Chủ Nhật, 13/10/2024 11:22 SA
Chung tình chợ nón Gò Găng
Thứ Năm, 26/01/2017 14:00 CH

Có dịp đi nhiều nơi, nhưng làng nghề làm nên chiếc nón Gò Găng luôn có một sức cuốn hút kỳ lạ đối với tôi. Mỗi lần về làng nón, gặp gỡ những người làm nón, tôi không chỉ có thêm một tác phẩm truyền hình, mà còn nghe được những câu chuyện thú vị về làng nghề.

 

Gò Găng có nón chung tình

Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi...

 

Nón Gò Găng - Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT

 

Gò Găng là nơi bán nón lâu đời, nay thuộc khu phố Tiên Hội, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Còn nơi làm ra chiếc nón Gò Găng lại thuộc thôn Phú Thành, phường Nhơn Thành (TX An Nhơn) và nhiều làng ở xã Cát Tân, Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng nón Phú Gia.

 

Chuyện kể rằng, năm 1963 có một đoàn chuyên gia từ Hoa Kỳ đến Phú Gia để tìm hiểu nghề truyền thống của Việt Nam. Họ tập trung khoảng 100 thợ giỏi ra chợ Phú Gia trình diễn để các chuyên gia quay phim, chụp hình, học nghề. Nhưng mấy tháng sau, họ quay lại với một xe GMC chở đầy nón nhựa dập bằng máy để tặng dân làng. Các chuyên gia đến từ một đất nước tân kỳ đã chào thua những người thợ thủ công Bình Định bởi kỹ thuật làm nón Gò Găng họ không sao hiểu nổi.

 

Nghề làm nón Gò Găng đã nổi tiếng từ rất lâu, đặc biệt, một phiên chợ nón chỉ họp từ lúc qua nửa đêm đến rạng sáng có lẽ chỉ có ở chợ nón Gò Găng, một phiên chợ độc nhất vô nhị trên thế giới.

 

Người làm nón vất vả sớm hôm, người mua bán nguyên vật liệu làm nón cũng thức khuya dậy sớm. Để làm nên chiếc nón Gò Găng, người làm nghề phải khai thác giang, thồ lồ và lá nón từ vùng Tây Sơn thượng đạo, thuộc miền núi Bình Định và Gia Lai.

 

Phiên chợ nguyên liệu cũng chỉ họp từ quá nửa đêm đến rạng sáng, nhưng luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng lữ khách. Cũng những chiếc đèn dầu tù mù, cũng những gương mặt mua, bán đã quen, không mấy khi mặc cả. Bán xong mấy chục nón, người làm nón lại mua nguyên liệu về để vài hôm sau, cả nhà lại có thêm vài chục chiếc nón mới góp cho chợ nón Gò Găng.

 

Vẻ đẹp lung linh phản phất miền cổ tích là những gam màu thật đẹp để đồng nghiệp tôi thu vào ống kính máy quay. Một phiên chợ chỉ họp từ lúc gà cất tiếng gáy đầu tiên nên có người còn gọi đây là chợ Gà gáy. Có người hỏi rằng: sao chợ không họp ban ngày để dễ bán mua? Vì sao không thắp điện để chọn nón cho dễ mà dùng đèn dầu? Thưa rằng: người bán nón cũng chính là những nông dân còn phải ra đồng từ sáng sớm, nên phải tranh thủ bán mua khi trời chưa sáng. Việc chọn đèn dầu vì nó đơn giản và đã trở thành một thói quen. Chính điều này mới làm nên nét độc đáo của chợ nón Gò Găng, chẳng giống bất kỳ một phiên chợ nào khác.

 

Thiếu nữ với nón Gò Găng - Ảnh: THANH HƯNG

 

Trong cái lạnh giá của đêm cuối tháng Chạp, trong ánh sáng tù mù của đèn dầu là cuộc hội ngộ của kẻ bán, người mua, là nơi tôn vinh vẻ đẹp tảo tần, tận tụy của người phụ nữ làng nón. Đây là nguồn cảm hứng dạt dào chất thơ trong mắt tôi nhưng nếu một ngày, người làm nón Gò Găng không còn ra chợ bán với cây đèn dầu, thì có lẽ những hình ảnh này sẽ chỉ còn trong những thước phim lưu trữ.

 

Nón Gò Găng đã được bán đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, theo chân nhiều đoàn khách du lịch quốc tế đến các nước châu Á, sang tận trời Tây, trở thành quà tặng cho nhiều nguyên thủ quốc gia, xuất hiện trong những khách sạn sang trọng trong và ngoài nước. Có thời điểm, nón Gò Găng xuất sang Hoa Kỳ…

 

Nếu như chiếc nón ngựa đã từng đồng hành cùng nghĩa quân Tây Sơn oai hùng, dũng mãnh xông trận và bách chiến bách thắng trong lịch sử dân tộc, thì chiếc nón Gò Găng đã đi vào cuộc sống đời thường cùng vẻ đẹp dịu dàng, thanh thoát của người phụ nữ Việt Nam. Nón Gò Găng xuất hiện ở ruộng đồng, làng quê, trên sông nước bao la tận miền Tây Nam Bộ, rồi đi vào nhà máy, công xưởng, ở đâu nón cũng đẹp, ở đâu nón cũng duyên…

 

Cưới nàng đôi nón Gò Găng

Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn

 

Các cụ cao niên ở làng nón kể rằng: Ngày xưa, đám cưới con nhà giàu ở làng quê Bình Định, thường rước dâu bằng kiệu cưới, chú rể đội nón ngựa. Nhà nghèo cũng ráng sắm đôi nón ngựa cho chú rể, cô dâu trong ngày cưới. Chiếc nón còn là món quà cưới đầy ý nghĩa của mẹ dành cho con gái ngày lên xe hoa vu quy về nhà chồng.

 

Cùng với chiếc nón chóp, chiếc nón ngựa mới làm nên tên tuổi của nón Gò Găng. Xưa, nón ngựa chỉ dành cho giới quan lại, gia đình khá giả, cưỡi ngựa, đội nón bịt bạc, trang trí long lân quy phụng, hoặc những lời chúc: phước như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn… Bao mong muốn tốt đẹp đều gói gắm trong chiếc nón như chứa đựng cả một nét văn hóa của vùng đất này.

 

Chàng đi đường dẫu gặp khó khăn;

Đừng quên ghé lại Gò Găng quê mình;

Vào đây em tặng nón chung tình;

Hình chàng bóng thiếp in hình đôi ta...

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lũy đá cổ giữa biển xanh
Thứ Tư, 01/02/2017 14:00 CH
Tết Phố nỗi nhớ quê
Thứ Ba, 31/01/2017 10:00 SA
Những con đường hoa từ phố đến làng
Thứ Ba, 31/01/2017 07:00 SA
Phố trong tôi
Thứ Hai, 30/01/2017 10:00 SA
Ngày xuân nói chuyện áo dài
Chủ Nhật, 29/01/2017 13:00 CH
Hương vị Tết nơi đồng làng
Thứ Năm, 26/01/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek