Chắc hẳn nhiều người giống như tôi, cảm thấy bàng hoàng khi hay tin tác giả Thu, hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đau xót lý chim quyên… rời cõi tạm. Trong khoảnh khắc đó, ngân lên trong tôi là những giai điệu, lời ca tuyệt đẹp mà ông đã viết cho tình yêu, cho con người và dành tặng cuộc đời này.
1.Tôi gặp ông đã lâu lắm rồi. Ấn tượng đầu tiên về ông là ánh mắt cương nghị - ánh mắt của một người cầm bút và hiểu thấu sức nặng của ngòi bút. Nhưng trong lần gặp đó, tôi không trò chuyện với ông về báo chí hay văn chương mà về âm nhạc. Là bởi tôi say mê các tình khúc của ông. Nhắc tên ông, người yêu nhạc nghĩ ngay đến Thu, hát cho người. Ông đã sáng tác ca khúc này bằng tâm hồn, trái tim tuổi trẻ, bằng tình yêu thuần khiết dành cho một người, bằng nỗi buồn đẹp như lời từ biệt. Để rồi hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người yêu nhau khi nhớ về nhau lại khe khẽ hát: Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…
Thu, hát cho người là một trong những bản tình ca hay nhất. Nhưng theo tôi, không có nhiều ca sĩ thể hiện trọn vẹn ca khúc này. Tôi đã phàn nàn với ông rằng nghe nam ca sĩ A hát nhạc phẩm của ông, có cảm giác anh ấy chưa từng say đắm ai và cũng chưa từng thương nhớ một bóng hình đã xa, nên không “cảm” được nỗi niềm tương tư, day dứt: Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/ Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư/ Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ… Ông mỉm cười.
Trở về TP Hồ Chí Minh, một thời gian sau, ông gửi tặng tôi hai đĩa nhạc: Album Thu, hát cho người, trong đó ngoài bản tình ca lừng danh còn có những ca khúc rất “sang” như Bài thơ hoa cúc, Chiều mơ, Cỏ hoa hồn du mục, Cõi tiêu dao… Đĩa nhạc thứ hai tập hợp những ca khúc khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ, trong đó có Điệu buồn phương Nam, Đau xót lý chim quyên, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang… nổi tiếng. Hai đĩa nhạc, hai sắc màu hoàn toàn khác nhau.
2. Khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ, nhiều nhạc sĩ đã làm và đã thành công. Khó mà kể hết các ca khúc mang âm hưởng những câu hò điệu lý ra đời trên mênh mang sông nước, được công chúng đón nhận và yêu thích. Nhưng nhạc của ông có vị trí riêng, có dấu ấn riêng. Ông không chỉ đưa chất dân ca mà còn đưa tâm hồn người Nam Bộ vào trong âm nhạc. Sự ngọt ngào, da diết cũng rất riêng. Và đặc biệt, ca từ trong các tác phẩm âm nhạc của ông đầy chất thơ, lấp lánh hình ảnh. Theo tôi, đấy là sự khác biệt lớn giữa các ca khúc khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ của ông với nhạc phẩm của các nhạc sĩ khác.
Nhắc đến những ca khúc mang hơi thở đồng khơi Nam Bộ của ông, nhiều người nghĩ ngay đến Điệu buồn phương Nam hay Đau xót lý chim quyên. Còn tôi mê nhất là ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, một phần bởi ca từ thật đẹp: Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng/ Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông/ Gành Hào ơi nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/ Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm…/ Lời ai ca, dưới ánh trăng này/ Rừng đước mênh mông đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai/ Ngày ấy ra đi, con sông buồn tím một dòng trôi/ Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng ai/ Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương/ Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng. Nếu không có trái tim yêu tha thiết, thật khó lòng viết nên những ca từ đó!
Sau 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng, ông ra đi. Người nghệ sĩ tài hoa Trở về dưới cội tùng xưa/ Nằm nghe ngàn thu miên man rớt đầy vạt nắng/ Trở về gởi lại ngàn sau/ Niềm vinh dự đã đi qua kiếp người rộng lớn... Biết rằng phải mừng khi ông về cõi tiêu dao nhưng vẫn cứ mênh mang buồn. Xin dâng nén hương lòng tiễn biệt ông: nhạc sĩ - nhà báo - nhà văn - nhà giáo Vũ Đức Sao Biển - tác giả Đồ Bì quen thuộc trên Tuổi Trẻ Cười.
Thu, hát cho người - Người yêu dấu
Lý chim quyên đau xót lỡ nhịp cầu
Đêm Gành Hào vầng trăng như dải lụa
Tiễn người về miền hoa cúc, chiều mơ…
Nhiều người sẽ nhớ về ông - một văn nghệ sĩ tài hoa, luôn tha thiết với cuộc đời. Và tác phẩm của ông mãi ở lại.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1947, một người con của đất Duy Xuyên, Quảng Nam. “Gia tài” của ông có hơn 60 nhạc phẩm và gần 40 đầu sách, trong đó có tiểu phẩm trào phúng Bản báo cáo biết bay, Thỏ thẻ cùng hoa hậu; sách biên khảo Kim Dung giữa đời tôi (4 tập) và Lắng nghe giai điệu bolero; tiểu thuyết Sông lạc đường về, Kiếm hoàng hoa, Hoa hồng trên cát; phóng sự Đi tìm sự thật, Đối thoại với bản án tử hình; bút ký Phía sau mặt báo, Án lạ phương Nam; hồi ký Úi chao, 60 năm, Phượng ca... Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời vào ngày 6/5 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, lễ viếng bắt đầu từ 15 giờ ngày 7/5 tại nhà riêng, sau đó an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương vào sáng 10/5. |
PHƯƠNG TRÀ