Thứ Tư, 09/10/2024 21:17 CH
Trần Thanh Hưng - Nhà báo chưa bao giờ biết mỏi
Thứ Ba, 26/06/2018 15:00 CH

26 năm làm báo. 26 năm cùng đồng nghiệp lặn lội khắp vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, gửi đam mê vào những tác phẩm nóng hổi hơi thở của đời sống, đầy ắp suy tư, trăn trở trước những phận người, nhà báo Trần Thanh Hưng chừng như chưa bao giờ biết mỏi… 

 

1 Đà Lạt, những ngày cuối năm. Hoa tưng bừng vào hội. Nắng cao nguyên vàng ươm sắc dã quỳ.

 

Nhà báo Trần Thanh Hưng tác nghiệp trên đỉnh núi Đá Bia - Ảnh: YÊN LAN

Ê kíp làm phim của VTV Phú Yên (nay là VTV Nha Trang) do nhà báo - đạo diễn Trần Thanh Hưng chỉ huy “đóng quân” tại chùa Thanh Quang bên hồ Tuyền Lâm. Đây đồng thời là trụ sở Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang nổi tiếng của Thượng tọa Thích Huệ Đăng - một bậc chân tu, cũng là một doanh nhân, một nhà khoa học. Ngày nào cũng vậy, cả nhóm dậy sớm, nhanh chóng “nạp năng lượng” rồi di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Ghi hình. Trao đổi với nhân vật. Lại ghi hình. Ai nấy bị cuốn vào công việc. Tạp chí truyền hình Phố xuân có thời lượng 45 phút, là một tác phẩm mà nhà báo - đạo diễn Trần Thanh Hưng rất hào hứng. Anh muốn làm thế nào để khán giả có những cảm nhận khác biệt về vẻ đẹp của đất và người ở nơi được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông… Anh kỹ lưỡng và khắt khe trong công việc. Nhiều hôm đến một giờ chiều cả nhóm mới ăn trưa, 9-10 giờ đêm mới trở về chùa. Mệt phờ.

 

Tết năm đó, sau khi tạp chí Phố xuân lên sóng truyền hình cả nước, tôi nhận được cuộc gọi của nghệ nhân Nguyễn Công Hóa ở làng hoa Vạn Thành (TP Đà Lạt), người ướp hoa tươi thành công đầu tiên ở Việt Nam, một trong những nhân vật của chương trình. Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa nói rằng ông đã xem rất nhiều chương trình truyền hình về Đà Lạt và đã làm nhân vật trong rất nhiều phim, nhưng ông cảm nhận Phố xuân lôi cuốn khán giả theo cách riêng và rất thích. Tôi cười tít mắt, cảm ơn ông rồi chuyển lời đến nhà báo Trần Thanh Hưng. Anh mỉm cười.

 

Lại nhớ lần tác nghiệp cùng ê kíp làm phim ở eo biển Cà Ná, đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Phim tài liệu Xóm đèn dầu do nhà báo Trần Thanh Hưng viết kịch bản và đạo diễn; Trần Phương Vũ quay phim; anh Quyết Chí là kỹ thuật viên máy lẻ. Trong khoảng một tuần, chúng tôi miệt mài tác nghiệp tại lớp học tình thương của vợ chồng bà Năm Tốt bên biển Cà Ná; gặp gỡ, ghi hình những người nhọc nhằn kiếm sống nơi eo biển; tiếp cận những người đàn bà trẻ nhưng xuân sắc đã phai, sống trong các căn nhà tạm bợ, đêm đêm rọi đèn pin mời gọi ngư dân cùng cánh lái xe đường dài… Tôi cảm nhận được phần nào niềm đam mê nghề và sự đồng cảm của nhà báo Trần Thanh Hưng đối với những người bị coi là “dưới đáy xã hội”. Tôi ấn tượng với phần mở phim: Trong bóng đêm, ánh đèn pin loang loáng, hụt hơi gọi khách. Chiếc xe tải từ từ dừng lại. Một phụ nữ đậm người cầm đèn pin bước ra.

 

Tiếng chào mời, ngã giá. “Đâu đó, người dân vẫn còn mong chờ ánh điện. Còn ở đây, mỗi khi đêm về, nhiều gia đình lại tắt đi gần hết những bóng điện, dành bóng đêm cho một thứ ánh sáng khác. Trước đây là đèn dầu, còn bây giờ là đèn pin. Cái tên Xóm đèn dầu gần 20 năm nay đã định danh cho xóm nghèo này, dù cách đây 4 năm, xóm đã có điện… Người qua đường rất dễ nhận biết công việc mưu sinh của xóm đèn dầu. Biển ứa máu. Bàn chân người dân xóm đèn dầu cũng nhiều phen bật máu. Chén cơm của họ chan đầy nước mắt đại dương…” (lời bình của nhà báo Trần Thanh Hưng). Tôi cũng rất thích đoạn kết có “ánh sáng” của phim: những đứa trẻ tóc cháy nắng của xóm đèn dầu, của eo biển tập trung trong lớp học tình thương.

 

Nhà báo Trần Thanh Hưng tác nghiệp cùng các nhà báo quốc tế tại diễn đàn Văn hóa - Du lịch cho sự phát triển xanh của Hàn Quốc - Ảnh: CTV

 

“Vẫn còn đây những ánh đèn mời gọi khách làng chơi mỗi khi đêm về. Nhưng đã có những mái đầu xanh say sưa bên trang sách. Đã có những phụ nữ đêm đi khách, ngày đón xe gửi con ra lớp học, vì họ đã có chút hy vọng vào tương lai của con em mình. Cái lớp học nhỏ này thật kỳ lạ, nó như một thứ ánh sáng rọi vào xóm đèn dầu tăm tối, giúp nhiều người cha, người mẹ đáng thương và đáng giận có chút niềm tin vào ngày mai. Cô giáo Phụng nói với bọn trẻ: Học để sau này còn biết đọc chữ, biết làm toán rồi đi làm kiếm tiền mà không đói khổ. Bọn trẻ đã tin lời cô giáo…” (lời bình của nhà báo Trần Thanh Hưng). Cảnh kết phim rất giản dị nhưng ý nghĩa: Bọn trẻ cùng nhau tập đọc “Chú bói cá nghĩ gì thế/ Chú nghĩ về bữa trưa”. Phim tài liệu Xóm đèn dầu được trao giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32.

 

2 Kỷ niệm 25 năm gắn bó với truyền hình, nhà báo Trần Thanh Hưng ra sách: tập kịch bản ký sự, phim tài liệu Sau chiếc máy quay (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2017). Những chặng đường tác nghiệp, niềm đam mê và bao trăn trở lần lượt hiện lên trên từng trang sách này. Sau chiếc máy quay được tác giả chia thành 4 phần: Miền biên viễn với Nơi sông Ba đổ ra biển, Hỏi chuyện cùng đá, Vùng đất của tiếng vó ngựa, Thầy Võ Hồng, Thân thương một tiếng Nẫu…; Đất thang mộc với Đất võ, Nước Mặn thuở phồn vinh, Đất tuồng, Rủ nhau đi đánh bài chòi, Nón Gò Găng…; Xứ trầm hương với Ai về Am Chúa Qua sơn, Người Đàng Hạ, Miền quê thương nhớ, Tiếng đàn bên sông Dinh; Đất Tam Phan với Bên dòng Eamu, Trầm mặc Cà Tú, Lagi miền thương nhớ, Người thổi kèn saranai trên đất tháp, Xóm đèn dầu, Thầy tôi - biên kịch Phạm Thùy Nhân…; Vùng đất của những người hào hoa với Ga Đà Lạt - hành trình đến di sản, Một thoáng Madagui, Ngược dòng, Tranh bút bi, Người khởi nguồn Buddha Yoga tại Việt Nam…

 

Phần cuối cùng Rong chơi, là những ký sự của tác giả khi đến Bắc Kinh - Thượng Hải, những cảm nhận về mùa thu xứ Hàn và khát vọng xanh Hàn Quốc, về tấm lòng của người miền Tây và những chia sẻ khi tác giả đi cùng đoàn làm phim River Ba is distant (Sông Ba xa xăm) - Đài Truyền hình Seoul (Hàn Quốc)… 

 

Nhà báo Trần Thanh Hưng hiện là Phó Giám đốc VTV Nha Trang. Anh sinh năm 1969, quê ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), là cử nhân Văn khoa Đà Lạt.

 

Trần Thanh Hưng gắn bó với truyền hình từ năm 1992 và có nhiều tác phẩm đoạt huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quân, huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc, giải B Giải Báo chí quốc gia, giải B Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc, bằng khen của Liên hoan Điện ảnh - Truyền hình thể thao thế giới…

Tập sách cho thấy tác giả là một nhà báo tràn đầy năng lượng, giàu ý tưởng và say mê nghề. Ngay cả khi bận rộn với công việc quản lý, anh vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng, nhiều dự định về những bộ phim tài liệu và hăm hở lên đường tác nghiệp cùng ê kíp mỗi khi có thể…

 

Ngay cả khi bận rộn với công việc quản lý, anh vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng, nhiều dự định về những bộ phim tài liệu và hăm hở lên đường tác nghiệp cùng ê kíp mỗi khi có thể… Trần Thanh Hưng nói rằng cuốn sách nhỏ này như một lời cảm ơn các nhà nghiên cứu, những người dân trên mảnh đất Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên cùng bạn bè đồng nghiệp đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho anh và các cộng sự trong quá trình làm nghề.

 

Nhà biên kịch Trần Chí Kông (Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh) cảm nhận: “Nếu ví con sông là một bộ phim thì kịch bản như ngọn nguồn của con sông ấy. Hơn 50 bộ phim tài liệu, ký sự chảy trong lòng khán giả qua 25 năm đã được Trần Thanh Hưng khơi nguồn… Xem phim tài liệu rồi được đọc lại kịch bản phim ấy, ta sẽ thấm thêm câu thành ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Và ta sẽ nhận ra thêm một Trần Thanh Hưng dồi dào nguồn cảm hứng làm phim, như nước nguồn con sông không bao giờ cạn”.

 

Tôi và các đồng nghiệp yêu quý, nể trọng Trần Thanh Hưng luôn háo hức chờ xem những tác phẩm mới của anh.

 

 

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek