Thứ Bảy, 05/10/2024 08:31 SA
Tiếng hát ở Cung Tơ Chiều
Chủ Nhật, 17/01/2021 10:07 SA

Một góc quán cà phê Cung Tơ Chiều. Ảnh: G.B (Báo Thanh Niên)

Ngay từ lần đầu tiên nghe tiếng hát cất lên, lấp đầy căn phòng mong manh ánh nến, tôi lập tức bị mê hoặc. Và rồi, như một lời hẹn, mỗi lần lên Đà Lạt là tôi đến Cung Tơ Chiều.

 

Chúng tôi trở lại thành phố hoa khi dã quỳ vàng rực các triền đồi. Tháng 11, Đà Lạt lạnh dịu dàng song chừng như náo nhiệt hơn những năm trước. Nhưng đồi thông bên cạnh Dinh 3 vẫn lặng lẽ trong sương. Tôi nhớ, lối đi dẫn lên đồi hiu hắt ánh đèn trên vài ngọn thông, đủ để khách phương xa không cảm thấy… sợ hãi khi một mình đi trên con đường đất.

 

Nhưng hôm đó, chiếc taxi đánh một vòng và khi xe dừng lại, tôi nhận ra mình đã lên đỉnh đồi. Cũng phải nói thêm là đến Đà Lạt, ngồi lên một chiếc taxi và nói: Cho tôi đến Cung Tơ Chiều, người lái xe sẽ gật đầu cái rụp. Từ lâu, quán cà phê trên đồi đã nổi tiếng, vì nhiều lẽ.

 

Dưới tán thông, Cung Tơ Chiều lặng lẽ nép vào bóng đêm. Ngôi quán nhỏ được bài trí rất đơn giản, chẳng có gì đặc sắc, ngoại trừ những quy định “hà khắc”: Giữ sự yên tĩnh của quán, vui lòng nói chuyện nhỏ hơn tiếng nhạc, không sử dụng điện thoại trong quán, không chụp ảnh, ghi âm.

 

Chúng tôi - một nhạc sĩ có tiếng cười rổn rảng, một nhà phê bình văn học xinh đẹp, một nghệ sĩ nhiếp ảnh dễ mến, và tôi - ngồi ở góc phòng. Cũng như vài người khách đang có mặt tại đây, chúng tôi hạ thấp giọng khi nói chuyện, gần như là thầm thì, vừa thưởng thức nước uống (cũng không có gì đặc sắc) vừa chờ đợi.

 

Hơn 8 giờ tối, có lẽ thế, nhân vật được chờ đợi xuất hiện. Ánh nến chờn vờn không tỏ khuôn mặt, chỉ thấy mái tóc dài nổi bật trên chiếc áo len màu trắng, quần ống loe tôn vóc dáng thon thả. Chị bước đi nhanh và rất nhẹ, như thể lướt trên sàn. Đứng ở góc phòng, gương mặt lẫn vào bóng tối, chị hỏi trong số các vị khách ở đây, ai có thể hát hoặc đàn? Chị chủ quán muốn nghe tiếng hát của khách, trước tiên.

 

Dù không bất ngờ trước yêu cầu này, tôi vẫn thấy bối rối. Chúng tôi nhìn nhau, và ba đôi mắt cùng hướng về chú nhạc sĩ. Người phụ nữ vẫn lặng yên, gương mặt lẫn vào bóng đêm, nhưng tôi có cảm giác chị đang quan sát từng vị khách bằng đôi mắt của… con chim đại bàng. Và đại bàng sà xuống (nói một cách hình ảnh là như vậy), “mổ” một phát trúng phóc: “Có lẽ anh là người lớn tuổi nhất ở đây. Xin mời anh!”, chị nói với chú nhạc sĩ.

 

Mất vài phút, cũng có thể lâu hơn sau khi chúng tôi thầm thì cổ vũ, chú nhạc sĩ đứng lên, cầm chiếc mũ trên tay, nhẹ nhàng giới thiệu: “Chúng tôi đến từ Phú Yên…”. Chú nói đến đây thì có một nhóm khách gần chục người nhè nhẹ đẩy cửa bước vào. Chị chủ quán hướng ánh mắt về phía nhóm khách. Chú nhạc sĩ không nói gì thêm, bèn… ngồi xuống.

 

Sau phút giây xao lãng, người phụ nữ lại hướng về phía chúng tôi, chờ đợi. Chúng tôi đoán rằng nếu không ai chịu hát “mở màn”, rất có thể bà chủ quán kỳ lạ này sẽ không còn hứng thú để cất tiếng hát, rất có thể chị ấy sẽ đi như lướt trên sàn và khuất vào bên trong. Như vậy, việc chúng tôi bắt taxi đến đây, đi nhẹ nói khẽ, trả tiền khá cao cho thức uống và chờ đợi đều trở thành… vô ích.

 

May sao, chú nghệ sĩ nhiếp ảnh dễ mến - “người cao tuổi” thứ hai trong đoàn - can đảm đứng lên. Đón cây guitar từ tay chị chủ Cung Tơ Chiều, chú rải nhẹ vài dòng âm thanh và hát bài Chiều trên phá Tam Giang. Chị chủ quán chăm chú nghe. Sau khi chú ấy dứt tiếng đàn, đêm nhạc của chị bắt đầu.

 

Guitar bập bùng làm ấm căn phòng, và người đàn bà lạ lùng cất tiếng, lấp đầy không gian bằng giọng hát ma mị. Giọng hát chất chứa nỗi u hoài và đầy bão tố, không giống Khánh Ly, không giống Lê Uyên Phương, cũng không phải là ngọn lửa của Thanh Lam hay bất kỳ ai. Đó là cảm xúc của riêng chị, là ngọn lửa của riêng chị, bốc cháy trong giọng ca rất đầy, rất nồng.

 

Chị đưa chúng tôi đi từ nhạc Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương… trở về dòng nhạc tiền chiến. Đó là cuộc “trò chuyện”, chia sẻ cảm xúc qua âm nhạc. Chị nói, tình yêu âm nhạc không nên là… tình yêu đơn phương. Ở đây, trong không gian này không có chuyện hát hay, hát dở mà chỉ có cảm xúc. Chúng ta hãy chia sẻ cảm xúc của mình. “Đời người không dài như các anh chị nghĩ đâu. Cho nên khi có cảm xúc thì chúng ta hãy cất tiếng hát”, chị nói.

 

Thú thật, tôi biết rất ít về chị chủ quán Cung Tơ Chiều, ngoài cái tên Giang - Xuân Giang và giọng hát đầy ám ảnh của chị. Khách đến Cung Tơ Chiều, một số vì say tiếng hát, một số vì tò mò. Dân Đà Lạt có những người chẳng bao giờ đặt chân đến quán này, bởi ở vị trí “thượng đế”, họ không thể nào chấp nhận việc khách hàng phải đi nhẹ nói khẽ và… sợ chủ quán đuổi ra ngoài chỉ vì nói chuyện rôm rả.

 

Trong những phút trải lòng hiếm hoi, người phụ nữ lạ lùng ở Cung Tơ Chiều kể về ký ức ngồi hát trên đồi Cù, với cây đàn guitar. Sau khi lập gia đình, chị mơ ước có một ngôi quán như thế này. Cung Tơ Chiều ra đời, đến năm 2020 là tròn 20 năm.

 

Những ngón tay lướt trên cần đàn, người đàn bà hát Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về/ Nhớ chân giang hồ/ Ôi phù du từng tuổi xuân đã già/ Một ngày kia đến bờ/ Đời người như gió qua…

 

Khi tiếng hát và tiếng guitar lắng xuống, chủ quán Cung Tơ Chiều nói rằng chị thích bài này - bài Phôi pha của Trịnh Công Sơn. Chị “nhìn thấy” mình trong bài hát đó. Còn hai tháng nữa là chị tròn 60 tuổi. Và rồi, trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, người phụ nữ kỳ lạ lướt vào bên trong.

 

Khách chưa kịp nhìn rõ gương mặt chị. Căn phòng dường như vẫn dâng đầy tiếng hát…

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek