Chủ Nhật, 26/01/2025 13:10 CH
Nghệ sĩ Phùng Há - Cuộc đời ly kỳ hơn tiểu thuyết
Chủ Nhật, 20/10/2019 13:00 CH

NSND Phùng Há là một trong những niềm tự hào của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ. Cách đây 10 năm, khi đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng ở chùa Nghệ Sĩ (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), nhà thơ - soạn giả Kiên Giang trò chuyện với nghệ sĩ Hoài Linh và tôi, đã nói rằng: Cuộc đời cô Bảy Phùng Há ly kỳ hơn cả một thiên tiểu thuyết. Công lao của bà rất lớn đối với nghệ thuật sân khấu cải lương và đời sống nghệ sĩ. Khó tìm một người có tài có tâm và sống hết lòng với đồng nghiệp, khán giả như Phùng Há.

 

 

NSND Phùng Há thời trẻ. Ảnh tư liệu

Nghệ sĩ không nên đua đòi xa hoa

 

Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang là một trong những người gần gũi thân thiết với NSND Phùng Há. Nghe ông tâm sự, tôi nhớ đến lời của bà Bảy Phùng Há sinh thời nói về cái khó của một nghệ sĩ nổi tiếng trong một lần trò chuyện: “Cái khó trước tiên là sống làm sao để không phụ lòng những người mến mộ mình. Phải hòa mình với mọi người, không đua đòi xa hoa. Người nghệ sĩ trong đời thường cần phải giản dị, khiêm tốn và biết tiết kiệm để làm những việc có ích, không nên chứng tỏ mình khác biệt thiên hạ. Cuộc sống tôi lúc nào cũng hết sức đơn giản. Bởi ngày xưa, tôi từng lang thang đi hát; hát rạp ngủ rạp, hát chợ ngủ chợ, không cầu kỳ đòi hỏi, già trẻ mỗi người đều mang theo một chiếc chiếu như nhau cả”.

 

Đó là những lời rút ruột từ kinh nghiệm sống của một nghệ sĩ lớn, bậc “cây cao bóng cả” không chỉ của nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong cuộc đời trải gần tròn thế kỷ của mình, NSND Phùng Há đã trải qua và chứng kiến quá nhiều bi kịch. Bi kịch của chính bà. Bi kịch của đồng nghiệp. Không ít nghệ sĩ lúc đương thời hào quang tỏa rạng, tiền vào như nước, ăn chơi phung phí trác táng, khi về già bệnh tật không người nuôi dưỡng, không chốn nương thân, thậm chí lúc lâm chung không có được chiếc áo quan hay mảnh đất tử tế để chôn cất.

 

Tâm nguyện của NSND Phùng Há là được gắn bó với sân khấu đến hơi thở cuối cùng. Điều đó đã trở thành hiện thực, trước khi bà nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 99, cách đây 10 năm vào một khuya cuối tuần tháng 7/2009. Đúng như lời bà nói, nghề hát đem lại cho bà chén cơm manh áo, nuôi sống gia đình, tạo dựng sự nghiệp. Tất cả những việc bà làm cũng là vì sân khấu. Tấm gương của bà còn sáng mãi cho các thế hệ nghệ sĩ tiếp nối noi theo!

 

Tình duyên trắc trở và tấm lòng người mẹ

 

NSND Phùng Há trải qua nhiều cuộc tình vừa hạnh phúc vừa bi kịch. Đó đều là những cuộc tình gắn liền với nghệ thuật. Mối tình đầu của bà là với ông Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung, một trong những ngôi sao sáng của âm nhạc, sân khấu cải lương Sài Gòn và Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Tư Chơi là một trí thức nghệ sĩ đa tài, đẹp trai và hào hoa. Hai người gặp nhau, yêu nhau và thành hôn với nhau lúc cùng “đầu quân” cho gánh hát Tái Đồng Ban của ông bầu Hai Cu. Năm 1926 ấy, Phùng Há mới 16 tuổi.

 

Cuộc sống hôn nhân của hai nghệ sĩ Tư Chơi - Phùng Há mới được hai năm thì mâu thuẫn gay gắt dẫn tới tan vỡ. Ông Tư Chơi vẫn gắn bó với Tái Đồng Ban. Còn bà Phùng Há đang mang bầu đứa con đầu lòng đã bỏ về quê Mỹ Tho hát cho gánh của thầy Năm Tú. Do phải thường xuyên lưu diễn, vài năm sau khi cô con gái Bửu Chánh chào đời, bà phải đưa con về quê cha ở Hạc San, Quảng Đông, Trung Quốc nhờ người chị nuôi nấng. Bửu Chánh đổi tên và lấy họ của dưỡng phụ thành Lý Bửu Trân. Gần 10 năm sau, nghệ sĩ Phùng Há mới sang Quảng Đông đón con gái trở về Sài Gòn sum họp.

 

Nghề hát đem lại cho bà chén cơm manh áo, nuôi sống gia đình, tạo dựng sự nghiệp. Tất cả những việc bà làm cũng là vì sân khấu, từ việc tham gia sáng lập Ban Ái hữu nghệ sĩ, chùa Nghệ Sĩ, nhà an dưỡng các nghệ sĩ già cho đến những hoạt động xã hội từ thiện, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tổ chức cho nghệ sĩ biểu diễn quyên tiền gởi cho bệnh viện miễn phí, xây trường tình nghĩa cho trẻ em nghèo, mồ côi…

Với tài nghệ đặc biệt, nghệ sĩ Phùng Há được gánh hát thầy Năm Tú rất trân trọng, cho hưởng lương cao, làm đào chính tái hợp với kép chính Năm Châu vốn trước đây cũng ở Tái Đồng Ban. Tình cảm giữa hai tài năng sân khấu Năm Châu và Phùng Há càng thêm thắm thiết nhưng họ vẫn giữ khoảng cách nhất định. Trên hành trình vinh quang và cay đắng, hai nghệ sĩ nhiều lần hợp tan trong những đoàn hát khác nhau nhưng vẫn giữ tình cảm nồng thắm cho nhau suốt đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Năm Châu vẫn gọi tên Phùng Há. Còn bà thốt lên rằng vẫn mãi yêu ông cho dù không nên vợ nên chồng.

 

Trò chuyện với chúng tôi, bà cũng khẳng định: “Năm Châu là người thầy, người bạn tình và là bạn diễn hết sức tâm đắc của tôi. Ảnh còn nặng nợ gia đình nên chúng tôi không thể ăn đời ở kiếp với nhau được nhưng ảnh vẫn giúp đỡ tôi hết mình trên bước đường nghệ thuật. Vì vậy, sau này tôi được phong NSND trước Năm Châu, tôi hết sức buồn nên đấu tranh hoài. Vì có Năm Châu rồi mới có Phùng Há. Năm Châu là một tài năng lớn hiếm có của sân khấu”.

 

Vào năm 1940, sau khi cuộc tình thăng hoa lẫn bi kịch với Bạch công tử Lê Công Phước kết thúc 4 năm, nghệ sĩ Phùng Há đã đi đến cuộc hôn nhân thứ ba với kỹ sư Nguyễn Bửu. Là một đại điền chủ giàu có ở Trà Vinh, ông đã lập gánh hát Phụng Hảo ở Sài Gòn giao cho bà quản lý, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng. Đến khi Nhật đảo chính Pháp, tình hình Sài Gòn rối ren, đoàn Phụng Hảo gặp nhiều khó khăn phải lưu diễn dưới Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi thuê ghe về Mỹ Tho và tự giải tán.

 

Ông Nguyễn Bửu có hai người con trai nổi tiếng. Đó là ông Nguyễn Long, một thành viên tham gia lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền phong, về sau tập kết ra miền Bắc. Người em là ông Nguyễn Khánh ở lại miền Nam tham gia quân đội, được thăng quân hàm đại tướng, rồi trở thành Thủ tướng của chế độ cũ. Khi cuộc hôn nhân của ông Nguyễn Bửu và bà Phùng Há còn hạnh phúc, họ sống chung trong một căn nhà ở Gò Vấp cùng con cháu hai bên. Ngoài Nguyễn Long, Nguyễn Khánh thì còn có Bửu Trân, Lili và Nam Hùng. Lili là tên thân mật của Ngọc Tuyết - Liliane, con ruột của Bạch công tử với nghệ sĩ Ngọc Sương, được nghệ sĩ Phùng Há đem về nuôi dưỡng lúc họ gặp khó khăn. Nam Hùng cũng là con nuôi, về sau trở thành kép độc nổi tiếng, được phong tặng danh hiệu NSƯT.

 

Nhất quyết bỏ Sài Gòn sang Pháp định cư rồi lại quay về

 

Khi gánh hát Phụng Hảo tan rã thì cuộc hôn nhân của bà Phùng Há và ông Nguyễn Bửu cũng tan vỡ theo. Về sau, đầu thập niên 1950, bà Phùng Há kết hôn với ông Châu Văn Sáu, một chủ trang trại nuôi bò giàu có đã tạo cơ hội gầy dựng lại đoàn hát Phụng Hảo đi lưu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc gây tiếng vang lớn. Nhưng rồi đoàn hát cũng tan cùng cuộc hôn nhân với đại gia nuôi bò.

 

Dù vậy, bằng tấm lòng của người mẹ kế nhân hậu, bà vẫn giữ mối quan hệ thân tình với hai người con của ông Nguyễn Bửu là Nguyễn Long và Nguyễn Khánh. Nguyễn Khánh là một viên tướng đầy mưu mẹo và tham vọng từng leo lên đỉnh cao quyền lực của chính thể Việt Nam Cộng hòa khi mới 37 tuổi, nhưng với riêng má Bảy Phùng Há, ông luôn tỏ ra hiếu thảo. Những năm tháng cuối đời của bà, Nguyễn Khánh còn nhiều lần đến cơ quan đại diện Việt Nam ở Mỹ xin được về quê hương để chăm sóc bà.

 

Vào năm 1963, người con ruột duy nhất còn lại của bà là Bửu Trân sau một thời gian bị bệnh nan y đã qua đời. Một nỗi đau trời giáng. Chôn cất con gái xong, bà muốn đi thăm hai cháu ngoại - con của Bửu Trân đang ở Pháp. Đến đầu năm 1964, tướng Nguyễn Khánh lên làm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, càng thôi thúc bà phải rời Sài Gòn ra đi.

 

NSND Phùng Há cho hay: “Lên làm thủ tướng ngày trước, ngày sau Nguyễn Khánh tới thăm tôi… Vì thấy Nguyễn Khánh trân trọng tôi nên người ta nườm nượp tìm tới tôi, thông qua tôi để kiếm việc làm hay mưu cầu lợi ích nào đó. Tôi thấy như vậy thật không ổn, đó là họa chứ không phải là phúc, nên chỉ gần nửa tháng sau khi Nguyễn Khánh lên làm thủ tướng là tôi sang Pháp. Tôi muốn suốt đời chỉ biết đến sân khấu mà thôi. Bấy giờ, ở Sài Gòn có những tin đồn thất thiệt sau khi tôi đi, nên tôi buồn lắm, không muốn quay trở về nữa”.

 

Thế nhưng cuối cùng Phùng Há cũng đã quay trở về Tổ quốc. Vì sao? “Đó chính là nhờ khán giả và anh Năm Châu, ảnh kêu tôi về”. Bà thổ lộ và cắt nghĩa rõ hơn: “Những ngày ở Pháp, tôi buồn và nhớ nhà, nhớ sân khấu Sài Gòn kinh khủng. Một ngày mùa hè năm 1965, tôi cùng vài người bạn thuê taxi từ Paris đi Nice nghỉ mát. Tài xế là một Việt kiều mở cassette cho khách nghe tuồng Sân khấu về khuya Nước biển mưa nguồn do anh Năm Châu viết kịch bản, từ Sài Gòn gửi sang. Nghe những lời của nàng Giáng Hương trách móc Lĩnh Nam và khuyên chàng đừng nên phản bội lại khán giả thân yêu của mình, tôi bật khóc sướt mướt. Càng nghe tôi càng nghẹn ngào, càng khóc. Tôi nghĩ đó là những lời anh Năm Châu trách móc, khuyên tôi quay về. Không chờ lâu nữa, mọi giận hờn tan biến và vài tuần sau tôi đã xuất hiện trở lại trên sân khấu Sài Gòn”.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek