Thứ Năm, 10/10/2024 11:17 SA
Đường ngầm ghi dấu những chiến công
Thứ Ba, 13/03/2018 10:52 SA

Là nơi ghi dấu những chiến công vang dội của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Gò Thì Thùng - di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn xã An Xuân (huyện Tuy An) thu hút nhiều du khách đến tham quan trong dịp đầu xuân, nhất là khi tiếng trống hội vang lên trên gò Thì Thùng.

 

Du khách trẻ chụp ảnh trước lối vào địa đạo Gò Thì Thùng - Ảnh: YÊN LAN

Gò Thì Thùng nằm gần cao nguyên Vân Hòa - một vùng đất rộng lớn có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển. Theo ông Nguyễn Danh Hạnh, Phó Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Phú Yên, vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có bước phát triển mới, lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ quyết định chọn cao nguyên Vân Hòa làm căn cứ địa cách mạng, xây dựng các cơ quan để chỉ đạo nhân dân Phú Yên tiếp tục kháng chiến. Khi các đợt càn quét của địch ngày một dày thêm, để vừa bảo toàn lực lượng cách mạng, đồng thời có những trận đánh hiệu quả, những người lãnh đạo lúc bấy giờ nhận định: Đào địa đạo để tổ chức chiến đấu là phương án tốt.

 

An Xuân có đất đỏ bazan, địa chất tương đồng với Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị), phù hợp cho việc đào địa đạo. Từ hai yếu tố quan trọng đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Phú Yên quyết định đào địa đạo tại gò Thì Thùng, xã An Xuân. Ông Lê Văn Hết ở thôn Xuân Thành (xã An Xuân) là một trong những người từng tham gia đào địa đạo khi tuổi ngoài đôi mươi. Ông Hết nhớ lại: “Hồi đó dân đi đào địa đạo đông lắm, chủ yếu đào vào ban đêm, vừa đào vừa cảnh giới máy bay địch. Cào cào (tên mà người dân gọi một loại máy bay của địch - PV) nó quần, oanh tạc thường xuyên”.

 

Theo các tài liệu của Bảo tàng Phú Yên, địa đạo Gò Thì Thùng được khởi công ngày 10/5/1964 và hoàn thành vào tháng 8/1965. Công trình dài gần 2km, sâu 4,5m, rộng 0,8m. Hệ thống địa đạo có 486 giếng để thông khí; trên miệng giếng, những người đào địa đạo đã lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo, quân và dân ta làm đài quan sát. Xung quanh địa đạo, giao thông hào chằng chịt chạy ngang dọc với tổng chiều dài khoảng 10km. Địa đạo Gò Thì Thùng đã góp phần làm nên nhiều chiến công lịch sử. Đặc biệt, với trận địa liên hoàn gồm hầm chông, cọc nhọn, giao thông hào…, địa đạo Gò Thì Thùng đã giúp quân dân ta bẻ gãy kế hoạch “Năm mũi tên” trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 của đế quốc Mỹ đánh vào đồng bằng Khu 5.

 

“Địa đạo Gò Thì Thùng có nhiều cái hay, hay nhất là khi chúng ta bắt đầu đào địa đạo, ở miền Nam địch vẫn áp dụng chiến lược Chiến tranh đặc biệt nhưng đến năm 1965, địch áp dụng chiến lược Chiến tranh cục bộ với phương châm tìm diệt - đi tìm lực lượng của ta để tiêu diệt. Vì thế, khi triển khai đào địa đạo Gò Thì Thùng, chúng ta đã “đón lõng” được xu hướng phát triển của chiến tranh. Đấy là cái hay của chúng ta. Đào địa đạo xong, chúng ta đánh vài trận nhỏ, nhử địch đến đây và địa đạo Gò Thì Thùng phát huy tác dụng cao nhất”, ông Nguyễn Danh Hạnh nói.

 

Là nơi ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và được cấp kinh phí để tu bổ, tôn tạo. Ông Hạnh cho biết, hiện ngành chức năng đã tu bổ, khai thông hơn 200m địa đạo… song song đó là chống sạt lở, xuống cấp và du khách có thể tham quan một cách thoải mái trong địa đạo.

 

Gò Thì Thùng ngày trước là một trảng sim. Rễ của loại cây bụi thấp này như lớp bảo vệ địa đạo. Theo ông Hạnh, giải pháp bảo tồn di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng phải đồng bộ, và một trong những yếu tố quan trọng nhất là trả lại môi trường cảnh quan ban đầu cho khu vực này. Nếu trồng cây to thì rễ cây sẽ phá hỏng di tích…

 

“Di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng cần được tiếp tục tu bổ, tôn tạo để giữ được các yếu tố gốc của di tích và thuận lợi cho việc gìn giữ, phát huy giá trị di tích. Theo tôi, cần mở rộng khu vực khai thông, làm thêm một số dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan. So với các di tích khác ở Phú Yên, di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng có nét đặc biệt. Du khách có thể trải nghiệm trong lòng đất giống như quân và dân ta trong kháng chiến. Nếu làm được điều đó thì sẽ phát huy giá trị của di tích, và nơi này sẽ trở thành một điểm nhấn trên bản đồ du lịch Phú Yên”, ông Hạnh nói.

 

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek