Thứ Tư, 27/11/2024 06:34 SA
Thầy giáo dạy Toán mê làm thơ
Thứ Ba, 08/01/2019 13:00 CH

Thầy Lê Hào chia sẻ niềm vui yêu thơ của mình với sinh viên trong giờ giải lao - Ảnh: THIÊN LÝ

Vốn là giảng viên Toán, Khoa Khoa học tự nhiên Trường đại học Phú Yên, nhưng thầy Lê Hào (SN 1966) lại rất mê làm thơ. Thơ của thầy Hào được đánh giá cao và luôn góp mặt trên những tạp chí có uy tín về văn học.

 

Duyên nợ với thơ

 

Thầy Lê Hào sinh ra và lớn lên tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán Trường đại học Sư phạm Huế, thầy Hào khăn gói vào Phú Yên dạy học. 27 năm gắn bó với bục giảng Trường đại học Phú Yên, với những con số khô khan, thầy Hào chưa từng nghĩ mình sẽ làm thơ, huống hồ là xuất bản cả tập thơ. Nhưng là một người con xứ kinh kỳ, nên chăng chất thơ từ lâu đã thấm vào người, âm ỉ cháy và chỉ chờ dịp để bùng lên trong lòng thầy. Để rồi, thầy Hào vẫn ngày ngày lên lớp với bao bài giảng, vẫn lặng lẽ nhìn đời, nhìn người rồi viết nên những vần thơ ẩn chứa bao ý niệm. Đọc những vần thơ ấy, nhiều người phải thốt lên rằng: “Những bài thơ đầu tiên mà Lê Hào viết khiến ai nấy đều bất ngờ, hứng thú. Ý tứ trong thơ thật sâu sắc. Chẳng ai nghĩ anh sẽ làm thơ nhiều và làm thơ hay đến vậy!”.

 

Duyên nợ bắt đầu vào năm 2012 khi những nỗi buồn cứ vồ vập đến và để giải tỏa những nỗi niềm ấy, thầy Hào đã tìm đến thơ. Đọc nhiều, thầy Hào mới nảy sinh tình cảm với thơ và từ đó tập tành làm thơ. “Lúc đầu, tôi nhờ một số bạn bè ở trường hướng dẫn về niêm luật và cách hành thơ. Thời gian đầu, làm thơ không phải chuyện dễ dàng, tôi bị ràng buộc nhiều bởi những niêm luật thơ nhưng sau này, tôi chủ yếu làm thơ theo thể tự do vì cho phép tôi được tung tẩy và thỏa sức sáng tạo trong từng câu chữ”, thầy Hào chia sẻ.

 

Các bài thơ của thầy Hào lần lượt được đăng tải trên các báo, tạp chí văn nghệ như: Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Hội Nhà văn, Sông Hương, Văn nghệ Phú Yên và các báo địa phương. Mỗi khi có bài thơ được đăng báo, thầy Hào xem đó là niềm vui góp thêm vào cuộc sống, nhưng chưa hề nghĩ có ngày mình xuất bản tập thơ riêng. Mãi đến năm 2017, được sự khích lệ và động viên của anh em nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, thầy Hào quyết định xuất bản tập thơ đầu tay “Tấm lòng của cây” vào năm 2018.

 

Trong tập thơ này có một số bài thầy Hào rất tâm đắc như: “Đá trên Thạch Bi Sơn”, “Tấm lòng của cây”, “Hoa vàng, cỏ xanh”…, lấy cảm hứng từ những khung cảnh nên thơ trong những chuyến đi hay cảm giác chông chênh, lo sợ về cuộc đời; đôi lúc là những khát khao, mơ ước về những điều tốt đẹp, những hoài niệm về vùng đất, con người mà mình đã gặp…

 

Thơ không phải là một nghề

 

Với thầy Hào, làm thơ là được thả hồn vào một chốn riêng tư, không bon chen, không vụ lợi, không đua đòi. Thầy Hào làm thơ như một cách để nói lên nỗi lòng của mình: Có phải lá là tấm lòng của cây?/ hoa là niềm tin?/ trái là hạnh phúc bao mùa cây cóp nhặt? (Tấm lòng của cây). Hay như một nỗi trăn trở: đá nhấp nhô phận mình/ triệu năm còn thức (Đá trên Thạch Bi Sơn).

 

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đã ví von quan niệm làm thơ của thầy Hào giống như nữ sĩ Mary Oliver - một cây bút nổi tiếng về đề tài thiên nhiên, từng giành giải thưởng Pulitzer. Bà có cách nghĩ về thơ rất sắc sảo và đầy ấn tượng: “Thơ không phải là nghề, đó là một cách sống. Nó là một chiếc giỏ không, bạn đặt cuộc sống của mình vào đó và khiến một cái gì đó ra đời từ đó”. “Lê Hào là một người như vậy, anh dạy Toán và đến với thơ không phải như một nghề, mà đó là cách sống của anh. Anh đặt cuộc sống vào chiếc giỏ không. Và từ đó thơ ra đời”, nhà thơ Thánh Ngã nhấn mạnh.

 

Một trong những người đầu tiên tiếp xúc với những bài thơ của thầy Hào là ông Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Từ những vần thơ đó, ông Quốc nhận thấy thầy Hào là một người có tố chất sáng tác thơ. “Thầy Lê Hào dạy Toán, không liên quan gì đến văn học - nghệ thuật, nhưng thơ của thầy có chất liệu ngôn từ tốt. Nhiều người ngộ nhận rằng, thơ là văn xuôi viết theo vần, nhưng thầy Hào không như vậy. Ngôn ngữ thơ của thầy có hình tượng, rất lung linh, sâu sắc. Tập thơ đầu tay của thầy Hào được bạn đọc đánh giá cao. Đây cũng là một trong những tác phẩm được Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên giới thiệu trong tháng 10 vừa qua”, ông Quốc nói.

 

Có nhiều bài thơ góp mặt trên các diễn đàn văn chương, tên tuổi của thầy Hào dần trở nên quen thuộc và được đông đảo bạn đọc đón nhận, nhất là các bạn trẻ. Trong giờ giải lao sau mỗi tiết học, thầy Hào thường đọc thơ do mình sáng tác cho học trò nghe. Những câu thơ nhỏ nhẹ, sâu sắc của thầy Hào khiến học trò hứng thú; bỗng dưng những căng thẳng, mệt mỏi với các phép toán khô khan, cứng nhắc đều tan biến.

 

Trước khi được biết đến với tài thơ ca, thầy Hào được đánh giá là một giảng viên giỏi, có khả năng truyền lửa cho học trò. Thầy tâm huyết với nghề và cũng sống hết mình vì thơ. TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, cho biết: “Bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ là giảng viên giảng dạy Toán học, tôi nghĩ rằng niềm đam mê văn học đã chắp cánh cho thầy Hào có nhiều bài thơ hay, mang đến niềm vui không những cho bản thân thầy mà còn cho bạn đọc”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek