Thứ Hai, 14/10/2024 17:17 CH
Ấn tượng hát tuồng lễ hội cầu ngư
Thứ Ba, 21/06/2016 14:00 CH

Cảnh hát tuồng Ông tại lễ hội cầu ngư thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa - Ảnh: T.DIỆU

Cầu ngư vốn được xem là lễ hội tiêu biểu của người miền biển. Hát tuồng hay còn gọi là hát án, hát lăng là loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong các nghi lễ cúng tế tại lễ hội cầu ngư.

 

ĐẶC SẮC HÁT TUỒNG THỨ LỄ

 

Hiện nay, Phú Yên có các lễ hội cầu ngư tiêu biểu như: Lễ hội cầu ngư xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu), lễ hội cầu ngư thôn Tiêu Châu, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), lễ hội cầu ngư lạch Bình Lợi, phường 4 (TP Tuy Hòa), lễ hội cầu ngư phường 6 (TP Tuy Hòa)… Theo khảo sát của Sở VH-TT-DL, ở các lễ hội cầu ngư tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, hầu hết các vở tuồng hát thứ lễ của người dân miền biển Phú Yên đều có nhân vật Quan Công. Một số trích đoạn tuồng thường được hát trong Lễ Khai tiên là: “Trương cổ thành”, “Phục Huê dung lộ”, “Đào viên kết nghĩa”, “Tam chiến Lữ Bố”…

 

Sau khi thực hiện xong nghi thức chánh tế, phần tiếp theo không thể thiếu trong lễ hội cầu ngư là hát tuồng thứ lễ hay còn gọi là hát cúng lăng, cúng thần do các đoàn hát mà địa phương tin tưởng mời biểu diễn. Hát thứ lễ là một loại hát dâng cúng thần linh, tác động trực tiếp đến công việc làm ăn sinh sống của dân vạn chài, nên tuồng hát thường được chọn trước. Tuồng chọn lọc được hát tại các nghi thức là Lễ Khai tiên và Lễ Tôn vương. Mang nặng tính chất tâm linh, nguyện cầu may mắn của ngư dân, những vở tuồng này thường được chọn lọc với nội dung chuyển tải thông điệp chính nghĩa thắng gian tà.

 

Ông Phí Trớt, người có hơn 30 năm hát lăng ở khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho biết: “Các lễ hội cầu ngư tại các thôn Phú Thọ 1, Phú Thọ 3, phần lễ bao giờ cũng phải hát vở tuồng “Quan Công phò nhị tẩu”. Đó là điều bất di bất dịch. Hầu hết các cụ cao niên ở đây đều thuộc nằm lòng vở tuồng này”. Theo ông Phí Trớt, trích đoạn tuồng “Quan Công phò nhị tẩu” kể câu chuyện về Quan Công (Quan Vân Trường) - một danh tướng phò Lưu Bị nổi tiếng trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc. Vở diễn có gần chục nhân vật tham gia, trong đó có 4 nhân vật chính là Quan Công, Lưu Bị, 2 người vợ của Lưu Bị và vài kép đóng vai lính tráng. Kép chính Quan Công bao giờ cũng được hóa trang mặt đỏ, râu đen, đội mũ hồng mao, trang phục màu đỏ, tay nắm hồng đao. Lưu Bị được hóa trang mặt trắng, râu đen, sắc phục vàng tượng trưng cho bậc vua chúa. Hai người vợ Lưu Bị ăn mặc đẹp, áo dài lộng lẫy. Trích đoạn tuồng thuật lại trường đoạn Quan Công phò hai người vợ của Lưu Bị đi tìm chồng. Trong lúc giặc dã bủa vây đầy nguy hiểm, Quan Công qua 5 ải chém 6 tướng bảo vệ nhị tẩu an toàn quay về gặp Lưu Bị. Nghĩa khí của Quan Công và tiết hạnh của hai người vợ Lưu Bị được đề cao trong trích đoạn tuồng. Quan Công có nghĩa khí, lòng dũng cảm, đức độ đã trở thành hình mẫu điển hình mang thông điệp chính nghĩa thắng gian tà được nhân dân tôn sùng và thờ cúng. Lối ca ra bộ các làn điệu tẩu, nam, khách khi hùng tráng lúc sâu lắng đã mê hoặc người xem tự bao đời.

 

Bà Trương Thị Hằng, hội viên Câu lạc bộ Tuồng huyện Tuy An, người có hơn 40 năm gắn bó với các làn điệu cổ truyền, chia sẻ: “Xưa sao nay vậy, tôi đi hát lăng dọc các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đều thấy các địa phương hát cúng lăng phải là tuồng Ông. Ông ở đây chính là Quan Công. Khi hát cúng Ông (Nam Hải) thì phải hát tuồng Ông (Quan Công). Dân gian nhân hóa và thần hóa cá voi đồng nhất với một vị nhân thần hiển thánh có sức mạnh vô biên là Quan Công. Vì vậy, lễ hội cầu ngư thường hát tuồng Ông trong nghi thức thứ lễ”.

 

Dân gian có câu: “Nhất thứ lễ nhì tôn vương”, Lễ Tôn vương là nghi thức cuối cùng của nghi thức tế lễ, gánh hát biểu diễn một màn ngắn gọn các vai như: vua, quan đối đáp; rồng, cọp theo chầu. Các diễn viên hát dăm ba câu ca ngợi thái bình thịnh trị trong tiếng nhạc rộn ràng, vui vẻ, đến khi người cầm chầu xổ một hồi trống chầu báo hiệu xong phần Lễ Tôn vương.

 

PHÁT HUY NGHỆ THUẬT TUỒNG

 

Sau phần lễ là phần hội. Phần hội không thể thiếu hát tuồng. Các đêm hát tuồng bao giờ cũng thu hút đông đảo người xem đến tận khuya. Vào lễ hội cầu ngư ở các làng biển, các cụ ông, cụ bà nghe tin làng biển hát lăng là háo hức về xem. Cụ Hồ Văn Ngó, thầy lễ Đội hò bá trạo khu phố Phú Thọ 1, chia sẻ: “Nhiều cụ thuộc vanh vách tuồng tích cổ, nhận xét rành rẽ lắm. Các vở tuồng như: “Bao Công xử án Quách Hòe”, “San Hậu”, “Nguyệt cô hóa cáo”…, nhiều người bình phẩm đúng ngay tính cách của nhân vật”. Bà Trịnh Thị Hồng, diễn viên không chuyên dân ca cổ nhạc phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), nói: “Khi tiếng trống tuồng cất lên ở các lễ hội cầu ngư trên địa bàn TX Sông Cầu, ai ai cũng hướng về nơi đám hát. Ba bốn đêm hát liên tiếp nhưng không lúc nào thưa vắng khán giả. Khán giả không chỉ ở thôn, xã mà còn từ nơi khác đến, mải mê theo tiếng trống tuồng”.

 

Ông Lê Thế Vịnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT-DL, cho biết: Lễ hội cầu ngư là dịp để hình thức nghệ thuật truyền thống như tuồng có đất diễn, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của người làng biển Phú Yên. Ngành VH-TT-DL tỉnh đang chú trọng nâng cao vai trò của lễ hội miền biển trong phát triển du lịch. Để lễ hội cầu ngư thêm đa dạng, phong phú, ngành Văn hóa tăng cường các hoạt động thể thao và văn hóa nghệ thuật cổ truyền, mà trọng tâm là phát triển nghệ thuật hát tuồng. Thời gian tới, ngành Văn hóa chú trọng đầu tư đào tạo hạt nhân của bộ môn nghệ thuật hát tuồng phục vụ trong các dịp lễ hội.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek