Thứ Hai, 07/10/2024 03:26 SA
Chuyện về nghệ sĩ già, nhà văn trẻ Mạc Can
Chủ Nhật, 01/12/2019 13:00 CH

Sự xuất hiện của Mạc Can ở đâu cũng mang lại nụ cười cho mọi người. Mấy tháng vừa qua vắng ông, giới văn nghệ cảm thấy buồn. Người nghệ sĩ lão luyện từng làm ký giả tự do rồi ở tuổi lục tuần bỗng trở thành nhà văn đình đám với tiểu thuyết ăn khách Tấm ván phóng dao, từ đó ông lao vào con đường viết lách, xuất bản hàng chục đầu sách…

 

Hai nghệ sĩ Mạc Can và Lê Thiện trong bộ phim Đánh thức trái tim. Ảnh: TL

Mạc Can là con người đa năng. Ông được xem là nghệ sĩ già mà nhà văn trẻ. Trước khi viết văn ông làm xiếc ảo thuật, đóng phim, đóng kịch, diễn hài, ký giả tự do. Khi đã thành công với văn chương, ông vẫn tiếp tục với nghề diễn để mưu sinh và thỏa mãn niềm đam mê. Ở giữa tuổi thất tuần, Mạc Can sống một mình trong căn nhà trọ nhỏ vừa đủ để cái giường ngủ, giá sách và bàn làm việc. Ông sống cô đơn, không gia đình, không người thân, nhưng lại giao du rộng rãi với đồng nghiệp văn nghệ nên được nhiều người yêu quý.

 

Vào đầu tháng 9/2019, khi mùa thu đang về với bao hình ảnh đẹp lãng mạn thì giới văn nghệ sĩ bất ngờ hay tin Mạc Can lâm nạn. Ông bị tai nạn giao thông phải nhập viện, bác sĩ phát hiện xuất huyết dạ dày. Trong hơn 2 tháng điều trị bệnh, ông nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhiều bạn bè văn nghệ sĩ trong lẫn ngoài nước và cả các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Vừa có thể đi xe máy trở lại, ông liền chạy tới địa chỉ quen thuộc Café Văn Nghệ trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 để gặp đồng nghiệp.

 

Vừa thấy dáng Mạc Can là mọi người cùng ồ lên chúc mừng ông tai qua nạn khỏi. Mạc Can cho biết mình đã khỏe trở lại, có thể tự đi xe máy, nhưng ăn uống còn khó khăn. Ông nói hài rằng, nếu có cô gái nào trẻ đẹp ở bên cạnh chăm sóc thì chắc chắn bệnh mình sẽ nhanh qua khỏi.

 

Nhà văn - nghệ sĩ Mạc Can tên thật Lê Trung Can, sinh năm 1945 trên chiếc xuồng neo dòng sông Bảo Định ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Cha ông là ảo thuật gia Lê Văn Quý, còn mẹ là Mạc Thị Hào, một phụ nữ miệt vườn chơn chất. Tuổi thơ ông gắn liền với chiếc xuồng lưu diễn mưu sinh cho tới khi người cha giang hồ phiêu bạt mất hút chân trời nào đó, các anh em ông sống nương tựa vào mẹ và nghệ danh Mạc Can bắt đầu xuất hiện khi gia đình lưu lạc lên định cư ở Sài Gòn.

 

Từ nhỏ phải chèo xuồng lưu diễn nên Mạc Can không có cơ hội đến trường. Ông nhờ cha chỉ dạy và tự học là chính. Vào một mùa mưa dài lê thê không thể biểu diễn, tình cờ Mạc Can quen một họa sĩ và được ông ta kêu tới nhà phụ vẽ để được học chữ. Nhà có rất nhiều sách, họa sĩ lấy đại trên giá cuốn Don Quichotte và cối xay gió mở ra chỉ cho Mạc Can cách đọc. Nhờ thông minh, Mạc Can nhanh thuộc mặt chữ, đọc tới đâu hiểu tới đó, rồi tiếp tục đọc các cuốn sách văn học khác như Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris, Những người khốn khổ… Khi gia đình chuyển lên Sài Gòn, ngoài những cuốn sách mua được hay đi thuê nhờ dành dụm tiền ăn sáng, còn lại chủ yếu Mạc Can đến các nhà sách đọc “cọp”. Mê sách, ngộ chữ. Đó cũng là ngọn lửa cảm ứng âm thầm cháy trong huyết quản Mạc Can để sau này ông bước vào nghề văn.

 

Đối với nghề diễn viên, Mạc Can từng tham gia đóng mấy mươi bộ phim như Ván bài lật ngửa, Người đẹp Tây Đô, Xích lô, Đất phương Nam, Đất khách, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam, Áo lụa Hà Đông, Khi đàn ông có bầu... và bộ phim nhiều tập Cổ tích Việt Nam cho thiếu nhi. Thủ diễn nhiều như vậy nhưng cho đến nay ông chẳng được phong danh hiệu gì. Trải nghiệm qua bao thăng trầm, Mạc Can hiểu sâu sắc sự phù phiếm hư danh của nghiệp diễn, nên dù chỉ đóng vai phụ nhưng ông luôn gây ấn tượng nhờ nhập vai tự nhiên như ngoài đời thực chứ không khiên cưỡng giả tạo. Đó cũng là lý do Mạc Can được nhiều người thích phim yêu mến, nhất là các bạn thiếu nhi mê cổ tích và xiếc ảo thuật từ phố đến làng quê xa xôi.

 

Nhờ vốn sống của một nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ vất vả gian truân, Mạc Can đã hồi tưởng, ghi chép, sáng tác nên hàng chục tác phẩm được xuất bản và bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Khởi đầu với tiểu thuyết tự truyện Tấm ván phóng dao, ông nhanh chóng gặt hái thành công bằng nhiều tác phẩm khác. Về truyện ngắn, nhà văn Mạc Can có các tập: Món nợ kịch trường, Tờ 100 đôla âm phủ, Cuộc hành lễ buổi sáng, Người nói tiếng bồ câu, Ba... ngàn lẻ một đêm, Nhớ. Ngoài ra, ông còn có tập Tạp bút Mạc Can và 4 tiểu thuyết: Tấm ván phóng dao, Phóng viên mồ côi, Những bầy mèo vô sinh, Quỷ với bụt và thần chết. Vốn sống ngồn ngộn chi tiết kỳ lạ, văn phong giản dị, cách dựng truyện kỳ khu, tác phẩm của Mạc Can có sức hấp dẫn riêng của một cây bút rặt Nam Bộ với một ngôn phong riêng biệt.

 

Nổi bật nhất trong số tác phẩm đó của nhà văn Mạc Can là tiểu thuyết mang tính tự truyện Tấm ván phóng dao được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng về cuộc thi tiểu thuyết năm 2005. Mới đây Tấm ván phóng dao là một trong hai tác phẩm của ông được NXB Trẻ tái bản. Nhà văn Mạc Can xem cuốn sách này như món quà tặng cho cô em gái bất hạnh từ nhỏ phải theo nghề diễn nguy hiểm để kiếm sống, khi đứng làm nhân vật cho trò phóng dao xung quanh mua vui cho người xem. Đồng thời, tiểu thuyết này còn là “bùa hộ mệnh” cho Mạc Can, mang lại cho ông nguồn thu nhập lớn nuôi sống và cùng ông chu du từ Đông sang Tây quả địa cầu.

 

Nhà văn Mạc Can tâm sự rằng, có khoảng ba năm ông phiêu bạt gặp nhiều khó khăn để được đoàn tụ với người thân bên nước Mỹ. Nhờ bán tiểu thuyết Tấm ván phóng dao ở chợ người Việt mà ông mới có tiền mua vé máy bay trở về quê hương để được... khóc vì gần gũi và ấm áp tình yêu thương nơi đất mẹ sinh thành. Và từ 200 bản in xuất bản lần đầu, sau nhiều lần tái bản Tấm ván phóng dao đã lên hàng chục ngàn bản đến tay bạn đọc. Đó cũng là một niềm hạnh phúc cho nghệ sĩ già, nhà văn trẻ chuyên gây cười Mạc Can.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thưởng thức món ngon xứ Nẫu
Chủ Nhật, 01/12/2019 07:00 SA
“Frozen 2” chiếm lĩnh phòng vé Việt
Thứ Năm, 28/11/2019 09:58 SA
Đừng nhận vơ áo dài!
Chủ Nhật, 24/11/2019 14:55 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek