Thứ Ba, 15/10/2024 19:20 CH
Lai rai phương ngữ
Thứ Hai, 08/02/2016 06:00 SA

Phương ngữ miền Trung đậm đà, phong phú, cả về biệt ngữ (những từ chỉ có một vùng đất sử dụng) và các biến thể ngữ âm khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân. Các nhà văn, nhà thơ triệt để khai thác phương ngữ để tạo cảm xúc thẩm mỹ cho tác phẩm của mình bởi văn học là nghệ thuật ngôn từ. Miền Trung dài dằng dặc nên phương ngữ cũng có nhiều tiểu vùng.

 

Bắc miền Trung, giọng Khu 4 tạo ấn tượng khó phai với những đọi (chén), trốc (đầu), nác (nước), cươi (sân), bữa diếp (ngày hôm kia)…, những mô, tê, răng, rứa, nớ, ni, ri, tề. Nghe tiếng Việt miềng (mình) mà cứ ngỡ tiếng Tây: “Cặp cái dôn đập chắc côi cươi” (hai vợ chồng nó đánh nhau trên sân), “lộ chao cẳng mô ri eng” (chỗ rửa chân chỗ nào anh).

 

Năm 1972, học trò xứ Quảng Tụ Vịnh (Nguyễn Sư Giao) làm cô gái Huế bỏ đi không đành vì… phương ngữ:

 

Vì răng nỡ lỗi hẹn hò

Bởi do bên nớ dặn dò bên ni

Nên chừ mòn mỏi như ri

Hỏi cay đắng để làm chi rứa tề

… Tim lòng ray rứt băn khoăn

Mà mô có biết vì răng rứa rè?

 

Điều thú vị là tiếng Việt (ngôn ngữ toàn dân) được bổ sung khá phong phú bằng phương ngữ - biến thể địa phương của ngôn ngữ toàn dân được hình thành trong quá trình lịch sử. Các nhà Việt ngữ học hàng đầu của đất nước cơ bản thống nhất chia tiếng Việt thành 3 vùng phương ngữ lớn tương đương với ba miền: Bắc, Trung, Nam; hoặc dựa vào thanh điệu để nhận ra phương ngữ giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam.

Nam Ngãi là tiểu vùng phương ngữ đặc sắc bởi hàng loạt các biến thể ngữ âm giọng Quảng. Nhà báo Hàng Chức Nguyên, dân Quảng thứ thiệt, về thăm quê, hỏi đứa cháu: “Ba má mi mô”. Cháu trả lời “rơ lô”. Phải lúng túng một chặp, Hàng tiên sinh mới nghe kịp “rơ lô” là “ra lao”, nghĩa là ba má cháu ra Cù Lao Chàm. Một chuyện vui khác, bà Việt kiều người Huế đang trò chuyện với Tây ba lô trên tàu lửa, quay sang hỏi anh thanh niên bên cạnh “ga mô ri eng” (ga này là ga nào anh), anh thanh niên người Quảng lúng túng trả lời “dợ (dạ), con không biết tiếng Phốp (Pháp)”.

 

Tiểu vùng Bình - Phú (Bình Định - Phú Yên) hay bị chọc quê là “dân xứ Nẫu” bởi phương ngữ khá đậm đà. Trên báo Pháp Luật xuân năm 2010, Ba Đà Rằng đã có lý giải sương sương về từ “nẫu”. Quanh chữ “nẫu” có thể viết được cuốn sách. “Nẫu” được dùng cho cả ba ngôi. “Nẫu nói dẫy (vậy) mà nẫu nghe phủng (lọt tai) không” (anh nói vậy em nghe được không). Một lần đến Phú Yên đắm mình trong cơn mưa xuân sụt sùi dai nhách, vợ chồng nhà báo Nam Đồng cười ngất khi được “giải mã” câu xin phép về trước của một em gái xinh tươi: Thâu, xửng rầu, nẫu dìa (thôi, tạnh rồi, em về).

 

Mùa hát án, hát lăng (lễ hội cầu ngư vùng biển), các ngư dân nghệ sĩ diễn trích đoạn tuồng Nguyễn Huệ bao vây Nguyễn Nhạc ở thành Hoàng Đế. Nghệ sĩ làng chài đóng vai Nguyễn Nhạc cất giọng bi ai “Hợ (Huệ) em! Bàu đợ (bào đệ)! Nầu (nồi) da xáo thịt em sao nỡ”, nghệ sĩ đóng vai Nguyễn Huệ đáp lời thảm thiết: “Hòn quynh (Hoàng huynh) nói dẫy (vậy), thâu (thôi) nẫu (em) dìa (về).

 

Bà nội của Ba Đà Rằng sống ngót trăm tuổi, trước khi về với ông bà thường hay dạy dỗ con cháu: “Làm diệc (việc) phải đàng quàng (hoàng), chớ nẫu lâu (lôi) đầu lên Trà Kơ (Kê)”. Ngục Trà Kê ở nơi sơn cùng thủy tận miền núi Phú Yên thời Pháp thuộc, bài học luân lý giản đơn đậm chất phương ngữ quê nhà của người bà kính yêu theo mãi Ba Đà Rằng này là: “Làm việc phải đàng hoàng để không bị lôi đầu vô tù”.

 

Ba Đà Rằng có ông em rất thích khoai củ, hôm nào làm việc khuya là được nghe điệp khúc “Thâu (thôi) phia rầu (khuya rồi), nấu nầu phai (khoai) ăn cho nó phẻ phẩu (khỏe phổi)”. Trời tối, mò mẫm lấy khoai, đá thúng đụng nia va quệt tứ tung, chú em nhăn mặt: “Trời tấu (tối), cái đầu gấu (gối) đụng cái cấu (cối), sưng to bằng trái ẩu (ổi)”.

 

Tết rồi, thằng cháu tha phương về quê ăn tết khoe tíu tít một thôi chuyện đoạn trường mua vé tàu: “Tưởng ở lại trỏng (trong ấy). Đang ngầu (ngồi) thù lù buồn thúi ruột ở ga Sài Gòn, tự nhiên có thằng cha xởi lởi: Ai người Phú Yên, tôi nhường vé. Cháu xưng danh Phú Yên. Ổng xòe ra cái hộp diêm và cái bật lửa rip-bô, hỏi cháu: Chú em ở Phú Yên gọi hai thứ này là gì? Cháu trả lời: Cái này là thùng quẹt (hộp diêm), cái này là bớp đèn (bật lửa). Ổng cười rất tươi, nhận đồng hương, nhường cho chiếc vé và khen cháu là dân Phú Yên chánh hiệu... con nai vàng”.

 

Thế đấy, phương ngữ còn là hồn cốt của một vùng đất.

 

 

 

BA ÐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
Người lưu dấu ca cổ
Thứ Năm, 11/02/2016 14:00 CH
Về nơi thờ tự vị Thống soái đất Phú
Thứ Tư, 10/02/2016 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek