Nơi quán quen ấy vẫn văng vẳng tiếng hát, tiếng đàn... Lời ca mang đến cho người cao tuổi niềm vui và hy vọng. Tiếng hát làm họ cảm thông, xích lại, gắn bó với nhau hơn.
Đó là Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Nhạc cổ của Hội Người cao tuổi phường 4 (TP Tuy Hòa). Nhiều năm nay, CLB này đã phục vụ và mang lại niềm vui cho người cao tuổi ở phường 4 và các phường lân cận.
Từ câu hát
Một tối thứ 6 của tháng 10, trong buổi sinh hoạt định kỳ hàng tuần, tại quán cà phê Duy Vị nằm trên đường Duy Tân (TP Tuy Hòa) lại vang lên những làn điệu vọng cổ hay những trích đoạn cải lương ngọt ngào, da diết...
Ở đây không phải ai cũng có chất giọng trời phú nhưng tất cả đều có chung niềm say mê với âm nhạc truyền thống. Người góp lời hát, người góp tiếng đàn, người thì ủng hộ bằng những tràng pháo tay giòn giã... cùng nhau tạo thành một “CLB âm nhạc tuổi già” hết sức ấm áp và vui vẻ.
Thường, mỗi thành viên của CLB Dân ca - Nhạc cổ đều tự chọn cho mình những tiết mục văn nghệ yêu thích nhất để biểu diễn và giao lưu với mọi người. Những bài hát hay những câu vọng cổ, cải lương... được thể hiện đều có nội dung phong phú, thể hiện tâm tư, tình cảm của người cao tuổi về quê hương, đất nước, con người.
Rồi như vậy, cứ đều đặn vào mỗi tối thứ 6 hàng tuần, các thành viên CLB tập trung lại và hát cho nhau nghe, cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, kinh nghiệm sống trong gia đình, cách nuôi dạy con cháu, cách làm ăn hiệu quả… Với những người cao tuổi, mỗi nốt nhạc trầm bổng cất lên từ cây đàn guitar và đàn sến đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khó tả. Đó như liều thuốc bổ tinh thần giúp họ quên đi những mỏi mệt, căng thẳng. Cũng có người tìm đến đây để được thỏa niềm đam mê ca hát của mình hay có khi chỉ là tìm một thú vui tao nhã cho tuổi già.
Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Nhạc cổ của Hội Người cao tuổi phường 4 cho biết: “CLB được thành lập từ năm 2002. Đây là trái ngọt từ sự nỗ lực và cố gắng của thầy Khoa, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 4. Lúc đó, thầy Khoa mong muốn tạo nên một sân chơi hấp dẫn và bổ ích cho người cao tuổi trên địa bàn vừa để thỏa niềm đam mê âm nhạc của bản thân và mọi người, vừa muốn giữ lấy làn điệu dân ca - nhạc cổ truyền thống của dân tộc.Vì thế, thầy Khoa đã quyết tâm thành lập nên CLB này. Ban đầu, CLB chỉ có dăm bảy thành viên tham gia.
Thời gian gần đây, nhiều người trên địa bàn TP Tuy Hòa cùng chung niềm đam mê ca hát, nhiệt huyết với phong trào văn hóa - văn nghệ hội tụ về. Hiện nay, CLB có 27 thành viên, đều đặn vào tối thứ 6 hàng tuần, CLB tổ chức sinh hoạt”.
Bà Lê Thị Hưởng, chủ quán cà phê Duy Vị chia sẻ: “CLB Dân ca - Nhạc cổ chỉ mới chuyển nơi sinh hoạt từ bờ kè thuộc khu phố 6, phường 4 sang quán Duy Vị tầm hai tháng nay. Cũng là người cao tuổi nên tôi hiểu được tâm tư, tình cảm của thành viên trong CLB, vì thế, tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho CLB có được chỗ sinh hoạt hợp lý, tiếp tục gắn bó với những làn điệu âm nhạc truyền thống”.
Đến niềm vui
Suốt 16 năm qua, những người từng là giáo viên, tiểu thương hay nông dân... đã gắn bó, cùng nhau chia sẻ, bộc bạch tiếng lòng của mình với mọi người qua những làn điệu bài chòi, vọng cổ, cải lương... Chính CLB là nơi chắp cánh cho tình yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc và cũng là nơi để các thành viên chia sẻ với nhau những tâm tư tình cảm trong cuộc sống.
Ông Huỳnh Đức Chơn ở khu phố 3, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), vui vẻ nói: “Bây giờ tuổi đã xế chiều nhưng được tham gia sinh hoạt cùng mọi người trong CLB Dân ca - Nhạc cổ phường 4, tôi cảm thấy vui và phấn khởi. Nhất là khi được con cháu động viên tham gia các hoạt động văn nghệ để sống vui, sống khỏe nên không chỉ riêng tôi mà mọi người ai cũng cảm thấy thoải mái, yêu đời hơn”.
Khi còn trẻ, ông Chơn làm thợ gia công cho các tiệm vàng. Thời gian sau đó, ngoài thời gian quẩn quanh bên bàn làm việc, ông còn đi tìm niềm vui từ ca cổ. Ông bắt đầu tìm thầy học hát. Vừa học, ông vừa tham gia CLB Dân ca - Nhạc cổ phường 4 để tập tành đứng hát trước mọi người. Cứ thế, ông Chơn đều đặn tham gia sinh hoạt CLB suốt 8 năm nay. Những lúc rảnh rỗi, ông còn chở vợ đến xem mọi người ca hát. “Được xem, được hát... chính là niềm vui đích thực của tuổi già”, ông Chơn nói.
Cũng say mê văn nghệ, bà Ngô Thị Thu Hường ở khu phố 3, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) là hạt nhân tham gia tích cực các phong trào văn hóa, văn nghệ của CLB cũng như địa phương. Xuất thân là một người nông dân “chân lấm tay bùn” nên bà thấu hiểu được nỗi vất vả “một nắng hai sương” bên ruộng đồng, nhưng bà cũng như những người nông dân vẫn cất lên tiếng hát để quên đi bao nỗi nhọc nhằn và hy vọng về một vụ mùa bội thu.
Cho tới giờ, khi tuổi đã lớn, không còn gánh vác chuyện đồng áng nữa, bà vẫn một lòng hướng về những giai điệu quê hương. Với bà, sinh hoạt cùng CLB hàng tuần là việc không thể thiếu. Hơn nữa, là người yêu ca hát nên khi tham gia CLB bà rất vui vì có thể biểu diễn những ca khúc mình yêu thích.
Ông Lê Ngọc Dũng thổ lộ: “Mặc dù, tuổi đã cao nhưng các thành viên đều tham gia tích cực những buổi sinh hoạt định kỳ của CLB. Kinh phí sinh hoạt, âm thanh ánh sáng... đều do các thành viên trong CLB đóng góp. Thậm chí, vì tinh thần văn nghệ dâng cao, nhiều khi tôi còn tự bỏ tiền túi để mua các thiết bị âm thanh cần thiết...”.
Nhiều năm qua, CLB Dân ca - Nhạc cổ này là đơn vị nòng cốt trong các phong trào văn hóa - văn nghệ của Hội Người cao tuổi phường 4. Thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên đã góp phần duy trì, lưu giữ và dạy cho con cháu biết đến những nét đẹp âm nhạc truyền thống của dân tộc; đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, vui khỏe cho người cao tuổi.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 4 |
THIÊN LÝ