Thứ Ba, 08/10/2024 12:28 CH
Hồ Chí Minh và thơ chữ Hán
Chủ Nhật, 22/05/2016 13:00 CH

Thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần vô cùng quý giá để lại cho dân tộc Việt Nam. Phần lớn những bài thơ chữ Hán của Bác được viết tại Trung Hoa, nơi Người đã sống và hoạt động nhiều năm trong cuộc đời cách mạng của mình.

 

Bìa tập “Ngục trung nhật ký” - Ảnh: thethaovanhoa

Những bài thơ sáng tác đầu tiên đến tác phẩm Nhật ký trong tù và những bài thơ chữ Hán sau này, đã làm cho tên tuổi Hồ Chí Minh không chỉ nổi tiếng là một anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ lớn... Người được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phong tặng Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Danh nhân văn hóa thế giới.

 

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, khoa bảng nên trình độ Hán học của Người uyên thâm. Sinh thời, Người đã làm 173 bài thơ bằng chữ Hán, trong đó tác phẩm Nhật ký trong tù với 133 bài nổi tiếng và 40 bài thơ chữ Hán khác. Các bài thơ trong tác phẩm Nhật ký trong tù được viết từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Thời gian này, Hồ Chí Minh bị nhà đương cục Quốc dân Đảng giam giữ ở các nhà tù thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong các nhà tù này, Hồ Chí Minh đã làm 133 bài thơ bằng chữ Hán, những bài thơ này được chép vào một cuốn sổ nhật ký bìa màu vàng nhạt. Tờ bìa của cuốn sổ này có ghi bốn chữ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù), còn vẽ hai tay bị xiềng xích. Bản gốc tập thơ chữ Hán này được giao bảo quản tại Viện Văn học Việt Nam.

 

Sau ngày thành lập vào năm 1959, viện này bắt tay hoàn thành công việc đầu tiên là chỉnh lý và biên dịch tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Tác phẩm này được phát hành năm 1960, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật 70 năm của Hồ Chủ tịch. Tiếp đó, Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Ngoại văn đã xuất bản tập thơ Nhật ký trong tù. Tập thơ xuất bản năm ấy chỉ chọn 100 bài của Hồ Chí Minh, đều lấy tên sách là Nhật ký trong tù. Bản của Nhà xuất bản Văn học là bản song ngữ Hán - Việt, bản này có dịch âm Hán - Việt, dịch nghĩa, dịch thành thơ và có chú thích chi tiết, còn bản của Nhà xuất bản Ngoại văn là bản chữ Hán. Cùng năm đó bên Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn học nhân dân Trung Hoa cũng xuất bản tác phẩm của Hồ Chí Minh với tên “Ngục trung nhật ký thi” sao theo đúng “Nhật ký trong tù” của Việt Nam đã chỉnh lý và xuất bản. Sau đợt chỉnh lý năm 1960, Nhật ký trong tù vẫn được Viện Văn học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, biên dịch chỉnh lý bổ sung thêm một số bài thơ chưa được công bố trong tập Nhật ký trong tù, đến cuối năm 1977. Tháng 5/1983 tác phẩm này được xuất bản mới, lần này tăng thêm 13 bài, tổng cộng là 113 bài thơ trong tác phẩm, so với bản công bố năm 1960. Ngày 19/5/1990, kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Văn học Việt Nam lại tiến hành bổ sung, chỉnh lý và biên dịch các bài thơ trong Nhật ký trong tù, trên cơ sở lần xuất bản năm 1983, bổ sung thêm 20 bài cuối cùng chưa từng công bố. Cuốn Nhật ký trong tù mới nhất do Nhà xuất bản Văn học Việt Nam xuất bản tháng 5/1990 đã in đủ 133 bài. Thơ của Hồ Chí Minh đã được xuất bản đầy đủ nhất từ trước tới nay mà chúng ta được biết.

 

Ngoài tác phẩm Nhật ký trong tù có 133 bài thơ, Hồ Chí Minh còn viết 40 bài thơ chữ Hán khác. Những bài thơ này chủ yếu được viết trong những năm 1940-1960. Và các bài thơ này được đưa vào tập sách lấy tên Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Tháng 5/1995, Nhà xuất bản Văn học đã xuất bản cuốn Hồ Chí Minh - Tuyển tập văn học, tập 3. Quyển này đã tập hợp toàn bộ thơ tiếng Việt và thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh. Toàn bộ công trình sưu tầm biên soạn, chỉnh lý và giải thích có công hàng đầu của các vị giáo sư, nhà thơ, học giả: Nguyễn Huệ Chi, Nam Trân, Phan Văn Các...

 

Thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh có giá trị rất lớn về mặt nghệ thuật, ngôn từ và tư tưởng. Văn hóa Việt Nam và Trung Hoa có quan hệ nguồn gốc sâu xa và quá trình lịch sử. Từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã được tiếp thu nền văn hóa Trung Hoa, nên rất am hiểu thơ văn cổ điển Trung Hoa cho nên đã vận dụng khả năng này một cách sáng tạo. Hồ Chí Minh có sở trường về làm thơ chữ Hán theo thể Cổ thi và Đường luật. Trong 173 bài mà chúng ta có được hôm nay, ta thấy phần lớn là thơ thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, 7 chữ), một số bài thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ), ngũ ngôn tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 5 chữ) và các thể thơ khác. Người đã vận dụng những kỹ xảo văn từ một cách điêu luyện, niêm luật chặt chẽ và vận dụng khéo léo nhiều điển tích, điển cố, thành ngữ để làm nên những bài thơ có ý nghĩa sâu xa, giản dị. Phần lớn diễn tả nỗi lòng tinh thâm màu yên bác, lòng can đảm, khí phách, trí tuệ và đặc biệt là tinh thần lạc quan cách mạng của một nhà cách mạng vô sản; niềm tin kiên định, coi thường mọi gian nan trắc trở, thể hiện tình cảm mãnh liệt yêu Tổ quốc, nhân dân và hòa bình. Cùng với tinh thần ấy làthế giới quan và phương pháp luận khoa học của người cách mạng lạc quan và có tầm nhìn sâu rộng...

 

Bài viết này xin giới thiệu bài thơ chữ Hán ngoài Nhật ký trong tù cótên: Thượng sơn (Lên núi)(*), bài thơ này được làm ở Lũng Dẻ năm 1942 như sau:

 

Lục nguyệt nhị thập tứ,

Thượng đáo thử sơn lai

Cử đầu hồng nhật cận,

Đối ngạn nhất chi mai.

 

Dịch nghĩa:

Ngày hai mươi bốn tháng sáu,

Lên đến núi này.

Ngẩng đầu thấy mặt trời đỏ gần lại,

Bờ bên kia có một nhành mai.

 

Dịch thơ:

Hai mươi tư tháng sáu,

Lên ngọn núi này chơi.

Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,

Bên suối một nhành mai.

 

(Tố Hữu dịch thơ)

 

Những bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đãđược hàng trăm học giả trong nước và quốc tế nghiên cứu, được tái bản nhiều lần vàđược dịch ra gần 20 thứ tiếng trên thế giới. Đặc biệt, các nhà thư pháp Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều thể hiện bút pháp của mình qua những bài thơ chữ Hán này.

 

-----------

(*) Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Âm lịch), Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng giải phóng dân tộc. Lúc này, cơ quan lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đóng ở Pắc Pó. Giữa năm 1942, cơ quan phải dời vào Lũng Dẻ, tỉnh Cao Bằng. Ngày 24/6, khi Hồ Chí Minh đứng trên đỉnh núi, nhìn thấy mặt trời đỏ rực và hoa mai nở bên bờ suối, Người tức cảnh ngâm bài thơ này.

 

Họa sĩ CHẤN HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek