Thứ Sáu, 11/10/2024 03:32 SA
Sáng mãi tên anh - kịch dân ca bài chòi nhiều cảm xúc
Thứ Hai, 25/12/2017 14:00 CH

Diễn viên Thu Sa (vai Nồng) và diễn viên Quốc Chí (vai Lê Trung Kiên) trong vở kịch dân ca bài chòi “Sáng mãi tên anh” - Ảnh: YÊN LAN

Sau hàng tháng trời dàn dựng và tập luyện, Chi hội Sân khấu (Hội VHNT Phú Yên) công diễn vở kịch dân ca bài chòi Sáng mãi tên anh ca ngợi Anh hùng - liệt sĩ Lê Trung Kiên, một người con ưu tú của quê hương Phú Yên. Vở diễn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem khi tái hiện hình ảnh một người anh hùng qua những câu chuyện rất đời thường.

 

Dựng vở bằng tâm huyết

 

Nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, cho biết: “Khi Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên trao đổi với chúng tôi về việc sáng tác kịch bản xoay quanh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi thấy đề tài này rất rộng, viết cho đạt cực kỳ khó. Vì vậy phải xác định điểm nhấn là gì. Và chúng tôi quyết định viết về Anh hùng - liệt sĩ Lê Trung Kiên. Chọn được nhân vật rồi, nhưng làm sao để vở diễn có kịch tính, cao trào cũng không hề đơn giản. Phải tìm hiểu, khai thác những câu chuyện đời thường. Người ta biết đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân qua các trận đánh mà chưa nhắc nhiều đến những người ở hậu phương - những người mẹ, người cha nén chặt tình riêng, động viên con chiến đấu. Bên cạnh việc khắc họa hình ảnh anh hùng Lê Trung Kiên trong đời thường, vở diễn của chúng tôi xây dựng hình ảnh người mẹ, người cha hết lòng vì đại cuộc”.

 

Nghệ nhân Bình Thảng, tác giả kịch bản đồng thời là đạo diễn vở kịch dân ca bài chòi Sáng mãi tên anh nói: “Anh hùng Lê Trung Kiên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Hiệp; gia đình anh ở làng Đa Ngư, sát bên làng tôi. Khi được Chi hội Sân khấu giao nhiệm vụ viết kịch bản, tôi đã tìm hiểu và biết trước khi tham gia kháng chiến, anh Lê Trung Kiên có một mối tình với cô gái tên Nồng. Sau khi anh hy sinh, người trong làng không còn gặp lại chị Nồng, gia đình chị cũng không còn ai ở làng”. Ông Bình Thảng đã gặp, trò chuyện với người thân của Anh hùng - liệt sĩ Lê Trung Kiên và một số nhân chứng ở Hòa Hiệp. Viết kịch bản dân ca bài chòi về một người anh hùng, tất nhiên có nhiều áp lực. Nghệ nhân Bình Thảng đã dành cả tháng trời để sáng tác, hoàn thiện kịch bản này, và các hội viên Chi hội Sân khấu cũng dành từng ấy thời gian để tập luyện. “Chúng tôi sử dụng chủ yếu bốn làn điệu: xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò quảng của bài chòi, thêm vào đó là một số làn điệu dân ca khu 5. Anh em rất nhiệt tình, tâm huyết với vở diễn này và tôi cảm thấy rất hài lòng với đêm công diễn”, nghệ nhân Bình Thảng chia sẻ.

 

Những điều đọng lại

 

Kịch dân ca bài chòi Sáng mãi tên anh được mở đầu bằng hình ảnh anh Lê Trung Kiên chia tay chị Nồng - một thôn nữ xinh đẹp, nết na - lên đường tham gia kháng chiến. Nơi quê nhà, được sự tiếp tay của ấp trưởng, viên quận trưởng ép cha chị Nồng gả con cho hắn, nhưng người cha thương con và coi trọng chính nghĩa đã cương quyết khước từ. Ông động viên con thoát ly, tham gia kháng chiến. Trên căn cứ, chị Nồng gặp lại người thanh niên mà mình đem lòng yêu thương, trước khi tiếng súng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vang lên. Cô gái làng cát chia tay người yêu trong nước mắt, không biết liệu còn có ngày gặp lại. Trước khi vào trận đánh, được cấp trên cho phép, anh Lê Trung Kiên bí mật trở về làng thăm mẹ. Dù vui mừng khôn xiết khi được gặp lại con nhưng người mẹ đang lâm bệnh vẫn tỏ ra cứng rắn, giục con trai nhanh chóng trở về đơn vị, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của thanh niên khi quê hương còn chìm trong khói lửa. Chỉ khi con trai đi rồi, người mẹ mới rơi nước mắt. Bà bị quận trưởng, ấp trưởng đe dọa nhưng không hề nao núng, sợ hãi. Rồi tiếng súng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vang lên. Vở kịch dân ca bài chòi kết thúc ấn tượng ở cao trào đó.

 

Công diễn tại Nhà văn hóa Lao động (TP Tuy Hòa) vào tối 21/12, sau khi Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác văn học và ca khúc, chủ đề “Hào khí cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, vở diễn mới toanh của Chi hội Sân khấu mang lại nhiều cảm xúc cho người xem khi tái hiện hình ảnh một người anh hùng qua những câu chuyện rất đời thường. Nghệ nhân Bình Thảng, bên cạnh vai trò biên kịch và đạo diễn, đã thể hiện xuất sắc vai ấp trưởng Dần. Học trò của ông - cô giáo trẻ Thiều Thị Thu Sa vào vai Nồng rất ngọt; anh công nhân đường sắt Đỗ Quốc Chí diễn tròn vai Lê Trung Kiên. Chị Trình Thị Liên, một người đam mê hát bội ở Phú Hòa, vào vai mẹ anh hùng - liệt sĩ Lê Trung Kiên; Phùng Long Ẩn - “anh hiệu” của hội bài chòi ở Tuy An hóa thân thành cha chị Nồng, còn vai quận trưởng Châu do anh Phạm Tố Hữu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) thể hiện. Họ diễn vở kịch dân ca bài chòi bằng niềm đam mê, trân trọng vốn quý văn hóa của quê hương Phú Yên, bằng niềm kính trọng đối với một người con ưu tú của mảnh đất này, đã anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 

Xem kịch dân ca bài chòi Sáng mãi tên anh và dùng điện thoại ghi hình từ đầu đến cuối, nghệ sĩ Huỳnh Như Ngân, nguyên Phó Giám đốc Sở TT-TT, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Phú Yên, cảm nhận: “Vở Sáng mãi tên anh diễn ra chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, có 6 nhân vật nhưng đã khái quát được bối cảnh lịch sử xuân 1968, làm cho người xem xúc động khi tái hiện hình ảnh Anh hùng - liệt sĩ Lê Trung Kiên và những người dân Hòa Hiệp góp sức mình vào cuộc tổng tiến công này. Vở diễn ca ngợi anh hùng Lê Trung Kiên, ca ngợi quê hương Hòa Hiệp, sức mạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đồng thời cũng cho thấy bộ mặt gian ác của bọn tay sai, thể hiện ở vai quận trưởng và ấp trưởng”.

 

Theo ông Huỳnh Như Ngân, có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của một vở diễn trên sân khấu, đặc biệt là âm nhạc, phục trang, ánh sáng. “Những lớp phục hiện cảnh ở quê nhà, qua hồi ức của chị Nồng sau khi lên chiến khu, nếu có sự kết hợp tốt giữa âm thanh với ánh sáng thì sẽ tạo ấn tượng cho khán giả. Tuy nhiên, cũng hết sức thông cảm vì chúng ta không phải là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp”, ông Huỳnh Như Ngân nói.

 

Đảm trách phần âm nhạc cho vở diễn này là các nghệ sĩ: Mai Hoàng, Thiên Cảnh và Ngọc Thanh, còn tiếng động thì do… chồng của cô giáo Thu Sa thực hiện. Mỗi người một tay, bằng đam mê và nhiệt huyết, họ đã góp phần đem lại sự thành công cho vở diễn lớn thứ hai của Chi hội Sân khấu, sau vở kịch dân ca bài chòi Lê Thành Phương cách đây hơn 10 năm.

 

YÊN LAN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek