“Liên gia trưởng” Khu tập thể 17 Phan Đình Phùng (phường I, TP Tuy Hòa) hồi đó là anh Đinh Văn Hùng, kỹ thuật viên Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên. Nay tự nhiên anh ngứa ngáy dựng lên sự kiện gặp mặt những người từng sống ở khu tập thể này. Đúng là… già sanh sự. Thế nhưng thấu cảm khi nghe ông nói, hồi ở tập thể, khó khăn thiếu thốn đủ điều nhưng lại làm được nhiều việc nhứt. “Trên dưới ba chục năm rầu chớ bộ. Giờ ai cũng có nhà riêng, dẫy mà không thể quên được cái thời sung quá là sung…”, ông bạn rặt ri giọng Nẫu.
Khu tập thể này nghe nói nguyên gốc là nhà của một đại phú có thế lực ở Tuy Hòa. Trước năm bảy lăm là Tòa án tỉnh, sau là kho dược. Lúc tôi về ở, khu nhà này là Đài Phát thanh Phú Yên kiêm khu tập thể. Sau, Đài Phát thanh tỉnh chuyển đi nơi khác. Khu nhà cũ lắm rồi, lở lói khắp nơi nhưng mấy bức tường xây dày cộm vẫn còn khá chắc. Nhà xây kiểu Pháp, qua bao công năng sử dụng nhưng trên gác gỗ tầng hai vẫn còn cái bàn thờ gia chủ năm xưa. Chính cái gác gỗ rộng rinh này là nơi chạy lụt của mấy nhà chung quanh, mà đỉnh điểm là trận cuồng lũ năm 1993. Nghe nói đã lâu, bên công sản sẽ lấy khu này làm dự án gì đó.
Mấy chục năm rồi, ấn tượng hàng đầu trong tôi về khu 17 Phan Đình Phùng ấy là tiếng trẻ khóc và vợ chồng cãi lộn. Cũng phải thôi, còn trẻ (mấy thứ chưa chồng, chưa vợ kể sau) nghĩa là mới lập gia đình, chưa có tiền mua đất cất nhà, may có mấy căn tập thể. Mà đã cưới vợ (chồng) thì phải đẻ. Thế là khu tập thể được đặt tên xí nghiệp sản xuất thiếu nhi. Mà quyền năng lớn nhất của trẻ con là khóc. Ui thui, khóc đêm khóc ngày, khóc mọi nơi mọi lúc. Khóc đó rồi cười đó, nhảy nhót la hét, phá phách tưng bừng.
Khoảng sân ở Khu tập thể 17 Phan Đình Phùng là nơi lý tưởng để trẻ em vui chơi. Ảnh: MINH NGUYỆT |
Mà hộ nào đã có tiếng trẻ con khóc cười thì chắc như bắp là vợ chồng có cãi lộn. Lý do thì có thể liệt ra cả ngày không hết. Đơn giản thường thấy là việc chồng siêng nhậu (“Ngừ ta làm đầu tắt mặt tối mà sểnh ra cái là trút, trút…”, “Ông đi với bạn nhậu luôn đi, vác mặt về làm… cái gì?”…). Kế tiếp là quên đón con. Kế nữa là quên nấu cơm, giặt đồ. Kế nữa là con bịnh con đau, con té lác mặt. Bí mật khó lường nhất là cãi lộn do thiếu tiền, hết gạo. Thực ra khi đã nóng máy, thấy ghét cái mặt thằng chồng (con vợ) là cự cãi, đôi khi có minh họa bằng tay chân. Thế nhưng công khai không kiềm nén giấu giếm được í là khi vợ (chồng) phát hiện đối phương có biểu hiện tò te tú tí với mấy em (anh) nào đó. Vân vân và vân vân.
Đầu tiên, thời kỳ chưa vợ, tôi cũng có chút khó chịu khi nghe ồn ả ỏm tỏi, sau thì quen thuộc (nhà mình cũng góp phong trào mà). Tóm lại, không có tiếng trẻ khóc cười và vợ chồng cãi lộn thì sao gọi là khu tập thể.
Thế nhưng nói thẳng, mấy hộ độc thân cũng phiền hà hỉ nộ chẳng thua gì mấy hộ gia đình. Tôi nhập khu 17 khi vừa xong sinh viên, trên răng dưới chẳng có cái chiếu để nằm. Công việc làm thì luôn vội vội vàng vàng nhanh xong rồi tót đi bù khú với đám bạn. Lăn lê từ rượu đế, bia bốc, xị xô đến chai, lon đủ loại. Từ bờ ruộng, vỉa hè đến quán bác sĩ Hậu, Cây Mận, Sơn Tùng, 09… Thế nhưng những trận hoành tráng nhất là diễn ra tại khu 17 Phan Đình Phùng. Đủ chuyện trên trời dưới biển tất tần tật dốc bên cái ly. Nói là hộ độc thân nhưng luôn có mấy thằng ở ké, vì không còn chốn nào chui. Hễ mỗi khi có thứ gì uống là tứ hải tụ về. Nhập trận là dô dô tới bến, nói đủ chuyện cà xốc cà lác, rồi hò hát, cự cãi... Hàng trăm lần tuyên bố từ mặt, thế nhưng lại thấy cụng đầu ngất ngưỡng thi ca nhạc họa, thế thái nhân tình từ quê ta tới bao la vũ trụ.
Trẻ em vui chơi ở Khu tập thể 17 Phan Đình Phùng. Ảnh: MINH NGUYỆT |
Hầu như nước nôi của khu 17 đều do quán chị Bảy (ở đối diện) cung ứng. Hầu hết là ăn trước trả sau, sổ sách đầm đìa, vậy mà chị Bảy chớ hề nhăn nhó với đứa nào. Bà này siêu... dễ thương.
Chuyển qua chuyển lại, căn tôi ở trên gác có lúc trực chỉ cửa quán chị Bảy. Bước vòng xuống cầu thang là đụng nhưng hễ làm mấy ly là lười biếng, cứ ngóc đầu xuống sai nhờ mấy đứa con chị Bảy đem dùm gói thuốc, bì đá, xị rượu, mấy chai bia, túm đậu rang… (Tiền bạc thường là “dẫy nghen chị Bảy”). Xót con, chị Bảy nghĩ kế cấp cho cái bì nhựa có cột sợi dây. Muốn mua gì cứ gọi to rồi thòng bì xuống, chị bỏ vào “dẫy nghen”. Do dây và bì mỏng manh nên bia chai thì phải câu từng em một, chưa bao giờ rớt chai nào.
Hồi đó, trọng đại lắm mới uống bia chai. Mấy thằng bạn thi sĩ coi trời bằng vung từ Hội An vào chơi, tỏ ý buồn buồn cái vụ “từng em một” này, ý nói coi tụi nó đô yếu hoặc là dân Nẫu kẹo dẻo. Có thằng càm ràm “chắc nó cho muỗi uống”. Hầm trong bụng, mặc tụi nó uống và nổ, tôi cứ thò đầu ra cửa sổ hú chị Bảy, kiên trì từng em từng em một. Kết cuộc, mấy danh sĩ xứ Quảng say chỏng gọng, đứng lên là rơi tự do, hai tay cứ chắp lại bái lia bái lịa.
Bữa rồi, tôi có việc đi ngang khu tập thể 17 Phan Đình Phùng, chị Bảy chủ quán tóc đã điểm sương cười móm mém “lâu quá bay”. Dòm qua đối diện thấy tường vách cổng nẻo đã xác xơ nhiều, gốc rễ bồ đề đã bò leo phủ kín mấy khung cửa sổ mặt trước. Ui, khu nhà đẹp quá, đẹp lộng lẫy cổ kính. Thì ra trong dằng dặc đời người, cái đẹp vẫn là điều đáng tôn thờ nhất.
ĐÀO ĐỨC TUẤN