Thứ Hai, 07/10/2024 21:29 CH
Một thoáng Đông Hồ
Chủ Nhật, 02/06/2019 13:00 CH

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - Ảnh: YÊN LAN

Ven sông Đuống có một làng nghề nức tiếng từ xa xưa: làng tranh Đông Hồ. Trải qua bao thăng trầm, dòng tranh dân gian độc đáo này được vực dậy từ giữa thập niên 90, và “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

 

Theo lời nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng này có đến 17 dòng họ vẽ tranh Đông Hồ. Bây giờ, cả làng chỉ còn hai gia đình gắn bó với nghề truyền thống là gia đình ông và gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, còn lại thì đã chuyển sang làm hàng mã. “Trong dòng họ, đến tôi là đời thứ 20 vẽ tranh Đông Hồ, con cháu tôi cũng theo nghề của tổ tiên”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tự hào chia sẻ.

 

Từ 11, 12 tuổi, cụ Chế bắt đầu phụ cha bồi điệp lên giấy dó và học cách in tranh. Lớn lên, như nhiều người ở Đông Hồ, những ngả rẽ trong cuộc sống đưa cụ xa dòng tranh dân gian thấm đẫm hồn dân tộc. Đến năm 1992, sau khi nghỉ hưu, cụ quyết tâm khôi phục nghề truyền thống của dòng họ, gia đình. Cụ Chế mua lại các bản khắc gỗ và bắt tay vào công việc đầy khó khăn: vực dậy dòng tranh dân gian của Việt Nam. Tính đến nay, tranh Đông Hồ “sống lại” đã hơn một phần tư thế kỷ.

 

Nối nghiệp cha ông, anh Nguyễn Đăng Tân, con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, cũng đã có từng ấy năm làm tranh Đông Hồ. Anh Tân cho biết, giấy để làm tranh Đông Hồ được làm từ vỏ cây dó. Loại giấy này có độ bền cao. Làng Đống Cao ở Phong Khê (Bắc Ninh) chuyên làm giấy dó cung cấp cho làng Đông Hồ, từ trước đến nay vẫn thế.

 

Có giấy dó, công việc đầu tiên của người làm tranh Đông Hồ là bồi điệp lên mặt giấy để tạo vẻ đẹp óng ánh, từ đó gọi là giấy điệp. Trong bài thơ Bên kia sông Đuống, nhà thơ Hoàng Cầm viết: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Để bồi điệp lên giấy dó, nghệ nhân dùng một loại hồ được làm từ gạo nếp.

 

Theo lời các nghệ nhân, tranh Đông Hồ xưa nay có 5 màu cơ bản, đều là màu tự nhiên; trên rừng, dưới biển đều có. Sò điệp thì vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng có rất nhiều. “Chúng tôi mua vỏ sò điệp về, làm sạch rồi cho vào cối giã. Phải giã bằng cối chứ không dùng máy nghiền được. Bây giờ, chày có gắn mô-tơ, giã thuận tiện hơn trước. Tranh Đông Hồ phải được làm trên giấy này”, anh Tân cho biết.

 

Tranh Đám cưới chuột

 

Có giấy điệp rồi, nghệ nhân sử dụng các khuôn để in tranh. Một bức tranh dân gian thường có 5 màu chủ đạo nên nghệ nhân dùng 5 bản khắc, 5 lần in; màu nhạt in trước, màu đậm in sau. Công đoạn sau cùng là đồ tranh, tức chấm sửa, hoàn thiện bức tranh.

 

Tranh dân gian Đông Hồ tái hiện vừa dí dỏm vừa lãng mạn đời sống dân dã, thể hiện tâm tư, tình cảm và khát vọng của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có bức tranh rất hài hước, lại mang ý nghĩa châm biếm sâu xa, tiêu biểu như Đám cưới chuột. Đây là bức tranh vô cùng nổi tiếng trong dòng tranh dân gian Đông Hồ, có từ khoảng 600 năm trước. Bức tranh được chia thành hai tầng: trên và dưới, vẽ 12 con chuột và một con mèo. Tầng dưới là cảnh rước dâu. Chú rể chuột cưỡi ngựa dẫn đầu đám rước, ngoái lại nhìn cô dâu chuột ngồi trong kiệu, phía sau là một chú chuột cầm lọng che rồi đến một chú chuột cầm biển có chữ “nghênh hôn”.

 

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế lý giải: “Trong đám cưới, người Đông Hồ chúng tôi không dùng chữ “song hỷ” mà dùng “nghênh hôn”. Đấy là ở tầng dưới bức tranh. Còn ở tầng trên, họ hàng nhà chuột không làm “thủ tục” này thì không rước dâu được: tấu kèn, mang cá, chim đến cống cho con mèo. Đấy, từ ngày xưa đã có chuyện đưa và nhận hối lộ. Trong bức tranh Đám cưới chuột, con mèo ám chỉ ông quan trên, thuộc giai cấp thống trị, còn chuột là thường dân. Chuột muốn đón dâu thì phải mang lễ vật đến cống cho con mèo. Các cụ dùng từ “tống lễ” chứ không dùng “cống lễ”.

 

Trong 12 con chuột, có một con các cụ không vẽ đuôi. Vì khi mang con chim đến cống cho mèo, chuột ta sợ quá cụp đuôi. Bức tranh rất hài hước.

 

Theo nghệ nhân Chế, Đám cưới chuột là bức tranh nổi tiếng nhất của Đông Hồ. Nói đến tranh dân gian Đông Hồ thì phải nói đến bức này.

 

Tâm huyết với nghề truyền thống của tổ tiên, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sưu tầm cả trăm bản khắc gỗ hàng trăm tuổi và có gần 200 mẫu tranh các loại. Cụ còn sáng tác tranh Đông Hồ mới, như bức Hội làng, và khắc tranh trên gỗ thị. Đặc biệt, gia đình nghệ nhân đang lưu giữ 7 bộ tranh cổ quý giá, trong đó có bộ Thạch Sanh. Một du khách yêu tranh đến từ châu Âu đã trả 3.500 USD để mua bộ tranh Thạch Sanh nhưng cụ Chế không bán. Cụ nói giá nào cũng không bán tranh cổ, bán thì mình sẽ mất đi tranh quý.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mùa đồng khô
Thứ Tư, 29/05/2019 16:00 CH
Về thăm Xẻo Quýt anh hùng
Thứ Tư, 29/05/2019 15:00 CH
“Cõng” phim về buôn, làng
Thứ Ba, 28/05/2019 10:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek