“Sách là một trong những di sản lớn của nhân loại. Đọc sách là một nghi lễ văn hóa. Và khi cuốn sách rời bỏ chúng ta thì vẻ đẹp, sự thiêng liêng trong tâm hồn cũng rời bỏ chúng ta”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi nói với các bạn trẻ tham dự chương trình giao lưu Tác giả, tác phẩm với bạn đọc.
Trong gần 2 giờ giao lưu tại Trường đại học Phú Yên sáng 20/4, các nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học… đã chia sẻ nhiều điều thú vị về sách, về văn chương. Chương trình giao lưu do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên chủ trì tổ chức, là một trong chuỗi hoạt động của Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ III-2019, chủ đề “Sách - Tri thức, phát triển và hội nhập”.
Đừng để vẻ đẹp, sự thiêng liêng trong tâm hồn rời bỏ chúng ta
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao việc các bạn trẻ đã dành buổi sáng thứ bảy để đến đây, lắng nghe và cùng trao đổi về những cuốn sách, những vẻ đẹp, những bí ẩn và nhiều điều khác trong từng trang sách. “Cách đây khoảng 10 năm, khi công nghệ thông tin bắt đầu giúp chúng ta số hóa những cuốn sách, không ít người trong đó có các nhà văn cảnh báo rằng khoảng10-15 năm nữa, những cuốn sách in bằng giấy sẽ không còn và chúng ta dùng iPhone, iPad để đọc. Tôi cho đấy là một sai lầm, bởi vì sách là một trong những di sản lớn của nhân loại. Đọc sách là một nghi lễ văn hóa. Và khi cuốn sách rời bỏ chúng ta thì vẻ đẹp, sự thiêng liêng trong tâm hồn cũng rời bỏ chúng ta; nhân loại sẽ bước vào thời kỳ đầu tiên cho sự kết thúc vẻ đẹp tinh thần…”, tác giả Ngôi nhà tuổi 17, Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông, Cây ánh sáng, Châu thổ… nói.
PGS-TS văn chương Nguyễn Thị Thu Trang, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ cái nhìn đa chiều về con số lạc quan của ngành Xuất bản, In ấn và Phát hành. Trong năm qua, các nhà xuất bản trong nước đã xuất bản và nộp lưu chuyển hơn 33.000 xuất bản phẩm với hơn 430 triệu bản, gồm sách in, các ấn bản điện tử và những xuất bản phẩm khác. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang, những con số đó chưa đủ để nói lên nhiều điều.
“Tôi vẫn nói với sinh viên rằng tác phẩm, theo công thức đơn giản nhất, bằng văn bản cộng với quá trình tiếp nhận. Và sự trải nghiệm giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều kiến thức, nhiều giá trị từ những quyển sách. Hội sách là nhịp cầu, nhưng chúng ta có đi qua cây cầu đó hay không để đến với sách, điều đó cực kỳ quan trọng. Bây giờ chúng ta có nhiều phương tiện, công cụ, muốn mua một quyển sách thì không phải lặn lội tìm kiếm như hồi trước mà có thể tìm được trên mạng rất nhanh và sách đặt mua sẽ được giao đến tận nhà. Thuận lợi rất nhiều, nhưng vấn đề là chúng ta đọc và sử dụng sách như thế nào? Cũng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi mong các bạn trẻ trẻ hãy cầm sách lên và đọc”, tác giả Văn học Phú Yên thế kỷ XX , Văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1945-1975 - Nhìn từ các giá trị văn hóa truyền thống, Cảm nhận văn chương… bày tỏ.
Tác giả Lê Hào, người có tập thơ Tấm lòng của cây được Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải C năm 2018, bày tỏ mối quan tâm về việc làm thế nào để lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ, đặc biệt là ở những địa phương xa các trung tâm văn hóa lớn như Phú Yên. “Hiện nay, tôi thấy các bạn trẻ thường đọc thông tin trên mạng, bị thu hút bởi những thông tin giật gân. Trong khi đó, tại Phú Yên, muốn tìm những tạp chí có giá trị để đọc như tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà văn và tác phẩm, báo Văn nghệ… cũng không đơn giản”, giảng viên Toán say mê thi ca nói.
“Viết để mở ô cửa và ánh sáng ùa vào”
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, mỗi năm NXB Hội Nhà văn cấp phép từ 2.500-3.000 đầu sách, trong đó có rất nhiều tác phẩm của những người trẻ. Nhà thơ cách tân hàng đầu ở Việt Nam, trong thế hệ của ông, nói rằng ông không đợi chờ các bạn trẻ trở thành nhà văn của một triệu bạn đọc, nhưng hãy trở thành nhà văn của chính mình. Ông khuyên những người trẻ hãy mạnh dạn cầm bút. “Viết để tư duy lại mình, viết để khai mở chính bản thân mình, viết để nhìn lại bên trong mình, viết để mở ô cửa đang đóng sập trong tâm hồn mình và ánh sáng ùa vào. Tôi cho rằng viết là một hành động vô cùng quan trọng. Bây giờ, chúng tôi có thể viết sâu hơn một chút nhưng tất cả sự khơi mở ra con đường mới, mang đến tinh thần mới cho nền văn học Việt Nam thì phải là những người trẻ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Là gương mặt quen thuộc trong các chương trình giao lưu Tác giả, tác phẩm với bạn đọc tại Phú Yên kể từ khi Ngày Sách Việt Nam 21/4 ra đời, nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, một người con Phú Yên, nói về tầm quan trọng của việc đọc sách và viết.
Anh khuyên các bạn trẻ hãy quan sát làng xóm, khu phố nơi mình sinh sống, quan sát con đường hàng ngày mình đi qua… “Các bạn quan sát, ghi chép, hệ thống lại dưới góc nhìn của mình rồi các bạn sẽ dần dần hình thành cho mình một cuốn sách. Bạn nào có năng khiếu văn chương thì có thể viết không chỉ một mà nhiều cuốn sách”, tác giả Tượng tình, Hộp đen báo bão, Bước gió truyền kỳ… khích lệ.
Theo PSG-TS Nguyễn Thị Thu Trang, ngoại ngữ là visa để văn chương Việt Nam ra thế giới. “Các bạn hãy quan tâm đến ngoại ngữ không phải vì chúng ta cần đi đây đi đó mà các bạn phải biết rằng ngôn ngữ còn là công cụ để tư duy. Và tôi cho rằng đây cũng chính là sự khác biệt của thơ Nguyễn Quang Thiều với thơ của những nhà thơ khác, bởi vì anh tư duy theo cách khác. Khi có tầm nhìn xa hơn, thế giới rộng mở hơn thì cảm nhận và cách diễn đạt cũng khác”, PGS Thu Trang nói.
Buổi giao lưu ấm áp tình cảm. Các nhà thơ chia sẻ về con đường mà họ đã chọn, về ánh sáng đặc biệt mà thi ca mang lại… Và điều tuyệt vời nhất là các nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã truyền cảm hứng, truyền tình yêu văn chương, tình yêu sách đến những người trẻ, giúp họ hiểu rằng: Đừng bao giờ để vẻ đẹp, sự thiêng liêng trong tâm hồn rời bỏ chúng ta!
YÊN LAN