Thứ Sáu, 11/10/2024 21:18 CH
Xem cây hiểu người
Thứ Năm, 17/08/2017 17:00 CH

Thân, cành, tán đều oằn mình chống đỡ, không chịu buông xuôi thể hiện tính dữ dội và bất khuất - Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

Người ta thường nói “Văn là người”. Bởi lẽ qua đó phần nào phản ánh được tính cách, nhân cách của người viết mà chúng ta hay gọi là văn phong. Vậy còn thế giới sinh vật cảnh gồm cỏ, cây, hoa lá thì sao? Nếu chịu khó tìm hiểu và suy ngẫm thì cây cũng là người.

 

Trước tiên, chúng ta hãy nói về người yêu thích, chơi cây hay thưởng ngoạn. Người xưa đã “mặc định” cho bộ tứ bình là mai, lan, cúc, trúc hay mai, sen, cúc, trúc; bởi bốn loại cây này đại diện cho bốn mùa. Người xưa cũng cho rằng loài cây cũng đại diện cho giới tính ví như cây tùng, cây thông biểu tượng cho nam giới; cây liễu, hoa đào nói về nữ giới. Rồi cây cũng thể hiện cốt cách của người quân tử như tùng, trúc, mai; sự tao nhã như hoa quỳnh, sự thanh khiết như hoa sen… Dân gian có câu:

 

Hoa lài, hoa lý, hoa ngâu

 

Chẳng bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng

 

Ý muốn “đặc cách” hoa bưởi dành cho những cô gái có tâm hồn mộc mạc thuần hậu. Mỗi người có sự yêu thích, có thú chơi cây riêng. Người yêu cây thông và muốn kiếp sau xin được làm thông thì ai cũng biết đó là Nguyễn Công Trứ:

 

Kiếp sau xin chớ làm người

 

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

 

 

Người đời vì quá yêu Chu Thần mà gắn câu đối “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai) cho Cao Bá Quát như một giai thoại nhưng ít người biết rằng Cao Bá Quát cũng đã từng “Trồng mai”, là một bài thơ nói lên khí phách của ông thời trai.

 

Ngày xuân, ngập sắc vàng hoa cúc. Rất nhiều người mua về chưng, biết đâu rằng trong cuốn “Hán văn tự học” của tác giả Nguyễn Văn Ba có bài “Thuyết cúc” nói rằng hoa cúc cũng là một loại cây đại diện cho người quân tử. Có thể nói, từ sự yêu thích, sở hữu hay thưởng ngoạn phần nào cũng nói lên tính cách, nhân cách của người đó.

 

Hiện nay có hai vị giảng sư nổi tiếng trong giới Phật giáo đó là đại đức Thích Pháp Hòa và đại đức Thích Phước Tiến, trong các bài thuyết pháp có liên quan, thầy Pháp Hòa cho rằng cây cối không cần cắt tỉa cứ để nó phát triển tự nhiên. Trong khi đó, thầy Phước Tiến thì cho rằng cây cối cần cắt tỉa, uốn, nắn (cũng như con người cần cắt bỏ bớt thói hư, tật xấu). Không đưa ra nhận xét về các thầy nhưng từ “trực quan sinh động” cho thấy thầy Pháp Hòa tính tình ôn hòa, dễ chịu; thầy Phước Tiến thì sắc sảo, nghiêm túc.

 

Trong sự giao thoa của các nền văn hóa Đông - Tây thì thế giới sinh vật cảnh cũng có điểm tương đồng và dị biệt. Điểm tương đồng ở đây là cùng hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Còn điểm dị biệt nằm ở chỗ, tính cách người phương Tây cởi mở, phóng túng nên cây trang trí trong sân vườn và cây văn phòng gần gũi với thiên nhiên hơn.

 

Trong khi đó, người phương Đông thì lễ giáo phong kiến ăn sâu nên thế giới sinh vật cảnh họ tạo ra tương đối nghiêm ngặt, chặt chẽ, kỹ lưỡng và có “niêm luật” rõ ràng hơn. Cụ thể, đất nước Trung Hoa có nền văn hóa lâu đời cộng với sự hùng vĩ của thiên nhiên nên thế giới sinh vật cảnh họ tạo ra thật hùng hồn, phong phú, đa dạng; nhìn vào ta thấy chiều sâu như “sơn cao”, “thủy thâm”, ở đó cũng thể hiện sự chặt chẽ trong bố cục gần như lễ giáo phong kiến đã thường trực trong cách nghĩ.

 

Cây cảnh Hồng Kông thuộc phong cách bon sai phái Lĩnh Nam nên cũng gần như vậy. Còn với Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng về bon sai do người Nhật tạo ra có những sáng tạo đặc biệt. Điển hình là Ki-ma-ra, cách tạo ra cây bách xù lá kim đa thân; Tat-su-ma-ra, cách tạo cây thông, cây tùng nửa chết, nửa sống (nửa chết thể hiện sự rắn rỏi, kiên cường; nửa sống thể hiện sự sinh sôi phát triển). Phải chăng từ yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt như động đất, núi lửa mà thế giới sinh vật cảnh do người Nhật tạo ra cho thấy sự kiên cường, không khuất phục trước thiên tai.

 

Thử lướt qua một hội thơ xuân hay một triển lãm tranh thư pháp, chúng ta sẽ thấy được “Bản đàn muôn điệu hòa ca”, “Trăm hoa đua nở” thì hội hoa xuân cũng vậy. Ở đó, mỗi tác phẩm phần nào thể hiện được cá tính của tác giả. Ở lĩnh vực thư pháp với cách thể hiện chân thư có kiến trúc sư Thanh Sơn, cuồng thư có Song Nguyên, thư họa có Trịnh Cung, Lê Vũ… Người xưa nói “Nét chữ nết người” cũng không sai.

 

Người chơi cây, tạo dáng cũng vậy, ai cũng biết cách làm các thế cây: Trực, hoành, thác đổ, văn nhân… nhưng để thuyết phục người xem đòi hỏi nghệ nhân phải “thổi hồn” vào đó. Đã là nghệ nhân thì ai cũng có thể làm được các loại cây thế, nhưng để có được tác phẩm hay thì mỗi cá nhân lại thực hiện theo các sở trường riêng để tạo ra dáng cây mang cá tính của mình. Có khi tạo ra những cá biệt như “cây độc”, “cây quái”, có khi tạo ra được cả một trào lưu.

 

Đồng cảm trong vấn đề này, thầy Trần Ngọc Hoàng, giảng viên Khoa Âm nhạc Trường đại học Phú Yên, cũng là một người chơi cây cảnh lâu năm cho biết: Người trực tính, nghiêm túc thường thích tạo cây dáng trực có bộ đế vững vàng, mạnh mẽ; người hiền hòa, tình cảm thường thích tạo cây có dáng thác đổ, dáng nghiêng lả lơi, mềm mại; người cương trực, hiên ngang hay thích tạo cây có dáng bạt phong, siêu phong; người bất khuất kiên cường thích tạo dáng cây có phần gỗ lũa nửa chết nửa sống, “tàn nhưng không phế”…

 

Nói đến lĩnh vực này, không thể không nhắc đến nghệ nhân nổi tiếng Bùi Văn Lời (Mười Lời). Người đã cho chúng ta một mùa đào Nhật Tân Hà Nội ở phương Nam vào năm 2000, một thế giới hoa quỳnh nở ngày vào năm 2005, hoa quý bạch quỳnh vào năm 2011 và còn nhiều loại cây trái quý khác.

 

Biểu tượng người thương binh “tàn nhưng không phế  - Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

 

Từ đó, chúng ta thấy được đây là một con người xuất sắc tiêu biểu về sự cần cù, kiên trì, sáng tạo… của người nông dân Việt. Người thứ hai phải kể đến là nghệ nhân Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Ban Khoa Kỹ - Mỹ , Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân - Sinh vật cảnh tỉnh Ninh Bình. Ông là thương binh chỉ chờ ngày tận sức nhưng từ tình yêu quê hương đất nước của một người lính, ông đã tự mình vực dậy “tàn nhưng không phế” bằng việc cống hiến hàng loạt tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị, thấm đẫm tâm hồn Việt như mái đình, cây đa, bến nước…

 

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, đời sống vật chất người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu hưởng thụ các giá trị thẩm mỹ càng tăng lên. Kiến trúc hiện đại cũng đang có trào lưu thiết kế “không gian xanh” cho từng căn hộ. Có “cầu” ắt có “cung”, trừ những người trồng hoa, tạo dáng, một số người khác lại đi khai thác tràn lan các loại cây cảnh, làm cho rừng xanh “chảy máu”. Số cây cảnh, hoa lan… khai thác đem về, lớp “được tuyển dụng”, lớp chết, lớp “bị thương” … như bốn câu thơ nói về “Bon sai” của Đoàn Ngọc Nghĩa:

 

Thu vào trong chậu kiểng

Vũ trụ và nhân sinh

Chỉ thương ngàn chiếc lá

Rụng ở ngoài rừng xanh

* * *

Một lần, cô cháu gái ghé thăm vườn cảnh của tôi, dạo qua một lượt rồi chăm chú ngắm chậu trà mi đang độ nở hoa. Thấy thế tôi có ý muốn tặng nhưng cháu suy nghĩ hồi lâu rồi nói: Do công việc cháu phải đi hoài không ai chăm sóc, nếu mang về mà không nuôi dưỡng được thì chẳng may làm chết một đời cây! Thôi thì cứ để ở đây cho cậu cháu ta và mọi người cùng ngắm.

 

HOÀNG CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek