Nhà thơ Hoài Vũ là một trong những bậc cao niên của làng báo làng văn mà tôi có nhiều dịp gần gũi, trò chuyện. Mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần tôi “khai thác” ở ông những điều thú vị từ cuộc đời đầy thăng trầm. Bước sang năm 2020 này, Hoài Vũ hưởng mùa xuân thứ 85 đời mình và đang chuẩn bị cho 3 tuyển tập về thơ, truyện ngắn, dịch thuật để xuất bản mà tôi cùng nhà văn Trần Nhã Thụy góp phần trợ lực làm bản thảo và in ấn cho ông.
Không chỉ là con người của thi ca
Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh trưởng ở Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp gắn bó với Nam Bộ, đặc biệt là vùng đất Long An, vành đai Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ. Ông bảo rằng mấy mươi năm gắn bó với chiến trường Nam Bộ đã thuộc từng cánh rừng, con đường mòn ở rừng miền Đông và từng kênh rạch miền Tây giáp ranh Sài Gòn. May mắn hơn các đồng nghiệp cùng chiến hào, ông là một trong những người vượt qua mưa bom bão đạn còn sống cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất. |
Hai nhà thơ Giang Nam và Hoài Vũ là “cặp bài trùng” từng cùng hoạt động cách mạng và sáng tác văn chương, giữ nhiều trọng trách về văn hóa văn nghệ ở chiến trường Nam Bộ xuyên suốt thời chống Mỹ. Và đến nay hai bậc lão thành may mắn vẫn còn đồng hành, dù một người sống ở Nha Trang và một người ở TP Hồ Chí Minh.
Giống như nhà thơ Giang Nam với những bài thơ Quê hương, Nghe em vào đại học…, mỗi khi nói tới nhà thơ Hoài Vũ người ta hay nghĩ tới những bài thơ phổ nhạc nổi tiếng như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm… Tuy nhiên, hiếm ai biết ông còn là tác giả của những bút ký, truyện ngắn và là một dịch giả rất có duyên với văn học Trung Hoa đương đại từng quyến rũ người đọc thập niên 90 thế kỷ trước.
Vào một sáng cuối năm 2019, tại NXB Hội Nhà văn chi nhánh miền Nam ở TP Hồ Chí Minh đã có cuộc hội ngộ thú vị giữa nhà thơ lão thành Hoài Vũ với các bạn văn trẻ là Trần Nhã Thụy và tôi. Tác giả Vàm Cỏ Đông trông dáng vóc vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông luôn quan tâm, gần gũi giới trẻ cầm bút nên được bạn văn các thế hệ sau yêu quý. Cuộc hội ngộ trên đây là chuẩn bị cho việc xuất bản hai tuyển tập chọn lọc của ông gồm Hoa trong tuyết (dịch văn học Trung Quốc hiện đại) và Gái thời chiến (truyện ngắn), còn tuyển thơ của ông dự định sẽ xuất bản một thời gian sau nữa.
Có thể nói Hoài Vũ là con người đa năng, ngoài làm thơ ông còn viết truyện, bút ký, dịch thuật, làm báo. Ông còn là cán bộ quản lý, từng là Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ Giải Phóng, Phó Giám đốc NXB Tác Phẩm Mới (nay là NXB Hội Nhà văn), Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phụ trách báo tiếng Hoa, trợ lý cho ông Võ Trần Chí - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Riêng lĩnh vực thi ca, hiếm tác giả nào có thơ phổ nhạc được lan tỏa rộng như nhà thơ Hoài Vũ. Từ thời chiến tranh, bài thơ Vàm Cỏ Đông của ông viết từ chiến trường Nam Bộ đã được nhạc sĩ Trương Quang Lục ở ngoài Bắc phổ nhạc nhanh chóng phổ biến từ hậu phương đến tiền tuyến. Cũng với dòng sông lịch sử này ở miền Tây Nam Bộ, Hoài Vũ còn có bài thơ Gửi miền hạ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát Anh ở đầu sông em cuối sông quen thuộc đầy quyến rũ. Trong khi đó, nhạc sĩ Thuận Yến có hai tình khúc phổ thơ Hoài Vũ nổi tiếng là Đi trong hương tràm và Chia tay hoàng hôn (tên bài thơ là Hoàng hôn lặng lẽ). Đó là bốn bài thơ phổ nhạc tiêu biểu nhất của nhà thơ Hoài Vũ trong số khá nhiều bài thơ khác của ông được các nhạc sĩ đồng cảm chắp cánh.
Tài năng dịch thuật và cái duyên với văn học Trung Hoa
Thời niên thiếu, Hoài Vũ rất thích đọc các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc như Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa, Liêu trai chí dị… và cả Hồng lâu mộng. Về sau học sử dụng thông thạo tiếng Hoa, Hoài Vũ làm công tác đối ngoại, có dịp tiếp xúc các nhà văn và đọc nhiều tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc tiêu biểu của các tác giả Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim, Đinh Linh, Lão Xá… Nhờ đó, ông đã tìm cách chuyển ngữ sang tiếng Việt thành công những tác phẩm có giá trị của văn học Trung Quốc hiện đại.
Vào thập niên 1990, trên một số báo chí ở TP Hồ Chí Minh liên tục đăng tải những truyện dài in nhiều kỳ do Hoài Vũ dịch mà bạn đọc say mê theo dõi như: Đèn lồng đỏ treo cao, Người đàn bà bất hạnh, Loạn luân, Nữ điền chủ cuối cùng, Mùa thu hương cúc bay, A-sư-ma bé bỏng, Hoa trong tuyết, Gió mưa đưa đẩy đôi ta, Người đàn bà quý phái, Hoa tử anh anh… Những truyện này được tập hợp in trong hai tập Đèn lồng đỏ treo cao năm 2002 và Gió mưa đưa đẩy đôi ta năm 2013. Qua sàng lọc thời gian, những truyện dịch tiêu biểu nay được tuyển chọn lại in trong tập Hoa trong tuyết do NXB Hội Nhà văn sắp ấn hành.
Nội dung xuyên suốt của tuyển tập Hoa trong tuyết là nói về tình yêu hôn nhân và quyền lực bị tha hóa trong đời sống Trung Quốc hiện đại. Chẳng hạn, truyện Hoa trong tuyết của nhà văn Trần Xung là bức tranh buồn đau về thân phận con người do Cách mạng văn hóa gây ra thể hiện qua cuộc hội ngộ của hai người bạn có cảm tình nhau từ thời niên thiếu. Đó là Lâm, một công trình sư từng bị đi cải tạo, nhân vật kia là Dương Hoa bạn gái cùng lớp cùng trường như mối tình đầu của Lâm, nhưng cô không vào đại học mà làm việc ở trại cải tạo với vị trí đội trưởng đầy quyền lực và tình cờ trở thành người trực tiếp quản lý Lâm.
Có thể nói toàn bộ tuyển tập Hoa trong tuyết như một áng thơ tình nhiều cung bậc đầy quyến rũ đưa người đọc đi từ dự cảm này tới bất ngờ khác, trong đó có tài năng của dịch giả Hoài Vũ.
PHAN HOÀNG