Chủ Nhật, 13/10/2024 09:26 SA
Đầu xuân lễ chùa tưởng nhớ tổ tiên
Thứ Bảy, 28/01/2017 08:00 SA

Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần từ ngàn xưa của dân tộc ta. Đi lễ chùa đã trở thành phong tục tập quán của người Việt. Vui về chùa. Buồn cũng về chùa. Ngoài việc thắp hương cúng Phật, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất, đi chùa còn là dịp để mọi người cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia quyến ai cũng được mạnh khỏe, hạnh phúc...

 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc”

 

Dân gian có câu “Muốn tu Phật thì về Phú Yên/ Muốn tu tiên thì về Bảy Núi”. Phú Yên là tỉnh từ lâu xuất hiện nhiều ngôi chùa nổi tiếng như Hội Tôn - Cổ Lâm, Đá Trắng, Bảo Tịnh, Bửu Lâm, Hồ Sơn, Long Tường, Hương Tích, Bát Nhã, Phi Lai, Kim Cang, Thanh Lương… Phú Yên cũng gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều vị cao tăng như Liễu Quán, Thiệt Lãm, Khánh Liên, Diệu Nghiêm, Bảo Tạng, Thông Ân, Vạn Ân, Phúc Hộ, Quảng Liên, Diệu Tâm, Khế Hội, Huệ Thắng, Quảng Đức, Hành Trụ… Câu ca trên khẳng định cho thành tựu, di sản văn hóa Phật giáo của vùng đất Phú Yên, quê hương của tổ sư Liễu Quán, người khai sáng một chi phái thiền mới và phục hưng Phật giáo nước ta ở xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ XVIII.

 

Đất Phật nên hầu như chùa được dựng ở mỗi làng mỗi thôn của Phú Yên. Từ nhỏ tôi hay theo bà ngoại đi chùa cúng Phật, đọc kinh. Người quê tôi, từ nông dân đến trí thức đều hay đi chùa, nhất là ngày rằm hay lễ tết. Nghe người lớn bảo “Muốn tu Phật thì về Phú Yên”, tôi cứ ngô nghê nghĩ chỉ quê mình mới nhiều chùa nhiều Phật và nhiều người đi lễ chùa. Về sau bước ra khỏi lũy tre làng, tôi mới biết từ Nam chí Bắc, từ núi rừng Trường Sơn đến hải đảo Trường Sa ở đâu cũng vậy, ngay cả thành phố lớn là Sài Gòn cũng có nhiều chùa và người đi chùa luôn rất đông. Họ không chỉ đi lễ chùa ngay trong thành phố mà còn hành hương cúng Phật, cầu nguyện tại những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng trên khắp cả nước.

 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”

 

Thuở còn đi chăn bò trên cánh đồng quanh chùa, tôi đã nghe người lớn đọc mãi rồi thuộc lòng hai câu thơ ấy. Về sau tôi mới biết nó nằm trong bài thơ “Nhớ chùa” của hòa thượng Thích Mãn Giác, một trong những cao tăng sát cánh cùng hòa thượng Thích Minh Châu sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn năm 1964. Viện đại học lừng lẫy này ra đời sau pháp nạn lịch sử của Phật giáo ở miền Nam mà đỉnh điểm là năm 1963, nay trở thành Học viện Phật giáo Việt Nam - TP Hồ Chí Minh.

 

Đúng như thơ của thiền sư Mãn Giác, mái chùa từ hàng ngàn năm nay đã che chở, lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc và là chỗ dựa đời sống tinh thần mỗi con người. Ngôi chùa còn là nơi truyền bá, tu luyện đạo học làm người của tổ tiên, từ nếp sống hàng ngày cho đến tư tưởng bác ái, nhân văn…

 

Những ngôi chùa độc đáo ở TP Hồ Chí Minh

 

Trên hành trình khẩn hoang mở đất về phương Nam, sau khi vượt đèo Cả của Phú Yên hơn 400 năm trước, lưu dân tiếp tục mang văn hóa, phong tục đến vùng quê mới, trong đó không thể thiếu những ngôi chùa. Nơi nào lập làng lập ấp thì nơi ấy đình chùa cũng được dựng lên và các nhà sư đến hoằng pháp, trụ trì. Đến đầu thế kỷ XXI, riêng tại vùng đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh có gần một ngàn ngôi chùa đã được xây dựng. Nhiều nhất là những ngôi chùa do người Việt dựng nên, kế đến là chùa của người gốc Hoa, Khmer và Ấn Độ.

 

Không chỉ ở Hà Nội mà thật ngạc nhiên tại TP Hồ Chí Minh cũng có chùa Một Cột, tên chữ là Nam Thiên Nhất Trụ, tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi ở quận Thủ Đức. Kiến trúc của chùa phỏng theo chùa Diên Hựu ở Hà Nội vốn được vua nhà Lý xây dựng từ thế kỷ XI để cầu nguyện cho quốc thái dân an. Nam Thiên Nhất Trụ nằm giữa lòng hồ Long Nhãn, do hòa thượng Thích Trí Dũng và đệ tử Đức Hiển tạo lập từ năm 1958, thể hiện tấm lòng người phương Nam hướng về cội nguồn đất Bắc khi non sông bị chia cắt.

 

Có một ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh gần đây bỗng dưng nổi tiếng cả thế giới nhờ Tổng thống Barack Obama. Đó là chùa Phước Hải, thường được gọi chùa Ngọc Hoàng, tọa lạc ở số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã đến tham quan chùa Ngọc Hoàng vào chiều 24/5/2016. Chùa này vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người gốc Hoa có pháp danh Lưu Đạo Nguyên xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX. Tương truyền chùa rất linh thiêng về chuyện cầu tự, nhiều người đến chiêm bái xin được “sinh con theo ý muốn”. Tổng thống Obama chỉ có hai cô con gái là Malia và Sasha. Khi nghe có người giới thiệu về chuyện cầu tự ở chùa Ngọc Hoàng sẽ có con trai, Tổng thống Obama cười nói “Tôi thích con gái”!

 

Cùng với chùa Ngọc Hoàng và chùa Một Cột, có một ngôi chùa khác của Sài Gòn cũng gây cho tôi sự thích thú muốn khám phá là chùa Từ Ân, còn có tên là Sắc Tứ Từ Ân Tự, được xây dựng vào thế kỷ XVIII, hiện tọa lạc ở Phú Lâm thuộc quận 6. Vào thời kỳ chúa Nguyễn đánh nhau với nhà Tây Sơn, chùa Từ Ân và chùa Khải Tường là hai nơi nương náu cho đoàn tùy tùng của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Vì vậy, về sau dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng của nhà Nguyễn, nhiều vị thiền sư của chùa Từ Ân đã được mời ra kinh đô Huế để vào cung giảng đạo, nhận chức Tăng cang và được giao trụ trì chùa Thiên Mụ, chùa Giác Hoàng…

 

Bên cạnh phần lớn các ngôi chùa do hòa thượng trụ trì quản lý thì cũng có những chùa ở Sài Gòn do các ni sư, ni cô tự quản như Huê Lâm, Huệ Lâm... Là ngôi chùa cổ được tạo lập đến nay khoảng 200 năm, chùa Huệ Lâm còn lưu giữ biển sắc tứ của vua Khải Định, hiện nằm ở đường Tùng Thiện Vương, quận 8. Năm 1912, bà Chiêm Thị Mai đã tự nguyện đóng góp kinh phí trùng tu chùa, sau này ni sư Giác Nhẫn đã có công quyên góp xây dựng tạo cho chùa được cảnh quan trang hoàng.

 

Còn chùa Huê Lâm là tổ đình của ni bộ Bắc tông, ban đầu do gia đình bà Trần Thị Nhiều lập cho dòng họ tu theo dạng “cải gia vi tự”, nên có quy mô nhỏ. Đến năm 1946, sư cô Như Thanh sau khi tu học ở chùa Hội Sơn đã về đây tu dưỡng, được gia đình bà Trần Thị Nhiều chính thức trao quyền trụ trì chùa Huê Lâm từ năm 1953. Trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, hiện nay chùa đã có chánh điện, nhà giảng, trường học, nhà nghỉ cho các chư ni phật tử. Chùa hiện nay nằm ở đường Hùng Vương thuộc quận 11, luôn có nhiều hoạt động từ thiện, mở các lớp dạy học miễn phí từ mẫu giáo đến trung học.

 

Nói đến chùa chiền của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh không thể không kể đến Giác Lâm được tạo lập từ năm 1744, một trong những ngôi chùa cổ nhất và được xem là tổ đình của đất Nam Bộ. Chùa Giác Lâm hiện tọa lạc tại đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình vốn xưa kia nằm ở vùng hoang hóa, đất cao, cây cối um tùm, nhiều cổ thụ.

 

Đến thăm tổ đình Giác Lâm, chúng ta sẽ gặp rất nhiều điều lạ. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào chùa là giữa cây cỏ thiên nhiên hiện lên khu mộ tháp cổ ở bên trái chùa. Các tháp có hình vuông, lục giác biểu tượng cho triết lý nhà Phật với tinh thần “tứ vô lượng tâm” và “lục đồ”, trang trí bằng những chữ hoặc hoa văn được chạm khắc sắc nét. Ẩn trong khuôn viên chùa còn có cây bồ đề cao lớn tươi tốt do Đại đức Narada đưa từ Sri Lanka sang trồng vào giữa năm 1953 nhân dịp ngài sang Việt Nam trao tặng xá lợi Phật.

 

Đặc biệt, bên trong chùa Giác Lâm có tới 98 cây cột to sừng sững, với 86 câu đối được khắc nổi chìm dính liền thân cột, chữ nào cũng được thếp vàng trong khuôn viên chạm trổ công phu tinh tế. Đáng chú ý có câu đối treo ở gian thờ Tổ là của danh sĩ Trịnh Hoài Đức và câu đối của Mộc Ân đệ tử phụng cúng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Bên cạnh đó là 9 bao lam, 19 hoành phi, một bàn thờ cổ và đồ thờ cổ quý giá. Ngự trong chùa còn có 113 pho tượng cổ chư phật, trong đó có 7 tượng đồng, còn lại phần lớn chạm khắc từ gỗ mít nài. Nổi bật hơn cả là tòa Cửu Long diễn tả một cách sinh động sự tích Phật đản.

 

Tổ đình Giác Lâm là một trong những ngôi chùa đầu tiên tôi đến dâng hương, tham quan khi từ miền Trung mới vào TP Hồ Chí Minh học hành, sinh sống. Rồi như một “tiền định”, khi trở thành công dân thành phố thì tôi lại được định cư gần ngôi tổ đình Nam Bộ, nên hay đến đây vãn cảnh, thắp hương. Có lẽ Giác Lâm là một trong những ngôi chùa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, một phần nhờ bề dày lịch sử và vẻ hoành tráng trang nghiêm, một phần nhờ các nhà sư ở đây nối tiếp nhau hết lòng giữ gìn, tôn tạo một công trình lịch sử - văn hóa lâu đời, một chốn thiêng liêng cho đời sống tinh thần của tín đồ cùng quý khách thập phương.

 

 PHAN HOÀNG PHAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vang tiếng gà gáy ở Xóm Cát
Thứ Tư, 01/02/2017 15:00 CH
Phiên chợ cuối năm của mẹ
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Con về tết cũng về theo
Thứ Tư, 01/02/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek