Chủ Nhật, 13/10/2024 11:21 SA
Con gà trong văn hóa dân gian Việt
Thứ Hai, 23/01/2017 13:00 CH

Hình ảnh con gà đã đi vào ca dao, tục ngữ, thành ngữ và những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam. Và cùng với ngôn ngữ nói và viết thì hình ảnh con gà còn trở thành nguồn cảm hứng cho ngôn ngữ tạo hình dân gian với nhiều sắc thái khác nhau…

 

“Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”

 

Hạnh phúc - tranh của họa sĩ Ngọc Quế (nằm trong bộ sưu tập của PH)

 

Con gà là một trong những vật nuôi gắn bó mật thiết với tuổi thơ những người sinh ra ở đồng quê. Âm thanh thân thương của tiếng heo kêu, chó sủa, gà gáy và cục ta cục tác không bao giờ phai mờ trong ký ức. Chẳng những là nguồn thực phẩm quan trọng, con chó con gà còn trở thành những thành viên gần gũi và có “trách nhiệm” đối với người nông dân Việt Nam. Nếu như chức năng của con chó là canh giữ nhà thì tiếng gáy của con gà trống như đồng hồ báo thức: “Chó giữ nhà, gà gáy trống canh”.

 

Và cũng giống như con chó lang thang rong chơi tìm mồi, đàn gà dù ban ngày đi kiếm ăn ở đâu thì chiều tối cũng tìm về chuồng để ngủ: “Chó quen nhà, gà quen chuồng”. Tôi nhớ có những lúc trong vườn mình xuất hiện con gà trống dài cựa của hàng xóm hùng hổ chạy theo ve vãn đàn gà mái, bị mấy chú gà trống nhỏ con hơn của nhà tôi vây rượt đá tơi bời, cha tôi ngồi uống trà khà khà cười: “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Bởi những chú gà trống nhỏ con kia nếu sang vườn nhà người khác thì đố mà dám “đấu” với con gà dài cựa to lớn!

 

Đôi khi những người hàng xóm xảy ra vụ mâu thuẫn vì ganh ghét cạnh khóe móc máy nhau chuyện làm ăn buôn bán hoặc thu hoạch vụ mùa cao sản hơn, cha tôi cũng hay nói đó là do “gà tức nhau tiếng gáy”! Mà đúng vậy, những con gà cồ, tức gà trống gặp nhau, con nào nghểnh cổ gáy trước thì lập tức bị con khác lườm và thường chuẩn bị tư thế “chơi” ngay. Sau mỗi trận chiến, con gà thắng cuộc bao giờ cũng nghểnh cổ gáy vang. Những người háo thắng khi hơn người khác chút ít chuyện gì đó cũng hay “gáy” quá đáng, dễ gây nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí dẫn tới ẩu đả lẫn nhau không đáng có.

 

Những người lớn tuổi trong gia đình tôi đều mê truyện Nôm và ca dao, tục ngữ, hay dùng ngôn ngữ dân gian liên quan tới con gà cũng như những vật nuôi khác để dạy bảo con cháu.

 

 Không ít lần tôi và thằng em trai bị mẹ bắt đánh đòn vì tranh giành đồ chơi hay thức ăn mà xảy ra đánh lộn. Sau mỗi trận đòn bằng roi tre đau điếng, khi hai anh em đứng dậy vòng tay xin lỗi mẹ, bao giờ mẹ cũng nói:

 

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”

 

Rồi những lần cha mẹ có việc đi xa, chiều về thấy anh em chúng tôi cùng bọn trẻ hàng xóm tự do bày đồ chơi luộm thuộm khắp trong nhà ngoài ngõ, áo quần xộc xệch dơ bẩn, mẹ tức giận la mắng: “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” hoặc “Vắng chủ nhà, gà bươi bếp”. Nghe đến đó là chúng tôi xanh mặt, cùng nhau nhanh chóng thu gọn đồ chơi, quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Ăn cơm tối xong, anh em chúng tôi ngồi vào bàn học, thi thoảng mẹ kiểm tra vở bài, thấy chữ viết ngoằn ngoèo ẩu và xấu, mẹ lại bực mình hỏi sao “viết như gà bươi”. Bởi con gà khi tìm mồi thường bươi bới bừa bãi, đụng đâu bươi đấy, xới tung cả những đống phân làm hôi thối vườn nhà.

 

Bà ngoại tôi là người mù chữ nhưng thuộc làu truyện Lục Vân Tiên, Phạm Công - Cúc Hoa và nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Bà hay ví von những chuyện bất thường xảy ra trong đời sống bằng những câu sắc gọn của dân gian, nhất là mượn hình ảnh con gà để ám chỉ chuyện đời. Chẳng hạn khi nghe trong xóm có người đàn bà trẻ bỏ nhà đi theo trai, bà ngoại tức giận chửi đồ thứ “mèo mả gà đồng”. Gà đồng là những con gà bỏ nhà bỏ chuồng ra ngoài đồng sống hoang ngủ bờ ngủ bụi, giống như những con mèo hoang chui núp sống trên những gò mả. Thương tình những đứa trẻ mồ côi như “gà con mất mẹ”, bà ngoại cũng xót xa cho người đàn ông bất hạnh phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”!

 

Tôi nhớ có lần bọn trẻ nhỏ chúng tôi đang chơi ô gần chợ thì thấy có người đàn bà vác đòn gánh đe dọa mắng chửi chồng. Người chồng hiền lành ngồi cam chịu bên thúng rau củ từ nhà mang ra chợ bán. Vừa lúc ấy bà ngoại tôi bước tới và tằng hắng nói rằng sao có chuyện ngược đời “gà mái đá gà cồ”. Có lẽ nể nang người cao tuổi, người đàn bà điêu ngoa kia im thin thít rồi bỏ đi một lèo. Một lần khác có người đàn ông trộm lúa nhà đem bán mua rượu mời bạn bè uống, men bốc lên cao hứng khoe “chiến tích” trộm nhiều lần của mình mà vợ con chẳng hay biết, bà ngoại ngồi gần đó bực mình bảo… “gà đẻ gà cục tác”, rồi bà đứng lên bỏ đi trước sự dại dột của người đàn ông tự “tố” mình!

 

Gia đình tôi thường có khách phương xa. Bà ngoại rất hiếu khách. Vì vậy, khi hay tin có khách đến thăm, bao giờ bà cũng bảo mẹ tôi phải giữ khách lại ăn bữa cơm với gia đình, rồi dặn: “Khách đến nhà, chẳng gà thì vịt”. Nhà tôi gần chợ, nhiều lúc có thể đãi khách bằng những loại thực phẩm khác như thịt heo, thịt bò, nhưng câu nói trên đã thành cửa miệng của bà ngoại tỏ lòng hiếu khách. Bà cũng là người có kinh nghiệm trong việc chọn gà để nuôi hay làm thức ăn. Nhiều thành ngữ về con gà liên quan tới ẩm thực mà bây giờ tôi còn nhớ là nhờ bà ngoại thường nói lúc sinh thời: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”; “Chó già, gà non”; “Vịt già, gà tơ”; “Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm”; “Nhất phao câu, nhì đầu cánh”… và đặc biệt có những câu dù sớm thuộc lòng nhưng mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu hết, như: “Gạo tám xoan, cu ra ràng, gái mãn tang, gan gà giò”. Gạo tám xoan ăn rất thơm rất ngon nhưng bây giờ hầu như hiếm thấy, còn “cu ra ràng” tức con bồ câu ra ràng nuôi ở lồng nhà vào khoảng dưới 15 ngày tuổi đem nấu cháo ăn bổ ngọt kinh khủng. Rồi trước những cuộc hôn nhân chênh lệch nhiều về tuổi tác, bà ngoại cũng cười mà rằng: “Gà tơ xào với mướp già/ Vợ hai mươi tuổi, chồng đà sáu mươi”. Dân gian thông minh, hóm hỉnh và thú vị.

 

Không chỉ bà ngoại tôi mà còn nhiều người nông dân khác ở hầu khắp các làng quê có kinh nghiệm sống, sự so sánh ví von đầy thú vị như vậy. Thậm chí hình ảnh con gà còn được người nông dân mượn để nói một cách khéo léo và tinh tế về đời sống sinh hoạt tình dục, để từ đó những tràng cười bật lên xua đi những mệt mỏi sau một ngày làm lụng vất vả trên ruộng đồng. Ở quê tôi, nhằm chọc ghẹo một chàng trai mới lấy vợ, những người nông dân đêm đêm bên ấm trà hay hỏi “Gà đá tốt không mày?”, rồi dựng thành câu ca: “Đêm khuya gà gáy canh ba/ Vợ chồng anh Bốn xách gà ra chơi/ Gà anh mạnh cổ gáy to/ Gà chị thất thế, gà anh xụi cần/ Đá một chặp ướt hết lông…”.

 

Ngoài ca dao, tục ngữ, thành ngữ thì hình ảnh con gà còn đi vào những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam. Và cùng với ngôn ngữ nói và viết thì hình ảnh con gà còn trở thành nguồn cảm hứng cho ngôn ngữ tạo hình dân gian với nhiều sắc thái khác nhau mà tranh Đông Hồ là tiêu biểu. Tất nhiên, không chỉ văn hóa dân gian mà trong văn hóa bác học hình ảnh con gà cũng được thể hiện phong phú đa dạng.

 

Tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh con gà, gia đình tôi có nhiều người tuổi Dậu, trong nhà tôi lại có bức tranh “Hạnh phúc” của họa sĩ Ngọc Quế thể hiện sống động hình ảnh đôi vợ chồng nhà gà với 3 con gà con đang đưa nhau du xuân. Ngọc Quế là họa sĩ từng có cuộc triển lãm tranh ở Liên Hợp Quốc, ông vẽ nhiều tranh phong cảnh thiên nhiên, vạn vật. Bước vào năm Đinh Dậu 2017, tôi thấy có nhiều họa sĩ vẽ tranh về gà rất đẹp với nhiều hình ảnh phong phú khác nhau. Tuy nhiên, khi ngắm nhìn lại bức tranh “Hạnh phúc” thì với tôi đó vẫn là bức tranh độc đáo nhất, hạnh phúc nhất, ấm áp nhất trong ngôi nhà của mình. Nhìn các chú gà con “ríu rít” bên nhau trong tranh, tôi ước mong những đứa con của mình lớn lên phải biết thương yêu nhau, thương yêu mọi người như những lời dạy mà bà tôi, cha tôi, mẹ tôi từng dạy tôi từ kinh nghiệm dân gian cao quý ngàn đời!

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek