trong muôn vàn cơ cực, cay đắng và xương máu.

 

Chiến tranh dẫu nổ ra ở bất cứ đâu, vì bất cứ lý do gì, cũng đều mang đến bi kịch cho các bên liên quan, mọi người liên quan. Bản chất của chiến tranh là bi kịch, khi con người không thể sống với nhau một cách ôn hòa. Bi kịch của Xuân Phượng và gia đình bà được tái hiện trong hồi ký bằng những lời kể thủ thỉ, nhẹ nhàng nhưng chứa đựng nỗi đau xé ruột. Đó là bi kịch của một gia đình bị xé nát bởi chiến tranh.

 

Có sự tan đàn xẻ nghé do loạn lạc, mỗi người một nơi, không biết những người thân yêu, ruột thịt của mình sống chết thế nào; nhưng đỉnh cao của bi kịch chưa phải là chuyện tan đàn xẻ nghé, mà là chuyện lòng người ly tán. Cô bé Xuân Phượng sinh ra trong một gia đình quyền quý, có tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ và đầy đủ với người cha là Thanh tra Học chính kiêm Hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất bấy giờ ở Đà Lạt”, ông nội là “quan triều đình Huế”.

 

Thế nhưng những êm đềm đó không kéo dài. Cuộc sống cơ cực, lầm than của những người làm thuê cho gia đình cô bé Xuân Phượng trái ngược với cuộc sống nhung lụa cô đang hưởng; thái độ của cô bạn người Pháp thân thiết trong ngôi trường Pháp khi đang giờ chào cờ, cô bạn chạy ra đạp lên bóng lá cờ An Nam và nói những câu miệt thị đã khiến trong trí óc non nớt của Xuân Phượng vỡ ra những cảm nhận đầu tiên về cuộc sống: “tôi lờ mờ nhận thấy rằng cuộc sống của mình, của gia đình mình không êm đềm, nhẹ nhàng và vô tư như mình tưởng”.

 

Những êm đềm, nhẹ nhàng, vô tư ấy chấm dứt khi Xuân Phượng quyết định xếp bút nghiên để theo cách mạng, dưới sự dẫn dắt của người dượng, bắt đầu bằng việc mang truyền đơn trong cặp sách, qua mặt “những tên lính Nhật đang bồng súng, hằm hằm xét người qua lại”. Cô nữ sinh trường Khải Định ấy chỉ có một nguyện vọng lớn lao “giành độc lập cho đất nước”, sẵn sàng rời bỏ gia đình - một gia đình có gốc gác đại triều, bố đang thân Pháp.

 

Bi kịch sâu của chiến tranh là đấy! Là chuyện lòng người ly tán. Để rồi cả nửa thế kỷ sau, khi Xuân Phượng gặp lại mẹ mình, người mẹ vẫn đau đáu một câu hỏi tái tê: “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha, đất tổ con ơi”. “Theo họ”, nghĩa là theo cộng sản, theo cách mạng. Nếu cứ yên phận dưới cuộc sống của một tiểu thư, chắc chắn cuộc đời Xuân Phượng đi theo hướng khác, không có những thác ghềnh, không vào sinh ra tử long đong.

 

Một gia đình nhưng có những con người ở hai chiến tuyến khác nhau. Chọn một con đường đầy chông gai, xương máu để sống theo lý tưởng, cô tiểu thư Xuân Phượng đã phải đánh đổi quá nhiều, phải bước hẳn khỏi mái ấm gia đình, dẫu cho người mẹ của cô đã tìm đến tận nơi con gái mình đang hoạt động cách mạng để khóc, để khuyên con quay trở về. Nhưng “dù rất thương mẹ, thương em, tôi đã chọn con đường tự nguyện đi vào hoạt động chống xâm lược Pháp”. Đó mới là bi kịch lớn nhất mà chiến tranh trùm lên thân phận con người, chứ không phải chuyện đổ máu, hy sinh.

 

Những dư chấn, ám ảnh cuộc đời

 

Theo dòng hồi ký, từng giai đoạn cuộc đời của tác giả hiện lên ám ảnh. Giai đoạn nào cũng có những chi tiết tạo nên dư chấn mạnh mẽ trong lòng độc giả. Đó là chuyện tình yêu trong chiến tranh, dù rất ngất ngây với tình cảm đầu đời, nhưng khi người yêu đắn đo “gia đình con một, thầy mẹ anh không muốn cho anh thoát ly gia đình” thì Xuân Phượng đã nuốt nước mắt “tiếp tục đi theo Đoàn Tuyên truyền kháng chiến, tiếp tục chọn con đường thoát ly gia đình”. Một lần nữa, lòng người ly tán!

 

Đó là lần sinh con đầu lòng của Xuân Phượng giữa rừng núi hoang vu, cô độc, thiếu thốn, hiểm nguy: “một mình tôi nằm lại trên con đò rách nát với hai vợ chồng người chèo đò đã lớn tuổi (…) Năm ấy hai mươi tuổi đầu, đẻ con so, xung quanh không cóai. Tôi muốn chết. (…) Tiếng khóc oe oe vang lên giữa sông. Đứa con đầu lòng của tôi. Bác lái đò bẻ một mảnh nứa trên mui đò cắt rốn cho con tôi”.

 

Đó là chuyện Xuân Phượng mò mẫm đỡ đẻ cho một sản phụ trong lòng địa đạo Vĩnh Linh, một “mê cung trong lòng đất” với “bóng tối mịt mùng vây quanh” và tiếng khóc đau đớn, tuyệt vọng của người phụ nữ sinh con lần đầu trong hoàn cảnh không thể ngặt nghèo hơn, giữa mưa bom bão đạn: “đỡ đẻ không đèn, không phương tiện cấp cứu, không nhìn rõ mặt sản phụ”. Nhưng rồi vượt lên tất cả những éo le, khốc liệt ấy “bật vang lên tiếng khóc oe oe của đứa trẻ sơ sinh, hòa với tiếng khóc nức nở của người cha”. Sự sống bật mầm kiên cường ngay ở nơi tưởng như chỉ có đổ máu và cái chết đang rình rập từng giây. Sức mạnh Việt Nam, ý chí Việt Nam là thế!

 

*

 

Cuộc đời Xuân Phượng với nhiều ngả rẽ bất ngờ, từ khi làm thành viên của Đoàn Tuyên truyền Mặt trận khu C, sang Quân Y vụ Liên khu 4, làm chế tạo thuốc nổ, làm báo Công tác thóc gạo, làm Trưởng Phòng khám Nhi khu Ba Đình, tháp tùng đoàn làm phim nước ngoài vào mặt trận, trở thành đạo diễn phim… Ở bất cứ “khúc quanh” nào, ngành nghề nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, kể cả những lúc do bất đắc dĩ mà “mang lấy nghiệp vào thân” chứ không còn sự chọn lựa nào khác.

 

Cuốn hồi ký Gánh gánh gồng gồng của đạo diễn Xuân Phượng. Ảnh: CTV

 

Điều này vừa cho thấy sự “đa tài, đa ứng biến” trong con người bà, vừa thể hiện được gương mặt của cả dân tộc trong những năm tháng khói lửa chiến tranh: luôn luôn nỗ lực, luôn luôn ứng biến, chịu đựng được tất cả mọi hiểm nguy gian khó, kiên cường và mạnh mẽ tồn tại để vươn lên và chiến thắng. Đó là “qua một giọt nước nhìn thấy cả đại dương mênh mông”.

 

Giátrịcủa Gánh gánh gồng gồng, như tôi đã nói, là vượt lên trên những tự sự, ghi chép về cuộc đời của một cá nhân cụ thể để soi chiếu một cách chân thực, sinh động và sáng rõ gương mặt của cả dân tộc, cả Tổ quốc trong những thời kỳ lịch sử đáng nhớ nhất. Bởi thế, song hành với sự ngưỡng mộ, cảm phục tài năng, nhân cách, ý chí nỗ lực của nghệ sĩ Xuân Phượng là niềm tự hào, hân hoan, là những khâm phục đến kinh ngạc đối với thế hệ cha anh - những người viết tên Tổ quốc lên bản đồ thế giới bằng mồ hôi, xương máu của chính mình.

 

Là đạo diễn phim tài năng, nên hồi ký Gánh gánh gồng gồng của Xuân Phượng cũng được kết cấu như những thước phim đầy ám ảnh, có chồng mờ, có đan cài ký ức - hiện tại, có điểm, có diện. Ngôn ngữ văn chương của bà cũng như ngôn ngữ điện ảnh, kiệm lời, kiệm chi tiết mà đầy sức nặng, có những hiệu ứng “tạo sốc” - những cú sốc thẩm mỹ đáng nhớ.

 

Cả cuốn hồi ký cũng chính là một cuốn phim tư liệu với ngồn ngộn chi tiết có thể người đọc chưa gặp trong bất cứ cuốn sách nào. Những tư liệu vô cùng quý giá, đặc biệt là về chuyện ngành làm phim Việt Nam ra đời, trưởng thành trong chiến tranh như thế nào, tình cảm của những nhà làm phim, những nghệ sĩ thế giới đối với Việt Nam trong những tháng năm lửa đạn; sự đùm bọc đầy cảm động và những ân tình sâu nặng của các văn nghệ sĩ thời bao cấp khốn khó đủ đường…

 

Đọc xong cuốn hồi ký này, tôi rất tin, tất cả bạn đọc, cũng như tôi, đều cảm thấy trân trọng hơn những tháng ngày mình đang sống, trân trọng hơn những gì mình đang có trong tay, yêu Tổ quốc hơn, yêu những con người thân yêu quanh mình hơn, và vì thế sẽ nỗ lực để sống tốt hơn, đẹp hơn. Và điều quan trọng nữa là có thêm động lực để biết cách vượt qua tất cả mọi trở ngại trong cuộc sống!

 

Như thế đã đáng để bạn tìm đến Gánh gánh gồng gồng chưa?

 

Đọc xong cuốn hồi ký này, tôi rất tin, tất cả bạn đọc, cũng như tôi, đều cảm thấy trân trọng hơn những tháng ngày mình đang sống, trân trọng hơn những gì mình đang có trong tay, yêu Tổ quốc hơn, yêu những con người thân yêu quanh mình hơn, và vì thế sẽ nỗ lực để sống tốt hơn, đẹp hơn. Và điều quan trọng nữa là có thêm động lực để biết cách vượt qua tất cả mọi trở ngại trong cuộc sống!

 

TS NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek