Chủ Nhật, 13/10/2024 07:23 SA
Lễ hội cầu ngư Phú Yên:
Di sản văn hóa hòa trong tâm thức biển
Thứ Hai, 30/01/2017 16:00 CH

Biểu diễn bá trạo tại một hoạt động quảng bá du lịch - Ảnh: MINH NGUYỆT

Tôi có một người bạn thân sinh ra và lớn lên ở làng biển Mỹ Á, thôn Long Thủy (xã An Phú, nay thuộc TP Tuy Hòa), sớm xa nhà vào thị xã học. Mỗi dịp hè, bạn thường rủ tôi về nhà, cách trung tâm Tuy Hòa hơn 10km, coi hát lăng nhưng mãi đến khi đi làm tôi mới nhận lời mời của bạn và biết được hát lăng là một hoạt động trong lễ hội cầu ngư của người dân làng biển. Có cái gì đó thu hút, tôi đã tìm hiểu, sau đó viết bài về lễ hội này và hò bả trạo. Mới đây, Lễ hội cầu ngư Phú Yên được Bộ VH-TT-DL vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôi có “cớ” xới lại ký ức và mớ tài liệu thu thập lâu nay, để trả lời câu hỏi tự đặt ra “Vì sao lễ hội cầu ngư Phú Yên được vinh danh trong khi rất nhiều địa phương trên cả nước cũng có hoạt động này?”

 

1. Xin được trở lại nguồn gốc của lễ hội cầu ngư. Lễ hội này gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông - cách gọi thành kính của cư dân miền biển đối với cá voi và một số loài cá lớn. Người Việt trong hành trình Nam tiến đã tiếp thu tín ngưỡng thờ cá Ông của người Chăm và xem như là tín ngưỡng của mình.

 

Sách sử cũng có ghi chép về tục thờ cá Ông như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh. Người đầu tiên viết về phong tục thờ cúng cá Ông ở tỉnh Phú Yên là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư qua cuốn Non nước Phú Yên. Người già còn kể cho con cháu về truyền thuyết cá Ông cứu chúa Nguyễn Ánh thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận thì cho rằng, cá Ông là hóa thân của thần Cha Aih Va, tức thần sóng biển Po Riak chuyên du hành khắp biển cả để cứu người bị nạn. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng cho rằng cá Ông vốn là một trong muôn ngàn mụn vải từ chiếc áo cà sa của Phật Bà Quan Âm xé ra, thả xuống biển để cứu giúp ngư dân mắc nạn. Và cá Ông nhận được nhiều thần hiệu như: “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần”, “Đông Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần”, “Uông Nhuận Trung đẳng thần”. Người dân thì gọi một cách thành kính là “Ông Nam Hải” hoặc “Ngài Nam Hải”. Cá Ông lúc còn sống hay cứu giúp người đi biển gặp nạn, thường gọi là ông Sanh. Khi cá Ông chết gọi là Ông lụy. Phát hiện Ông lụy, cả làng tổ chức lễ an táng nghiêm cẩn và thành kính, người đầu tiên phát hiện Ông lụy phải để tang 3 năm. Đến ngày mãn tang, cũng là lúc tiến hành thỉnh ngọc cốt và rước linh của Ông về lăng để thờ.

 

Hầu hết lăng Ông ở nơi khác chỉ có một gian thờ thì các lăng ở Phú Yên thường có 3 gian, một số lăng còn lưu giữ sắc phong trong đó chứa nhiều thông tin liên quan đến lịch sử hình thành địa danh, phong tục, tín ngưỡng ở địa phương. Tại các lăng Ông mà chúng tôi đã đến như lăng Ông Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa), lăng Ông Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An) không chỉ thờ cá Ông mà còn thờ cả ngài Quan Vũ; Bà Thiên Y A Na; Táo quân và các vị Tiền - Hậu hiền… Theo tiến trình lịch sử hình thành vùng đất Phú Yên với vai trò của người Chăm, sự di cư của người Việt và người Hoa đến định cư, có thể nói tục thờ cá Ông của người Chăm đã “khúc xạ” (Phan Ngọc - NV) qua lăng kính văn hóa Việt và tiếp biến với tín ngưỡng thờ ngài Quan Vũ của người Hoa, tạo nên nét văn hóa riêng của ngư dân Phú Yên.

 

Nhưng câu chuyện cá voi cứu người không chỉ là huyền thoại. Trong công trình nghiên cứu Phong tục thờ cúng cá voi tỉnh Phú Yên, Th.s Lê Thế Vịnh (Sở VH-TT-DL) dẫn nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển được cá voi cứu, hiện vẫn còn sống tại Phú Yên. Theo các nhà khoa học, cá voi là loài động vật biển có vú, chỉ ăn động vật phù du, thở bằng phổi, nên nó không thể không trồi lên mặt nước để hít thở. Cá voi có đặc tính tự nhiên là hay nương tựa vào tàu thuyền, các vật trôi nổi trên biển khi có mưa bão, sóng to rồi đưa vào bờ. Từ đặc điểm này khiến cho ngư dân tin rằng cá voi đã cứu mình và sự giúp đỡ này cũng chỉ mang tính ngẫu nhiên. Thêm một thực tế cho thấy, khi bà con khai thác trên biển có những lúc gặp cá voi lùa cá, giúp họ no chuyến biển. Do vậy ngư dân các làng biển không đặt cá voi vào đối tượng đánh bắt, giết hại, mà luôn bảo vệ. Ý thức đó dần dần trở thành luật tục, mọi ngư dân đều tuân theo và gắn với lễ hội nghề nghiệp - lễ cầu ngư, cầu trời yên biển lặng, đánh bắt được mùa.

 

Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cá Ông chỉ phổ biến ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Ở miền Bắc, do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa chuyên đánh bắt cá voi nên không có tục thờ này, chỉ cá biệt vài trường hợp. Trong dân gian cũng lưu truyền câu: “Tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư” (ở miền Nam là thần, miền Bắc chỉ là cá).

 

2. Lễ hội cầu ngư không đơn thuần là lễ hội nghề nghiệp của ngư dân mà là khoảng thời gian thiêng trong tâm thức mỗi người. Vào dịp này, tất cả ngư dân trong làng đều nghỉ đi biển, những người đi xa cũng trở về, đường sá được dọn sạch, bầu không khí vừa nhộn nhịp, vừa trang nghiêm bao trùm. Dân làng họp bầu Ban tổ chức và thống nhất thời gian, qui mô tổ chức, lễ vật,…

 

Ban tổ chức gồm nhiều bộ phận, quan trọng nhất là ban hành lễ. Ban hành lễ thường có 9 người, phải là những người tiêu biểu, đẹp cả ngoại hình lẫn tâm hồn, kinh tế khá giả, giỏi nghề, gặp nhiều may mắn, không mắc tang chế, phu phụ song toàn, tuổi chẵn… Tất cả đều trai giới trước ngày tế lễ ít nhất ba ngày.

 

Tách riêng phần hội, quy trình lễ cầu ngư ở các làng biển Phú Yên theo trình tự cơ bản: Lễ rước Sắc; Lễ rước (thỉnh) Bà Thiên Y A Na, rước Thành Hoàng bổn cảnh; Lễ Nghinh Ông (nghinh tại bờ hoặc nghinh ngoài biển); Chèo hầu bả trạo; Lễ thỉnh Sanh; Lễ tế Thần Nam Hải và Lễ khai tiên. Trong đó, lễ tế Thần Nam Hải được xem là quan trọng nhất, ban hành lễ sẽ đọc chúc văn ca ngợi công đức cá Ông, cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên, bà con đánh bắt được mùa…

 

Thu hút sự chú ý của người dân nhất là phần chèo hầu bả trạo và lễ khai tiên, được xem là chương trình nghệ thuật miễn phí nhưng không kém phần hấp dẫn. Chèo hầu bả trạo thường gọi là hát bả trạo - một hành động diễn xướng dân gian. Một đội bả trạo từ 17-19 người, trong đó có ba vị: tổng mũi, tổng thương (có nơi gọi tổng khoang), tổng lái và các con trạo. Con trạo thường là các thanh thiếu niên đạo đức tốt, chưa có gia đình, diện mạo thanh tú… tay cầm mái chèo, đứng xếp theo hình con thuyền. Hát bả trạo gồm có xướng và xô. Khi hát, Tổng lái, Tổng mũi, Tổng khoang xướng và bắt bài hát theo các điệu hò, các con trạo thỉnh thoảng xô hoặc lặp lại một đoạn hát của các tổng. Bằng lời ca và những động tác, bả trạo tái hiện lại hoạt động mưu sinh đầy gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập. Đó là tâm tình của người đi biển với niềm vui trúng cá hoặc lời than lo khi gặp sóng to gió lớn, sự hàm ơn đối với cá Ông đã giúp họ thoát khỏi hiểm nguy. Trong khi đó, lễ khai tiên có sự góp mặt của đoàn tuồng với các vở diễn “kinh điển” như Trương cổ thành, Phục Huê dung lộ, Đào viên kết nghĩa, Tam chiến Lữ Bố…Cần nói thêm, chính những lễ hội như thế đã góp phần nuôi dưỡng cho loại hình nghệ thuật tuồng và những người nghệ sĩ vượt qua khoảng thời gian rất dài đầy khó khăn tưởng đã phải lụi tàn.

 

Ngày nay, lễ cầu ngư được tích hợp cùng với các hoạt động văn nghệ, thể thao và trở thành lễ hội văn hóa lớn của các làng biển với những cuộc thi kéo co, lắc thúng thu hút đông đảo người dân từ các nơi về xem và cổ vũ.

 

3. Thông tư 04 của Bộ VH-TT-DL quy định tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học đòi hỏi di sản phải “Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ”. Theo đó, lễ hội cầu ngư Phú Yên đáp ứng đầy đủ cả 4 tiêu chí đề ra.

 

Lễ hội cầu ngư Phú Yên gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông. Từ truyền thuyết, cá Ông đã đi vào lịch sử của vùng đất và hoạt động nghề nghiệp của ngư dân. Thật vậy, lễ hội cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông là lễ hội giàu tính nhân văn, hòa trong tâm thức của mỗi người dân làm nghề biển, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất góp phần tạo nên cảnh quan văn hóa đặc trưng của Phú Yên. Vừa qua, đại diện bà con ngư dân tại 45 địa phương có lăng Ông ở Phú Yên đã ký cam kết gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Do đó, ngày 16/9/2016, Bộ VH-TT-DL đã trao bằng vinh danh Lễ hội cầu ngư Phú Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, lễ hội cầu ngư Đà Nẵng, lễ hội cầu ngư Khánh Hòa, lễ hội nghinh Ông Bến Tre, Hát bả trạo Quảng Nam cũng đã được vinh danh. Để khai thác tốt di sản này, cần có sự quan tâm đầu tư, tôn tạo hơn nữa để vừa gìn giữ được những nét đẹp văn hóa vừa góp phần phát triển địa phương về mọi mặt, bởi văn hóa là phát triển.

 

HOÀNG QUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vị sư già bán lan ở hội hoa xuân Sài Gòn
Chủ Nhật, 26/02/2017 17:00 CH
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Phiên chợ cuối năm của mẹ
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Con về tết cũng về theo
Thứ Tư, 01/02/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek