Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất thép Tây Ninh được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cho một số cơ quan chủ chốt của cách mạng miền Nam Việt Nam. Trung ương Cục miền Nam, được gọi theo mật danh là R. Đây là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng miền Nam đặt tại Nam Bộ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hiện nay, căn cứ đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch về nguồn của du khách.
Đầu tháng 3/2017, chúng tôi về Tây Ninh, được anh chị em Hội Văn học Nghệ thuật nơi đây tổ chức về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Khu căn cứ này nằm trong rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có tổng diện tích khoảng 70ha, theo quốc lộ 22B đi hơn 60km thì tới khu di tích lịch sử này. Từ cửa khẩu Xa Mát vào khu di tích có một con đường nhỏ rải nhựa len lỏi giữa rừng nhiệt đới, hai bên đường đa sắc hoa rừng miền Đông Nam Bộ.
Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh Đặng Thị Phượng cho biết: “Huyện Tân Biên (Tây Ninh) có sông Suối Mây thượng nguồn từ Campuchia chảy xuống phía nam thành sông Vàm Cỏ Đông và sông Sanh Đôi chảy ở phía đông nhập vào sông Sài Gòn. Tân Biên là địa bàn chiến lược quan trọng, với địa hình rừng nguyên sinh trải rộng, nối liền cực Nam Trung Bộ với đồng bằng Tây Nam Bộ. Đó là điều kiện thuận lợi để hình thành khu căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế vững chắc cho lực lượng kháng chiến”.
Khu di tích rừng nguyên sinh phủ kín không gian tái hiện những nơi làm việc, nhà ở, chiến hào xưa. Nhiều khu vực rừng che kín không thấy bầu trời, bởi bằng lăng, cây chò, cây dầu rái cổ thụ… Theo con đường nhỏ quanh co uốn lượn, chúng tôi tới thăm những khu nhà lá đơn sơ, ẩn mình trong rừng cây rậm rạp. Được phục chế lại theo nguyên bản, bao gồm: Hội trường, nhà đón tiếp, nhà bảo vệ, nhà ở của các lãnh đạo cao cấp, nhà ở của các chiến sĩ và các ban, ngành. Khu căn cứ này là nơi 3 đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung… đã từng sống và làm việc.
Gần khu căn cứ, trong rừng Chàng Riệc còn có khu di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tất cả những ngôi nhà ở đây đều có đặc điểm nổi bật đó là không có kèo, không lót đòn tay và được dựng bằng cây hoành tử (loại cây nhỏ), tre, mái lợp lá trung quân - một loại lá rừng rất dai, chịu đựng mưa nắng trong thời gian dài khó bị mục, đặc biệt là lá trung quân không bắt lửa. Trong nhà, những vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: bàn, tủ, kệ, chõng tre, bút mực, radio, đèn… đều để đúng vị trí như trước đây. Bên cạnh ngôi nhà đều có hầm chữ A, được kè chống khá kiên cố. Các hầm này được nối với nhau bởi hệ thống hầm trú ẩn, giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện trong rừng.
Đến di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi được cô thuyết minh viên xinh đẹp, giọng nói miền Nam ngọt ngào Phạm Thị Sinh hướng dẫn thăm bếp lửa Hoàng Cầm. Bếp lửa Hoàng Cầm ra đời từ chiến dịch Hòa Bình (1951-1952) và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bếp mang tên người chế tạo ra nó tên là Hoàng Cầm, nguyên là Tiểu đội trưởng nuôi quân của Đội điều trị 8, Sư đoàn 308 Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã nghĩ ra một loại bếp theo kiểu hang chuột mà khi đun nấu không có khói nhằm tránh sự phát hiện của địch. Bếp được đào sâu xuống lòng đất, trên các đường rãnh nhỏ có phủ lá cây, khi đốt lửa áp suất không khí sẽ đẩy khí bay theo đường dẫn vào hầm chứa khói, sau đó khói tiếp tục tỏa ra theo các đường rãnh, gặp lá cây chỉ bay nhẹ như làn sương mỏng. Bếp Hoàng Cầm đáp ứng được một trong ba yêu cầu bí mật đặt ra trong căn cứ cách mạng, đó là đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.
Nhà trưng bày di tích lịch sử có hàng ngàn hình ảnh và nhiều hiện vật sử dụng trong khu căn cứ như: xe đạp của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh và Võ Văn Kiệt, súng tự tạo mang tên “ngựa trời”, lựu đạn, mìn tự chế, bàn làm việc, ba lô, đèn pin, bật lửa làm bằng vỏ đạn, dép lốp… Những hiện vật đơn sơ, bình dị liên quan đến sinh hoạt ở chiến khu cách đây hơn 40 năm. Tất cả như tái hiện lại thời kỳ sống và làm việc gian khổ, một giai đoạn đấu tranh hào hùng của lịch sử cách mạng miền Nam.
Anh Nguyễn Hữu Lễ, Tổ trưởng di tích Trung ương Cục miền Nam, cho biết: “Tháng 7/2010 khởi công xây dựng Nhà bia di tích lịch sử Ban dân vận Trung ương Cục miền Nam, xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 400m2, gồm nhà bia và bia di tích. Công trình này nhằm tôn vinh, ghi nhớ truyền thống công tác dân vận của Đảng, là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục, tiếp thêm sức mạnh, hành trang cho thế hệ cán bộ dân vận hôm nay và mai sau về tinh thần chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.
Chúng tôi về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam, một chuyến đi trải nghiệm, tìm hiểu thêm về “Thủ Đô kháng chiến” miền Nam. Qua đây hẳn là mỗi người đã có thêm cơ hội để hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn về những đóng góp của những người yêu mảnh đất quê hương. Họ đã sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục và là tấm gương để các thế hệ sau tiếp bước noi theo.
Di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990.
TRẦN LÊ KHA