Thứ Năm, 10/10/2024 03:23 SA
Nhớ về cây gạo
Chủ Nhật, 13/05/2018 10:38 SA

Những ngày đầu hè, ai có dịp về các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, đến những buôn làng của đồng bào dân tộc Ê Đê, Chăm H’roi… sẽ thấy ẩn hiện những chùm hoa gạo hay còn gọi là hoa pơ lang đỏ rực, đong đưa trên những mái nhà sàn, khiến ai cũng thấy nao lòng.

 

Hình ảnh cây gạo quen thuộc với người dân miền núi huyện Sơn Hòa - Ảnh: TRẦN LÊ KHA

Cây gạo gắn liền với đời sống của người Tây Nguyên như một thực thể tâm linh, văn hóa đi theo suốt cả một vòng đời. Thân cây gạo thẳng đứng, vỏ trơn láng màu xám, tán lá xum xuê, tỏa mát trên một khoảng đất rộng. Buổi trưa, các cụ già lưng trần ngồi hóng mát, cạnh đó, ba bốn cối gạo sắp hàng, những tiếng chày đôi của các sơn nữ giã gạo thình thịch. Đến mùa lễ hội, buôn làng thường tổ chức tấu cồng chiêng, múa trống đôi, múa xoang… dưới bóng cây gạo. Cây gạo đứng ngoài bìa làng, thế nào cũng có đôi nam nữ ngồi dưới gốc tự tình, thêu dệt ước mơ chuyện mai sau.

 

Tôi từng đến các buôn làng xa xôi như buôn Kít, buôn Chung… xã Sông Hinh), hầu như nơi nào cũng có ít nhất một cây gạo. Nếu cây gạo không ở giữa làng thì nhất định ở cuối làng, hay đầu buôn trên một gò đất cao cao. Cây gạo mọc thẳng, ngạo nghễ, hiên ngang.

 

Ai đã trồng hay con chim nào đó mang hạt giống thả xuống đây để bây giờ có cây gạo to khỏe bung rộng bóng mát, gắn bó chất chồng chuyện xưa, chuyện nay? Để rồi người của buôn làng đi đâu xa cũng nhớ về cây gạo. Dĩ nhiên không phải bỗng dưng mà nó có. Anh Y Rỉnh ở buôn Bầu, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cho biết về nguồn cội cây gạo của buôn mình: “Đồng bào dân tộc Ê Đê trước đây tổ chức lễ “xoay cột đâm trâu” cầu mong buôn làng yên bình, mưa thuận gió hòa, thú dữ không phá hoại hoa màu, năm nào lúa bắp cũng được mùa. Để chuẩn bị cho lễ “xoay cột”, buôn làng cử người vào rừng chọn cây gạo khỏe về trồng làm cây trụ trung tâm. Khi cây gạo đủ lớn, vững chãi thì buôn làng buộc con trâu vào đấy, chuẩn bị làm lễ tế các thần linh. Trên cây gạo, chúng tôi trang trí thêm những thanh tre, lồ ô uốn cong, trên đó treo những con chim, con gà đan bằng mây, tre hoặc những con sóc, con thỏ, con hưu đẽo bằng cây lồng mức. Xong lễ hội, chúng tôi vẫn để nguyên cây gạo ở đó. Nhờ vỏ dày, thân xốp nên cây gạo dễ dàng bén rễ. Năm tháng trôi qua, cây gạo sống và lớn dần”.

 

Tổ chức lễ “xoay cột” chắc vui lắm phải không Y Rỉnh - tôi hỏi. Ờ, vui lắm - Y Rỉnh cho biết thêm: “Mỗi khi gia đình nào tổ chức lễ “xoay cột” thì trai tráng ra rừng bứt mây, chặt tre, người khéo tay thì đẽo con quảy, con nai; con gái thì gùi củi, gùi nước…, mỗi người tự giác làm một việc. Tổ chức lễ “xoay cột” phải chuẩn bị trâu, bò, heo. Rượu phải được chuẩn bị vài tháng trước, có đến ba, bốn chục ché để đủ cho buôn làng và còn mời khách ở xa nữa. Cây gạo, ngoài việc để cột trâu, nó còn là biểu tượng cho sự ngay thẳng, lòng thành đối với đất trời và sự thủy chung đối với con người. Cây gạo còn là chiếc cầu nối cho nam nữ gặp gỡ tìm hiểu nhau để ưng cái bụng rồi làm lễ trao cong ăn ở suốt đời. Do đó, cây gạo rất gắn bó với buôn làng”.

 

Có lần tôi về xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), hỏi về những cây gạo đứng một mình ở giữa trảng tranh và gò trống hoang vắng thì được anh Kpá Y Lung giải thích: “Đó là dấu tích của buôn làng cũ, vì một lý do nào đó mà họ đã rời đi, để lại cây gạo đứng một mình lẻ loi. Theo suy nghĩ của đồng bào dân tộc nơi đây, ở đâu có cây gạo, ở đó là quê hương, trước đây đã có mái nhà sàn, bếp lửa, có cộng đồng dân cư sinh sống”.

 

Vừa rồi, tôi về buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh), gặp Kpá Y Lên làm ăn xa ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) nay về thăm lại quê hương, anh bộc bạch: “Tôi đi qua những trảng tranh, gò vắng, thấy những cây gạo đứng lẻ loi bên con đường mòn, cạnh những chòi giữ rẫy, trổ hoa đỏ rực như những đóm lửa in trên bầu trời xanh, lòng thấy vui vui, nhưng cũng có chút ngậm ngùi. Cây gạo giống như những nhân chứng không lời của thời gian, của kỷ niệm. Bỗng nhiên, tôi có cảm giác như cây gạo là người cha, người mẹ trông đợi đứa con đi xa, là người thiếu phụ chờ chồng những năm chinh chiến… Lòng tôi dâng lên niềm xúc động của một người con xa xứ nay về lại buôn làng khi nhìn thấy cây gạo”.

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek