Thứ Tư, 09/10/2024 21:17 CH
Sự trở lại ngoạn mục của phim truyền hình
Chủ Nhật, 17/06/2018 18:42 CH

Một cảnh quay trong phim “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Nguồn: Internet

Hàng loạt bộ phim truyền hình “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” hay mới đây là “Thương nhớ ở ai”, “Cả một đời ân oán”, “Tình khúc bạch dương”... đã được đầu tư kỹ lưỡng, tạo nên những cơn sốt và thực sự chinh phục được người xem thời gian qua.

 

Tạo dấu ấn với khán giả

 

Sau một thời gian khá dài, khán giả truyền hình trong nước chỉ còn nhớ đến một vài tên bộ phim thật sự đã để lại ấn tượng như: “Hoa cỏ may”, “Lối sống sai lầm”... Có lẽ, lối mòn trong việc xây dựng nội dung kịch bản với những mô típ quen thuộc, quanh quẩn các mâu thuẫn vụn vặt trong công ty, những mối tình tay ba hay những bộ phim hình sự thiếu kịch tính... đã gây nhàm chán, đẩy khán giả Việt ngày càng xa với phim nội mà đến gần và đam mê phim truyền hình nước ngoài. Vì vậy, một số bộ phim được đầu tư vừa qua đã thổi một làn gió mới và trở thành hiện tượng của phim truyền hình Việt Nam.

 

Mở đầu cho sự “lột xác” của phim truyền hình Việt Nam phải nhắc đến “Người phán xử”. Bộ phim “Người phán xử” dài 47 tập, là sự kếp hợp của bộ ba đạo diễn: Mai Hiền, Khải Anh, Danh Dũng. Phim xoay quanh “ông trùm” Phan Quân do NSND Hoàng Dũng thủ vai. “Ông trùm” sở hữu một tập đoàn lớn kinh doanh đa ngành, có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của một tỉnh vùng biên. Dưới lớp vỏ bọc của một tập đoàn đầy thế lực, không ít quan chức phải nể sợ là những cơn sóng ngầm dữ dội qua những mối quan hệ làm ăn phi pháp, chuyên rửa tiền, buôn lậu và bảo kê. Bằng cách xử lý mới lạ, hấp dẫn và kịch tính, cùng dàn diễn viên gạo cội như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh… và dàn diễn viên trẻ như Việt Anh, Hồng Đăng đã khiến đông đảo khán giả mong ngóng từng tập phim trong thời gian phát sóng.

 

Nguyễn Văn Thanh ở phường 6 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Tôi thường rất “kén” phim, nhất là các bộ phim truyền hình Việt Nam. Nhưng sau khi theo dõi bộ phim “Người phán xử”, tôi nghĩ sau này mình sẽ dành nhiều thời gian hơn cho phim truyền hình Việt Nam, bởi bộ phim không chỉ mang đến sự hấp dẫn, gây cấn mà mọi thứ còn chân thực và gần gũi hơn nhờ những câu thoại rất đời, nghe vừa thích vừa dễ hiểu”.

 

Nối tiếp sự thành công của “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Thương nhớ ở ai” đã tiếp tục ghi điểm trong mắt khán giả xem truyền hình. Mặc dù không được phát sóng trong khung giờ vàng của VTV nhưng “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh ngay khi phát sóng đã thu hút khán giả bởi sự tái hiện chân thực về lối sống và cách ăn mặc của con người Việt Nam thời kỳ 1955-1975. Chưa nói đến nội dung, “Thương nhớ ở ai” đã gây ấn tượng với con số kỷ lục 2.000 cảnh kỹ xảo chỉ để đảm bảo cho khán giả có những cảm xúc chân thực nhất về bối cảnh làng quê Bắc Bộ ngày trước. Từ những đoạn trailer và những hình ảnh ban đầu hay các trích đoạn phim đăng trên fanpage của bộ phim đã nhận được sự hưởng ứng, bàn luận của đông đảo người hâm mộ và giới truyền thông.

 

Gây sốt suốt một thời gian dài, “Cả một đời ân oán” tuần này lại mang đến cho khán giả những diễn biến phức tạp trong gia đình Vũ gia khi chuyện bà Lan do Mỹ Uyên thủ vai mong muốn cháu nội về lại Vũ gia chưa xong đã phải “đau đầu” khi Diệu (diễn viên Lan Phương) và Phong (diễn viên Hồng Đăng) gặp lại. Bộ phim này kéo dài từ tháng 12/2017 đến tận cuối năm 2018 mới kết thúc nhưng chưa bao giờ hết “nóng”.

 

Nối tiếp thành công

 

Trong năm 2018, ngoài những bộ phim “Cả một đời ân oán”, “Mộng phù hoa” hay “Tình khúc bạch dương”, khán giả phim truyền hình lại tiếp tục có nhiều phen đứng ngồi không yên với những bộ phim mới ra lò như: “Quỳnh búp bê” dài 34 tập của đạo diễn Mai Hồng Phong và 49 tập phim “Mỹ nhân Sài Thành” của đạo diễn Lê Cung Bắc. Nếu như “Quỳnh búp bê” là bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội, chạm đến những góc khuất về thân phận “bèo dạt” của một cô gái trẻ không may bị rơi vào tay bọn buôn người trong thế giới hiện đại thì “Mỹ nhân Sài Thành” lại đưa khán giả trở về những năm 90. Bắt đầu bằng những hình ảnh của ba cô gái cùng mang tên Trà, đó là Bạch Trà, Hồng Trà và Thanh Trà trong một cuộc thi Người đẹp xứ Nam Kỳ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Sài Gòn đã mở ra câu chuyện cho bộ phim. Ba cô gái là ba số phận khác nhau, mỗi người đại diện cho mỗi tính cách, phong cách và lối sống nhưng tất cả đều toát lên tính nhân văn, tinh thần người Việt. Ngoài ra, bộ phim “Ngày ấy mình đã yêu” của đạo diễn Nguyễn Khải Anh vừa phát sóng 2 tập đầu tiên cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

 

Theo Nguyễn Thị Hằng, một khán giả yêu thích phim truyền hình, phim truyền hình Việt ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem, ngoài kịch bản hay thì yếu tố quan trọng nhất phải kể đến là chất lượng của dàn diễn viên tham gia. Chẳng hạn, các bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích trong thời gian qua như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Khúc hát mặt trời”, “Cầu vồng tình yêu”, “Tuổi thanh xuân”, “Thương nhớ ở ai”... đều có sự kết hợp ăn ý của hai thế hệ diễn viên chuyên nghiệp và các diễn viên trẻ tài năng như NSND Lan Hương, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, diễn viên trẻ Việt Anh, Bảo Thanh, Anh Dũng, Hồng Đăng, Thanh Hương...

 

Với sự đầu tư mạnh mẽ về nội dung, chất lượng hình ảnh, âm nhạc cũng như ê kíp, dàn diễn viên..., các bộ phim truyền hình Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những thước phim hay và để lại những ấn tượng tốt trong lòng người xem.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek