Mối quan hệ giữa ông bà và cháu là một mối quan hệ gần gũi, đầy yêu mến, kính trọng. Trong mối quan hệ đó cũng chứa mâu thuẫn do khoảng cách tuổi tác và từ những ứng xử mang lại.
Thực tế cho thấy, đôi khi tình yêu của ông bà đối với cháu lại đặt cha mẹ của trẻ vào hoàn cảnh khó xử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong khi cha mẹ cố gắng nghiêm khắc với con thì ông bà lại ra sức nuông chiều, thậm chí can thiệp vào mọi việc từ lớn đến nhỏ. Mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cháu giữa ông bà và cha mẹ có thể khiến trẻ hư.
Bất cứ khi nào có thể, ông bà hãy cho các cháu có quyền lựa chọn. Ông bà có thể nói: “Cháu uống sữa socola hay sữa vani?”, “Cháu muốn ăn táo hay cam sau khi ăn cơm xong?”... Nếu ông bà cho cháu lựa chọn, các cháu sẽ biết đưa ra quyết định và cảm thấy mình có quyền lựa chọn. Các cháu sẽ tự hào về bản thân và giảm các tật xấu.
Nếu cháu cư xử khiến ông bà khó chịu, ông bà có thể trách, mắng hoặc thay đổi hành vi của cháu trực tiếp. Ông bà có thể gợi ý mở nhiều hướng để cháu lựa chọn. Trẻ cảm thấy được tôn trọng sẽ thay đổi và không khăng khăng làm theo ý mình.
Khi ông bà cần cháu hỗ trợ thì có thể nhờ cháu giúp. Ví dụ, khi cháu đổ sữa ra nền nhà, ông bà có thể khuyến khích các cháu giúp mình dọn dẹp bằng cách nói: “Chúng ta đang gặp rắc rối. Ai sẽ giúp ông bà nào?”. Trong trường hợp này, trẻ sẽ hứng thú cùng tham gia giải quyết hậu quả do mình gây ra mà không cảm thấy ngại ngần.
Nếu các cháu mè nheo, đòi hỏi quá mức, ông bà không nên chiều theo ý cháu. Nếu ông bà không cương quyết, cháu sẽ tiếp tục đòi hỏi. Khi cháu cư xử không phù hợp, ông bà không nên bỏ qua mà cần hướng dẫn cháu làm sao cho đúng. Trường hợp cháu làm sai, ông bà không nên nói: “Cháu làm việc đó thật là xấu hổ”. Bởi cháu sẽ cảm thấy mình là người không tốt, không có giá trị. Trẻ sẽ tin rằng mình thật đáng xấu hổ và sẽ hành động như những gì trẻ tin. Điều đó sẽ làm các cháu thiếu tự tin vào cuộc sống.
Thực tế có nhiều chuyện giữa ông cháu mà ông bà không muốn cho cha mẹ các cháu biết, từ đó vô tình hướng các cháu cư xử không đúng. Ví dụ, ông bà không muốn cha mẹ các cháu biết mình mua quà cho cháu nên thường nói: “Ông bà mua kẹo cho cháu, cháu đừng kể với ba mẹ nhé”... Như vậy, ông bà đã vô tình đã dạy cháu nói dối.
Khi các cháu chơi với nhau, nhiều ông bà đưa ra so sánh và cho rằng cháu gái không nên nghịch ngợm như cháu trai, cháu gái thì phải thùy mị, nết na... Vô hình chung, ông bà đã hạn chế sự khám phá những điều mới mẻ thế giới xung quanh của các trẻ em gái và cũng làm giảm tính chủ động sáng tạo của trẻ.
Thiết nghĩ, những điều trên nhắc chúng ta rằng, nếu yêu thương không đúng cách cũng gây nên hậu quả.
ĐỨC THÀNH