Thứ Bảy, 18/01/2025 08:52 SA
Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung trong ký ức đồng nghiệp
Thứ Tư, 22/06/2016 14:17 CH

Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung là người gắn bó với Phú Yên từ thời niên thiếu và cũng từ mảnh đất này ông bước vào cuộc trường chinh cùng dân tộc. Tuổi cao, bệnh tật, ông vừa từ giã cõi đời ở tuổi 87 vào ngày 11/6/2016 tại TP Hồ Chí Minh, để lại trong lòng những bạn văn từng gắn bó với ông nỗi tiếc thương và nhiều kỷ niệm xúc động…

 

Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung là tác giả tập truyện ngắn Bức thư làng Mực và tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012. Ông cũng là vị tướng luôn bám trụ chiến trường, sâu sát trận địa, tham gia chỉ huy hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trong hai cuộc kháng chiến.

 

Khác với Huỳnh Văn Nghệ hay Bùi Cát Vũ là những chiến tướng viết văn, Nguyễn Chí Trung cùng với Văn Phác, Hồ Phương, Dũng Hà là những nhà văn được thăng quân hàm cấp tướng. Tuy nhiên, giống như thiếu tướng Văn Phác nhiều năm gắn bó với chiến trường Nam Bộ, dù là một người cầm bút và làm công tác quản lý văn nghệ quân đội nhưng thiếu tướng Nguyễn Chí Trung cũng từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Trung, Tây Nguyên và Campuchia, tỏ ra là người có phẩm chất và bản lĩnh chỉ huy trận mạc.

 

Theo nhà thơ quân đội Thanh Quế, một người gần gũi với nhà văn Nguyễn Chí Trung ở Quân khu 5: “Anh thường hay đi với bộ đội, cầm súng đánh nhau thực sự trong các chiến dịch. Nhà thơ Thân Như Thơ có lần kể với tôi rằng: Trong trận Ba Gia năm 1965, khi đồng chí chỉ huy một mũi tấn công ngã xuống, Nguyễn Chí Trung lúc đó là phóng viên báo Quân Giải phóng Khu 5 đã đứng ra chỉ huy bộ đội tiếp tục đánh. Tôi lại được nghe rằng, trong trận Thượng Đức năm 1974, vào hồi căng thẳng quá, địch phản ứng quyết liệt, bộ đội không phát triển được, Nguyễn Chí Trung đã bò đến tiểu đoàn đầu cầu. Anh nghiên cứu trận địa và phát hiện ra rằng: Sở dĩ địch khống chế ta vì có hai lỗ châu mai ở trước đồn địch rất kiên cố. Rồng lửa ta không thể tiêu diệt được chúng. Anh bàn với đồng chí tiểu đoàn trưởng cho hai chiến sĩ bò lên, thảy lựu đạn vào lỗ châu mai. Khi họng súng của địch bị tắt, bộ đội ào lên…”.

 

Nhà thơ Thanh Quế còn cho biết vào một đêm tháng 9/1970, ông được cử xuống họp với cán bộ xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vùng giải phóng. Đang họp trong ngôi nhà hầm, ông nghe có tiếng người bên ngoài xôn xao liền chạy ra, nghe một bà cụ nói rằng thấy một tên đi lơ ngơ kiếm cái gì đó trên cánh đồng, bà nghi là gián điệp nên giơ đòn gánh lên đòi đánh và bắt về đây. Thanh Quế nhận ra đó là Nguyễn Chí Trung. Hỏi chuyện mới biết ông tướng tương lai hôm ấy cùng bộ đội đi đánh đồn Ba Tơ, nhưng địch bất ngờ tăng quân mạnh ngoài dự kiến của quân ta, nên cấp trên ra lệnh dừng trận đánh. Nguyễn Chí Trung trên đường rút quân đã tranh thủ quanh quẩn tìm mộ những đồng đội hy sinh trong trận Ba Gia để thắp hương. Trời tối, đường về căn cứ còn xa, ông không biết đêm ấy nghỉ ở đâu thì gặp bà cụ giơ đòn gánh dọa, bắt đưa về xã…

 

Đầu thập niên 1980, khi đang là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nhà văn Nguyễn Chí Trung được cử sang chiến trường Campuchia làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu từng là lính tình nguyện ở nước bạn cho biết, nhà văn Nguyễn Chí Trung có “số mạng to”, ít nhất hai lần ông bị rơi máy bay trực thăng và nhiều lần trên xe tăng bị địch bắn dữ dội nhưng chỉ bị trọng thương. Còn nhà văn Nguyễn Bảo, người gắn bó với nhà văn Nguyễn Chí Trung từ Quân khu 5 đến Campuchia, nhớ lại một kỷ niệm khó quên: “Trận đánh ở Biển Hồ anh chủ động đi giải nguy cho đồng đội. Anh bị thương nặng, mặt trận điều trực thăng đến cứu nhưng máy bay chưa tới nơi đã lao xuống Biển Hồ. Hôm đó, Tiểu đoàn Tây Đô triển khai truy quét địch trên Biển Hồ. Tình huống không lường đã xảy ra: Tiểu đoàn đụng căn cứ Trung đoàn 530, bị lọt vào vòng vây của địch. Hải quân của bạn và Mặt trận 890 tổ chức giải nguy. Nguyễn Chí Trung xin được dùng một xuồng chỉ huy vào trận. Trong đà đánh đuổi địch, xuồng Nguyễn Chí Trung lâm nạn. Địch bủa vây vòng trong vòng ngoài. Cậu cảnh vệ bị thương, trước lúc nhắm mắt còn nói: Thủ trưởng ơi! Dừng lại đi. Địch đông lắm! Lúc này không thể dừng, không thể rút. Đánh thẳng vào sở chỉ huy kia, hoặc hy sinh hoặc thay đổi tình thế. Nguyễn Chí Trung nghĩ thế và lệnh cho lái xuồng tăng tốc. Anh lên mũi xuồng, nắm lấy khẩu đại liên quét đạn tới tấp vào bọn địch phía trước. Bỗng cánh tay lẫy cò nảy lên, nhức nhói… Trận đánh kết thúc, ta thắng lớn. Trung đoàn địch bị phản công, chạy tán loạn. Nguyễn Chí Trung nói: “Kết quả lớn nhất là ta có bài học kinh nghiệm đánh địch trên nước. Không phải đánh mùa khô mà đánh ngay vào mùa mưa”. Được hỏi về chiếc máy bay trực thăng đến cứu, Nguyễn Chí Trung nói: “Kẻ phản bội bao giờ cũng rất nham hiểm. Trong trường hợp éo le, khẩn cấp như thế, hắn (lái phụ) buộc lái chính hạ độ cao và ra khỏi buồng lái. Hắn xô một bác sĩ và một y sĩ khỏi máy bay. Nhưng hắn đã nhầm, lái chính khóa máy, đâm thẳng xuống Biển Hồ. Hắn bị bắt, còn lái chính đã được cứu sống”. Nhắc đến những chuyện này anh nhăn mặt, nhăn mũi. Anh ghét và tởm lợm vô cùng những kẻ phản bội”.

 

Những câu chuyện thú vị như vậy về nhà văn cầm súng Nguyễn Chí Trung khá nhiều. Ngay cả năm sinh và nơi sinh của ông cũng có những khác biệt. Ông tên thật Thái Nguyên Chung, khai sinh giấy tờ là năm 1934 (có tư liệu là 1930) ở chợ Ba Xã, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nhưng ông hay bảo mình sinh năm 1929. Và trong những lần trò chuyện với chúng tôi hoặc nhà thơ Thanh Quế - một người gốc Phú Yên ở Đà Nẵng, nhà văn Nguyễn Chí Trung nói ông sinh tại Đồng Bò nằm trên cánh đồng Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên. Đây là nơi có nhà máy đường được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nằm bên hữu ngạn hạ nguồn sông Ba, mà đời ông và đời cha của Nguyễn Chí Trung từng sống và làm việc cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Nhà văn Nguyễn Chí Trung (bên trái) tặng sách cho bạn đọc - Ảnh: P.ĐƯƠNG 

 

Cũng từ Phú Yên, Nguyễn Chí Trung bắt đầu nhập ngũ năm 1946, làm liên lạc, cán bộ tuyên truyền bộ đội địa phương chống Pháp tái xâm lược. Ông là đồng đội và là trợ lý cho nhà thơ Trần Mai Ninh thời làm tờ báo đầu tiên của Tỉnh ủy Phú Yên. Sau đó, ông làm biên tập viên Báo Xung Phong của Ủy ban Kháng chiến miền Nam, Thư ký tòa soạn Báo Vệ Quốc Quân của Liên khu 5 thời chín năm chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, ông làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng Trung Trung Bộ, Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông làm Trưởng trại Sáng tác Quân khu 5 ở Đà Nẵng, ra Bắc làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, rồi sang Campuchia làm Phó Chủ nhiệm chính trị Cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam. Trước khi nghỉ hưu ông là trợ lý Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu.

 

So với cuộc đời hết sức phong phú và sôi động của mình, Nguyễn Chí Trung sáng tác rất ít. Thời gian chủ yếu của ông dành cho chiến đấu, chắp bút cho các nghị quyết hoặc diễn văn của lãnh đạo cấp cao, quản lý văn nghệ, hỗ trợ tài năng văn học trẻ. Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã được xuất bản: Đà Nẵng (bút ký 1950), Bức thư làng Mực (tập truyện ngắn 1969), Hương cau (tập truyện ngắn 1975), Khi dòng sông ra đến cửa (tập truyện ngắn 1981), Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết 2007), Đối thoại trong đêm (tiểu thuyết 2011). Trong đó, riêng tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út được trao Giải thưởng Bộ Quốc phòng (2004-2009), Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN) năm 2011, trước khi cùng với tập truyện ngắn Bức thư làng Mực mang về cho ông Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.

 

Những năm cuối đời, nhà văn Nguyễn Chí Trung dành tâm huyết biên soạn bộ sách dày 3.000 trang Văn nghệ sĩ Khu 5: Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo. Sau ngày đất nước thống nhất, bằng uy tín của mình, ông đã vận động thành lập Trại Sáng tác văn học Quân khu 5 đóng tại Đà Nẵng, do ông trực tiếp làm trại trưởng, nhà văn Phan Tứ làm trại phó. Đây là trại sáng tác duy nhất của cả nước bấy giờ, tồn tại trong 5 năm, quy tụ nhiều cây bút trẻ của quân đội lẫn dân sự ở miền Trung mà về sau đều thành danh, trở thành lực lượng quan trọng trong đời sống văn học cả nước như: Thu Bồn, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Ngân Vịnh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng… Vì vậy, hơn ai hết, nhà văn Nguyễn Chí Trung là người am hiểu và có thẩm quyền nhất biên soạn bộ sách đồ sộ trên về văn nghệ sĩ Khu 5. “Những lo lắng, thậm chí hy sinh của Nguyễn Chí Trung cho một lớp nhà văn trưởng thành từ chiến tranh để có những tác phẩm xứng đáng là những gì lịch sử văn học đương đại Việt Nam sẽ còn phải ghi lại. Không ai tận tụy như Nguyễn Chí Trung khi tổ chức cho các nhà văn sáng tác, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến thế nào. Có rất nhiều nhà văn tài năng, nhưng có một nhà văn chuyên lo cho tài năng của các nhà văn khác, thì trường hợp Nguyễn Chí Trung phải nói là độc nhất”, nhà thơ Thanh Thảo từ đáy lòng đã xúc động thốt lên như vậy về người thủ trưởng cũ của mình.

 

PHAN PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek