Thứ Năm, 10/10/2024 01:19 SA
Vẫn còn giọt nắng bên thềm
Thứ Năm, 24/03/2016 14:00 CH

Sáng nay thức dậy, hoa tím vẫn rơi đầy sân, nắng vẫn ươm vàng trên những lối đi báo hiệu mùa hè sắp trở lại. Nhưng có một người đã vĩnh biệt mùa hè.

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng lúc sinh thời và một trong những câu nói kinh điển - Ảnh: P.V

Sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc sống. Con người - dù thành công, nổi tiếng hay chưa từng được ai biết đến thì cuối cùng, cũng trở về cát bụi. Với nhạc sĩ Thanh Tùng, sự ra đi này nhẹ nhõm cho chính ông. Ra đi nhưng để lại rất nhiều. Đó là niềm tiếc thương và những ca khúc mà mỗi khi hát lên, ta lại thấy cuộc đời thật trong, tình yêu thật trong, ngay cả nỗi buồn cũng thật trong.

 

Tôi “gặp” nhạc sĩ Thanh Tùng lần đầu tiên khi nghe ca sĩ Ngọc Thúy ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng hát “Chuyện tình của biển”. Khi đó, tôi chưa biết rằng nhạc sĩ Thanh Tùng chào đời ở phố biển Nha Trang, chỉ cảm nhận tình khúc của ông như những con sóng vỗ về bờ cát. “Ngày xưa, biển không có cát như bây giờ/ Ngày xưa, biển không có sóng vỗ bờ.../ Và gió, gió hát thật êm/ Và mây, mây trôi thật hiền/ Biển ngây thơ, và biển không như bây giờ...”. “Chuyện tình” này hoàn toàn khác biệt với “chuyện tình” trong các ca khúc hải ngoại đang tràn ngập lúc ấy. Tôi thấy mến nhạc sĩ Thanh Tùng từ đó. Nhưng phải đến khi nghe “nữ hoàng nhạc nhẹ” Thanh Lam hát “Giọt nắng bên thềm”, “Vĩnh biệt mùa hè”, “Em và tôi”, “Lối cũ ta về”..., tôi mới thực sự yêu âm nhạc của ông. “… Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi/ Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi/ Một sớm mai kia chợt thấy hư vô trong đời/ Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi/ Chỉ là... thế thôi/ Khi thấy buồn anh cứ đến chơi/ Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi/ Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi/ Bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người/ Để rồi lãng quên…”. Làm sao không rung động khi nghe những lời ca như thế!

 

Đối với người sáng tác, cả đời như con tằm rút ruột nhả tơ, có một, hai tác phẩm được công chúng yêu thích và nhớ, đã là niềm hạnh phúc. Nhạc sĩ Thanh Tùng hạnh phúc nhiều hơn thế, khi có đến hàng chục nhạc phẩm đọng lại rất lâu trong trái tim người nghe và được yêu thích cho đến bây giờ. Vào thập niên 1990, khi nhạc nhẹ trong nước lên ngôi, các ca khúc mang sắc màu rất riêng của nhạc sĩ Thanh Tùng gắn liền với những ngôi sao ca nhạc được nhiều người mến mộ. Ngoài diva Thanh Lam với “Vĩnh biệt mùa hè”, “Giọt nắng bên thềm”, “Hoa tím ngoài sân”, ca sĩ Hồng Nhung cũng để lại dấu ấn với các nhạc phẩm của Thanh Tùng: “Hát với chú ve con”, “Giọt sương trên mi mắt”, “Một mình”, còn hai ca sĩ Mỹ Linh và Bằng Kiều lần đầu tiên tỏa sáng khi song ca bài “Trái tim không ngủ yên” trên sân khấu chương trình SV96.

 

Bạn bè đồng nghiệp nhận xét rằng nhạc sĩ Thanh Tùng không chỉ tài hoa mà còn phóng khoáng, đa tình. Bóng hồng thấp thoáng trong các nhạc phẩm của ông, và chính những rung động của tâm hồn lãng du, của trái tim nồng nàn đó đã tạo cảm xúc cho dòng nhạc tuôn chảy. Nhạc sĩ Thanh Tùng từng tâm sự với bạn bè, rằng: “Con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi!”.

 

Trên con đường “đầy ắp tình yêu” đó có một tình yêu đặc biệt dành cho người bạn đời. “Em và tôi” là ca khúc được nhạc sĩ Thanh Tùng viết tặng vợ. Người phụ nữ xinh đẹp ấy đã qua đời sau gần 20 năm gắn bó với ông. Giữ lời hứa với vợ, người đàn ông tài hoa và đào hoa Thanh Tùng không đi bước nữa, một

mình nuôi các con trưởng thành. Ông đã trải niềm nhớ thương và nỗi cô đơn vào ca khúc “Một mình”, mỗi khi cất lên lại khiến bao trái tim khắc khoải:

 

“… Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai

Gió sương mòn cả hai vai

Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ

Nghiêng nghiêng bóng em gầy

Vắng em còn lại tôi với tôi

Lá khô mùa này lại rơi

Thương em mênh mông chân trời lạ

Bơ vơ chốn xa xôi…”

 

Tiễn biệt nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Tùng Dương nói: “Thanh Tùng đã tạo nên trường phái âm nhạc riêng, ở đó có lãng mạn, mộng mị, có khát vọng hoài bão, có ngông nghênh của tuổi trẻ. Với tôi, âm nhạc của Thanh Tùng đã chạm đến mỹ cảm của người nghệ sĩ”. Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng từng thổ lộ: “Tôi muốn tìm trong công viên âm nhạc và tình yêu của Trịnh Công Sơn một chỗ nào đó để có thể trồng một bụi cỏ nhỏ mang tên Thanh Tùng. Một bụi cỏ nhỏ mà thôi”.

 

“Bụi cỏ nhỏ” ấy đã đơm hoa đẹp đẽ trái tim. Thế nên dù nhạc sĩ Thanh Tùng đã ra đi, thì tác phẩm của ông vẫn còn ở lại. Đó là những ca khúc mà mỗi khi hát lên, ta lại thấy cuộc đời thật trong, tình yêu thật trong, ngay cả nỗi buồn cũng thật trong.

 

Sáng nay thức dậy, hoa tím vẫn rơi đầy sân, nắng vẫn ươm vàng trên những lối đi báo hiệu mùa hè sắp trở lại. Nhưng có một người đã vĩnh biệt mùa hè!

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 1971. Trở về nước, nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ huy dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến năm 1975. Sau khi gắn bó với vùng đất phương Nam, ông có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và chỉ huy hợp xướng, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen.

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời vào ngày 15/3 vừa qua, sau 8 năm chống chọi với bệnh tật kể từ khi bị tai biến; lễ viếng và truy điệu diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội) vào sáng 22/3. 

 

YÊN LAN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek