Chủ Nhật, 12/01/2025 11:21 SA
Lễ hội đền Đồng Nhân tưởng nhớ Hai Bà Trưng
Thứ Năm, 10/03/2016 14:00 CH

Sau 3 năm kiên cường chống quân xâm lược phương Bắc (40-43), cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nhưng đã để lại cho dân tộc tấm gương trung trinh của hai vị nữ anh hùng, làm rạng ngời ý chí và bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam. Lễ hội đền Đồng Nhân là một trong những lễ hội tưởng nhớ hai liệt nữ anh hùng.

 

Một góc đền Đồng Nhân - Nguồn: Internet

 

Đã thành thông lệ, hàng năm, từ mùng 3-6 tháng 2 âm lịch, người dân Thủ đô lại nô nức hướng về lễ hội đền Đồng Nhân để tưởng nhớ tới công lao dẹp giặc cứu nước của Hai Bà Trưng.

 

Hai Bà Trưng quê ở Mê Linh (nay thuộc huyện Mê Linh, TP Hà Nội); chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Vào những năm 40-43 sau Công nguyên, khi nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, thái thú nhà Đông Hán là Tô Định đã giết hại Thi Sách - chồng bà Trưng Trắc. Hận giặc đàn áp nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa và được dân chúng ở các nơi cùng hưởng ứng đánh đuổi quân Đông Hán. Sau khi lấy được 65 huyện thành (toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó), Trưng Trắc xưng làm vua. Năm 42, nhà Đông Hán sai tướng là Mã Viện mang quân sang chiếm lại nước Việt. Lực lượng của hai bà yếu thế hơn và phải rút về Cấm Khê (nay thuộc huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) cầm cự gần 1 năm. Khi không chống đỡ nổi, hai bà chạy về địa phận đền Hát Môn bây giờ (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) và gieo mình xuống sông Hát tự vẫn vào ngày 6 tháng 2 âm lịch.

 

Tương truyền rằng sau khi chết, hai bà hóa thành hai pho tượng đá trôi trên sông Hồng về bãi Đồng Nhân (Thanh Trì, Hà Nội) và ban đêm thường phát sáng rực rỡ. Năm 1142, dưới triều vua Lý Anh Tông, sau khi vua biết chuyện về pho tượng phát sáng đã truyền lệnh cho dân làng Đồng Nhân lấy vải đỏ rước tượng hai bà về và lập đền thờ ngay tại bãi Đồng Nhân ven sông. Từ đó trở đi, cứ đến ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ hai bà. Về sau, do bãi sông bị lở dần, đền có nguy cơ bị đổ nên dân làng dời đền về khu Võ Sở (thời Lê dùng làm nơi luyện và thi võ) ở thôn Hương Viên (nay thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Dân làng Đồng Nhân ở ngoài bãi cũng di chuyển theo đền về nơi mới để thờ cúng hai bà.

 

Đền Đồng Nhân cách đường Nguyễn Công Trứ chừng 500m, có kiến trúc theo lối xưa, trước cửa đền có cây đa lớn, cành lá sum suê tỏa bóng. Cùng với đền Hát Môn ở Hà Tây và đền Hạ Lôi ở Vĩnh Phúc, đền Đồng Nhân là một trong ba ngôi đền nổi tiếng thờ Hai Bà Trưng.

 

Lễ hội đền Đồng Nhân kéo dài trong 4 ngày, từ mùng 3-6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội bắt đầu bằng lễ mở cửa đền vào ngày mùng 3. Sáng mùng 4, dân chúng bắt đầu tế (là lễ nhập tịch).

 

Theo thông lệ, vào sáng sớm mùng 5 tháng 2 âm lịch, dân làng tổ chức lễ rước nước - một trong những nghi lễ chính của lễ hội. Đoàn rước mang kiệu ra tận sông Hồng, nơi tượng của hai bà nổi trước kia, đưa ba thuyền ra giữa dòng lấy nước đưa về đền. Số nước được lấy về sẽ được lắng, lọc sạch sau đó đun sôi cùng trầm hương. Làng sẽ chọn hai người đàn bà góa chồng tiết hạnh để thực hiện nghi lễ tắm tượng vào đêm hôm đó. Số nước còn lại sẽ được sử dụng trong nghi lễ của cả năm.

 

Cùng với lễ tắm tượng là lễ lục cúng với đủ 6 loại hiện vật: hương, đèn, hoa, oản, trà và quả. Ngoài ra, bà con ở địa phương còn mang lễ vật là các loại hoa trái và bánh chưng, bánh dày đến dâng lễ tại đền. Phần lễ có nhiều tiết mục đặc sắc, nhất là điệu múa đèn.

 

Tốp múa đèn gồm từ 10-12 cô gái độ tuổi thanh xuân đẹp đẽ và tầm vóc như nhau, được tập luyện chu đáo. Các thiếu nữ mặc áo dài đen, quần hồng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn lụa màu. Mỗi người cầm trên hai tay hai cây đèn làm bằng đài gỗ, dán giấy màu xung quanh và thắp nến cháy sáng ở giữa.

 

Tốp múa này sắp thành hàng trước hương án và múa uyển chuyển, lúc lên lúc xuống, lúc đan xen, lúc tách hàng theo tiếng trống cơm nhịp nhàng của hai cô gái đánh bồng (do nam giới cải trang). Ngày mùng 6 rã hội có lễ dâng hương và đóng cửa đền.

 

Lễ hội đền Đồng Nhân là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân Thủ đô, giúp con cháu đời sau luôn biết hướng về cội nguồn, không quên ơn các vị anh hùng dân tộc đã có công chống giặc giữ nước. Tại quê hương của Hai Bà Trưng, nhân dân tổ chức lễ tưởng niệm vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch ở đền Hạ Lôi.

 

V.PHƯƠNG (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek