Thứ Ba, 26/11/2024 13:59 CH
Kiến trúc thân thiện của nhà sàn Chăm truyền thống
Thứ Ba, 12/02/2019 13:03 CH

Người Chăm ở Phú Yên (Chăm Phú Yên) sinh sống trên vùng núi, đồi không mấy thuận lợi về mặt địa hình, nhưng họ rất dày công trong việc xây cất ngôi nhà sàn bền vững để an cư và phòng tránh thiên tai.

 

Nhà sàn truyền thống của Ma Y, người dân tộc Chăm ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: LÊ KHA

 

Người Chăm định cư ở các huyện miền núi của 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định với khoảng 30.000 người. Do môi trường sinh sống cận cư lâu đời với dân tộc Ê Đê, Ba Na nên văn hóa của người Chăm Phú Yên có nhiều sự biến đổi. Song người Chăm Phú Yên vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của mình, trong đó có ngôi nhà sàn truyền thống với kiến trúc độc đáo và tinh tế.

 

Nhà ở của người Chăm Phú Yên làm bằng cây gỗ, mái lợp tranh, vách nhà dùng cây lồ ô, tre đập thành mảnh hoặc chẻ từng thanh đan từng tấm phên ghép lại. Nếu không sử dụng vật liệu này thì họ dùng cây săn nhỏ bằng ngón tay để bện làm vách. Những cây cột chính (cột cái) họ làm bằng cây ké, cà te có lõi, các cây đà đẽo từ cây chò, cây quỷnh. Dây buộc cột, kèo, rui, mè là những sợi mây mật dẻo bền. Chiều dài của ngôi nhà từ 7-9m, chiều rộng từ 3,5-4m, sàn nhà cao cách mặt đất khoảng 1,2m. Cửa chính đặt dưới hai cây kèo, cao 1,8m, rộng chừng 1,4m. Trước cửa chính có một chiếc cầu thang đẽo bằng gỗ lõi, từ 5-7 nấc thang, đầu hồi sau gian bếp có cửa phụ, cửa này có một chiếc cầu thang làm bằng gốc lõi muồng, căm xe, hai bên hông có cửa sổ.

 

Nhà sàn truyền thống của người Chăm Phú Yên còn có một đặc điểm đó là, trên nóc nhà ở đầu hồi trước và sau có hai cây săn vót nhọn chéo qua, cách mái lợp khoảng 3 gang tay, hai cây này là để con kên kên (chim grơ) nó sợ không đậu trên mái nhà, bởi người Chăm Phú Yên rất ghét con chim này vì nó không hiền lành như con cu đất (chim ktrâu), con chim gầm ghì (pơ găm).

 

Oi Thứ ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) nói về việc sinh hoạt trong các gian nhà của người Chăm Phú Yên: “Nhà của người Chăm Phú Yên gồm có ba gian. Gian trong cùng đặt một bếp lửa. Đây là bếp chính, họ gọi là bếp mẹ, gian này là nơi ngủ, nghỉ ngơi của vợ chồng chủ nhà và để của quý như ché túc, ché tang, cồng chinh. Gian giữa dành cho con trai có vợ, hoặc con trai, con gái chưa bắt vợ, bắt chồng. Gian ngoài cùng dùng để tiếp khách, đồng thời là nơi tổ chức các lễ cúng cầu sức khỏe, cúng đuổi điều xấu đi xa, cúng mừng năm mới... Tại đây có đặt một bếp lửa phụ, hay còn gọi là bếp khách dùng để nấu nước, sưởi ấm”.

 

Ông Ma Vin ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho chúng tôi biết: “Theo phong tục của người Chăm Phú Yên không ai được lên xuống cửa phụ, nếu để ai đó lên xuống cửa này thì của cải trong nhà cũng trôi theo dòng nước ra sông, ra biển. Ai mà phạm tập tục cấm kỵ này sẽ bị phạt ché rượu, con gà, nếu tái phạm sẽ phạt nặng hơn là một con heo, hay một con bò và vài ché rượu”.

 

Kiến trúc ngôi nhà sàn của người Chăm Phú Yên cũng giống như người Ê Đê, phía trước nơi cửa chính có một hành lang, sàn đan bằng cây tre già, khoảng trống này như một cái sân để phơi lúa, bắp. Nơi đây, trong những đêm trăng sáng họ ngồi hóng mát, nghe các cụ già kể chuyện xưa “Tiếng cồng ông bà H’Bia Lơ Đă”, chuyện làng Chi Lơ Bú, làng Chi Lơ Kok có những nhà giàu làm nhà sàn dài hơn 20 sải tay, ché túc sắp lớp lớp như vỏ rùa, cồng ba dựng nối nhau như cua đá.

 

Cất nhà xong, họ làm lễ mừng nhà mới, ông Ma Y ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) cho chúng tôi biết về phong tục này: “Người Chăm Phú Yên cúng mừng nhà mới với lễ vật có 3 ché rượu, 1 con heo, gạo, muối, trầu cau và một cây đèn bằng sáp ong, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên các lễ vật. Tiến hành buổi lễ, chủ nhà nổi lửa bếp chính và bếp khách. Người Chăm Phú Yên quan niệm rằng lửa là vị thần linh may mắn xua đuổi những điều xấu xa, đem đến sự an vui trong gia đình, quanh năm có ăn, để sáng uống rượu ché tang, tối cầm cần rượu ché túc”. Lễ cúng về nhà mới, bà con trong buôn làng cùng đến dự chia vui, chúc mừng nhà mới vững bền như núi Chư Bia, chủ nhà làm ra nhiều lúa như cát dưới sông, bắp nhiều như đá cuội dưới suối, và họ uống rượu đến khi mặt trời lặn mới thôi.

 

Nhà sàn của người Chăm Phú Yên, mái lợp bằng tranh, cấu trúc đơn giản, xinh xắn, chủ yếu được dựng lên từ những vật liệu sẵn có của núi rừng, cùng kỹ thuật bổ ngoàm, khắc cột và buộc dây để kết cấu chịu lực với nhau.

 

Ông Sô Minh Hương, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) tự hào về ngôi nhà sàn của dân tộc mình: “Nhìn đại thể ngôi nhà sàn truyền thống của người Chăm Phú Yên tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, quang đãng từ kết cấu của bộ khung, mái nhà, đến vách ở trong ngôi nhà sàn về mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp bởi mái lợp tranh dày hơn hai gang tay. Kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của người Chăm Phú Yên thích ứng với môi trường núi rừng chứa đựng những giá trị quý báu vốn được gìn giữ hàng trăm năm nay”.

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek