Thứ Sáu, 11/10/2024 05:34 SA
Phác thảo văn học Việt Nam trên bản đồ văn học thế giới
Thứ Sáu, 08/12/2017 16:00 CH

Từ trái sang, các nhà văn: Trầm Hương, Phan Hoàng, Bang Hyun Suk, Văn Lê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Vũ Quỳnh, Phùng Hiệu - Ảnh: CHU QUANG MẠNH THẮNG

LTS: Hi tho quc tế Trin vng Giao lưu Văn hc Vit - Hàn va t chc TP H Chí Minh là s kin văn hóa quan trng gia hai quc gia. Nhà thơ Nguyn Quang Thiu, Phó Tng thư ký th nht Hi Nhà văn Á - Phi - M Latinh, Phó Ch tch Hi Nhà văn Vit Nam, Giám đốc NXB Hi Nhà văn, đã trình bày mt tham lun rt n tượng ti hi tho.

 

Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc...

 

Năm 1994, tôi đến Mỹ tham dự chương trình hội thảo của các nhà văn do Trung tâm William Joiner tổ chức hàng năm. Một trong những hoạt động ấn tượng mà tôi tham dự là lễ phát hành tập thơ có tên Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ (Poems from the Captured doccuments) do nhà thơ Bruce Weigle và TS Kim Thanh dịch. Đó là những bài thơ ghi chép trong sổ tay hoặc trong những giấy tờ khác của những người lính giải phóng Việt Nam bị quân đội Mỹ thu giữ trong chiến tranh.

 

Khi đọc những trang tài liệu này, các nhà thơ của Trung tâm William Joiner phát hiện ra một điều kỳ lạ là: một hình ảnh mà chủ nhân của những cuốn sổ tay hay giấy tờ ấy đều vẽ là những con chim hòa bình và một loại văn bản được ghi chép trong hầu hết các cuốn sổ tay và giấy tờ ấy là những bài thơ về đất nước, về mẹ, về vợ, về người yêu và giấc mơ trở về cày cấy, gieo hạt, lấy vợ sinh con đẻ cái sau khi chiến tranh kết thúc.

 

Phát hiện ấy đối với những cựu binh Mỹ và người Mỹ có lẽ là một trong những phát hiện lớn nhất về chiến tranh Việt Nam và con người Việt Nam. Sau phát hiện ấy, cách nhìn của không ít người Mỹ về đất nước và con người Việt Nam đã thay đổi. Và trong quan hệ băng giá của hai nước Mỹ và Việt Nam trước khi bình thường hóa thì những đại sứ quyền lực nhất chính là các nhà văn, nhà thơ với tác phẩm của họ.

 

Văn học là một thứ siêu quyền lực. Một tác phẩm hay sẽ làm cho con người ở mọi nền văn hóa bừng tỉnh và nhận ra vẻ đẹp và tính nhân văn của dân tộc khác kể cả một dân tộc trước đó là kẻ thù của mình. Tôi còn nhớ câu chuyện về nhà văn Colombia Garcia Market.

 

Khi ông được giải Nobel Văn học cũng là lúc Colombia đã và đang tìm mọi cách để được chọn là nước đăng cai World Cup. Nhưng khi nghe tin G. Market được trao giải Nobel, Tổng thống Colombia lúc đó đã tuyên bố Colombia không cần đăng cai World Cup nữa vì họ đã có Trăm năm cô đơn của G. Market. Bởi với G. Market và Trăm năm cô đơn là đủ làm cho thế giới thấu hiểu con người và đất nước này.

 

Những câu chuyện nói trên khẳng định một lần nữa sức mạnh của thơ ca nói riêng và của văn học nói chung có khả năng thay đổi con người. Bởi thế, công việc dịch thuật văn học đã trở thành một công việc vô cùng quan trọng và mang tính chiến lược của mọi quốc gia cho dù họ nhận ra sớm hay muộn.

 

Nhìn lại hồ sơ về các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản trên thế giới, chúng ta có thể nói: Văn học Việt Nam chỉ chính thức được dịch và xuất bản ở nước ngoài từ khi cuộc chiến tranh với người Mỹ bắt đầu. Nhưng trong suốt thời gian chiến tranh và khoảng mười năm sau cuộc chiến, hầu hết các tác phẩm văn học Việt Nam chỉ được dịch và xuất bản trong các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa mà thôi.

 

Việc dịch và xuất bản ở nước ngoài các tác phẩm văn học Việt Nam trong thời gian đó là do chính sách chính trị của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa chứ không thực sự là vấn đề của nghệ thuật văn chương, văn hóa. Nhưng cũng trong thời gian đó, ngoài các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, có quá ít các nước khác dịch văn học Việt Nam.

 

Trong gần nửa thế kỷ qua, Trung Quốc chỉ dịch một cuốn sách ký sự về chiến tranh của Việt Nam. Pháp giới thiệu một hai nhà thơ trẻ con Việt Nam. Năm 2007, tôi đến Colombia dự Liên hoan Thơ quốc tế và một nhà văn già của Colombia nói với tôi là trong suốt những năm tháng chiến tranh ông chỉ đọc được một tập thơ vài chục trang có tên là Quê Hương của nhà thơ Giang Nam.

 

Sự xuất hiện quá đơn lẻ và quá hạn chế của các tác phẩm văn học Việt Nam trên thế giới đã làm cho cái tên Văn học Việt Nam không có trên bản đồ văn học thế giới.

 

Khi Việt Nam đổi mới thì đó cũng là lúc văn học Việt Nam bắt đầu chuyến đi lần thứ hai ra thế giới. Vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, phần lớn những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra thế giới là những tác phẩm mang yếu tố phản kháng. Người dịch ở các nước trên thế giới tập trung lựa chọn những tác phẩm có nội dung mà trước đó vì nhiều lý do chưa được viết và chưa được xuất hiện ở Việt Nam.

 

Những tác phẩm văn học này được các cá nhân nhà văn, dịch giả trong và ngoài nước lựa chọn chứ không phải do một tổ chức văn học hoặc các nhà xuất bản trong nước. Những tác phẩm được lựa chọn, dịch và xuất bản ở nước ngoài hầu như chỉ là các tác phẩm văn xuôi mà thơ chỉ như là những trường hợp ngoại lệ hoặc quá đặc biệt.

 

Cho dù những tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài lúc đó là những tác phẩm tạo được dư luận của bạn đọc trong và ngoài nước, nhưng nó cũng chỉ phản ánh được một phía của văn học Việt Nam đương đại.

 

Thậm chí những tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài là những tác phẩm chưa được xuất bản trong nước hoặc đã xuất bản nhưng lại gặp “vấn đề” với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước. Từ đó tạo ra một cái nhìn mất cân bằng về đất nước và con người Việt Nam. Có rất ít tác phẩm thời đó được cả hai phía chấp nhận như trường hợp tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Cuốn sách này được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991.

 

Nhưng từ khoảng năm 2000 đến nay, tình hình xuất bản của Việt Nam có những thay đổi lớn, vì thế việc chọn, dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài cũng có những thay đổi lớn. Trung Quốc bắt đầu dịch các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại như Tuyển truyện ngắn Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Một số nước như Mỹ, Pháp, Nhật, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nga, Úc, Colombia, Ba Lan, Hungary, Ailen… đã lần lượt giới thiệu văn học đương đại Việt Nam bằng nhiều hình thức.

 

Trong đó có thể nói Mỹ, Pháp và Hàn Quốc là những nước dịch và xuất bản văn học Việt Nam nhiều hơn cả. Sự xuất hiện của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong các cuộc hội thảo văn học, liên hoan thơ trên thế giới ngày càng nhiều hơn cũng làm cho các nước trên thế giới bắt đầu nhận ra một nền văn học mang tên Việt Nam.

 

Khi tập Tuyển truyện ngắn Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc, người dịch và người đọc Trung Quốc đã thực sự ngỡ ngàng về văn học Việt Nam mà trước đó họ không hề biết đến hoặc không “thèm” để ý tới. Lỗi này thuộc về những người liên quan ở cả hai phía: Việt Nam và Trung Quốc.

 

Khi tập thơ đầu tiên của một nhà thơ Việt Nam sinh sống trong nước được dịch và xuất bản tại Mỹ năm 1987, tạp chí của Đại học Havard năm 1998 đã viết “Ông là một nhà thơ xuất sắc nhưng thế giới tiếng Anh chưa được biết đến”. Điều này cho chúng ta hiểu rằng: vấn đề dịch văn học chính là quyết định quan trọng đầu tiên đưa văn học của một dân tộc này đến một dân tộc khác.

 

Trong khu vực châu Á, qua quan sát của cá nhân mình, tôi có thể nói rằng: Hàn Quốc là quốc gia quan tâm đến văn học Việt Nam nhiều nhất. Số lượng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đến Hàn Quốc tham dự các hoạt động văn học là khá thường xuyên hơn tất cả các nước châu Á khác.

 

Các tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư và những nhà văn khác đã được xuất bản tại Hàn Quốc. Và các nhà văn Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư đã được trao những giải thưởng quan trọng của Hàn Quốc.

 

Ngược lại, Việt Nam cũng dịch và xuất bản một số lượng đáng kể các tác phẩm văn học, văn hóa của Hàn Quốc ở Việt Nam. Riêng Nhà xuất bản Hội Nhà văn mà tôi đang kiêm vị trí Giám đốc đã xuất bản hơn 20 tác phẩm văn học và nghiên cứu văn hóa của Hàn Quốc trong mười năm qua. Nhà xuất bản Hội Nhà văn đều nhận được tài trợ của phía Hàn Quốc cho việc dịch thuật và xuất bản những tác phẩm này.

 

 Ngay từ năm 2002, tuyển thơ 5 Nhà thơ hiện đại Hàn Quốc là Ko Un, Kwang Kyu Kim, Kim Chi Ha, Park Je Chun và Shin Kyung Rim mà tôi dịch đã được xuất bản và giới thiệu ở Việt Nam do Daesan Foundation tài trợ. Nhưng hồi đó, việc dịch văn học Hàn Quốc hầu hết phải thông qua ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Anh.

 

Ngày nay, Việt Nam đã có một đội ngũ dịch tiếng Hàn Quốc đáng tin tưởng và Hàn Quốc có những dịch giả tiếng Việt rất tốt. Vì thế mà chất lượng các bản dịch cũng được cải thiện rất nhiều.

 

Hiện nay, một thực tế cho thấy rằng: Văn học Hàn Quốc là một trong những nền văn học được bạn đọc Việt Nam đón đọc nhiều. Hàn Quốc thực sự là một ví dụ sống động trong việc truyền bá văn học ra thế giới mà Việt Nam phải học tập. Cách đây mấy năm, Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Trung tâm Dịch văn học nhưng lại yêu cầu trung tâm này tự lo kinh phí. Vì lý do đó mà Trung tâm Dịch văn học này làm được rất ít chức năng của mình.

 

Nhà nước phải chính là người đặt hàng các trung tâm dịch văn học để thực thi chiến lược truyền bá hình ảnh đất nước thông qua văn học. Bên cạnh Nhà nước là những tập đoàn kinh tế, truyền thông và những quỹ văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam, chính sách dành cho việc truyền bá văn học ra nước ngoài còn vô cùng hạn chế bởi chúng ta chưa có được một cách nhìn đúng về sứ mệnh của văn học.

 

Hội thảo này cho các nhà hoạch định chiến lược truyền bá văn hóa, trong đó có văn học, cho các tổ chức văn học, cho cá nhân các nhà văn, các dịch giả Việt Nam thấy rõ hơn lỗ thủng lớn của mình trong công việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới.

 

Đồng thời cũng cho chúng ta những bài học cần thiết từ Hàn Quốc. Hàn Quốc là một quốc gia đã vẽ được những nét đậm về nền văn học của mình trên bản đồ văn học thế giới. Và Hàn Quốc cùng với các nước Mỹ, Pháp, Thụy Điển thực sự là những quốc gia đã giúp Việt Nam vẽ được những nét cơ bản về nền văn học Việt Nam đương đại trên bản đồ văn học thế giới.

 

NGUYỄN QUANG THIỀU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek