Liên hoan Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2015 vừa được tổ chức tại Nhà văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa). Trên sân khấu, diễn viên thỏa sức thể hiện niềm đam mê hát bài chòi. Khán giả mộ điệu thì được thưởng thức trọn vẹn những tiết mục thi diễn đặc sắc.
SỐNG CÙNG LÀN ĐIỆU TRUYỀN THỐNG
Hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên đến từ đoàn nghệ thuật quần chúng các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham gia Liên hoan Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2015 với hơn 20 tiết mục bài chòi đặc sắc. Nhiều đoàn mang đến liên hoan lực lượng diễn viên hùng hậu, có cả diễn viên trẻ lẫn diễn viên gạo cội với những tiết mục bài chòi cổ lẫn hiện đại. Điều này cho thấy sân khấu của liên hoan bài chòi thực sự trở thành sân chơi hứng thú cho những người mộ điệu nghệ thuật bài chòi truyền thống ở mọi lứa tuổi, tầng lớp.
Ông Huỳnh Trọng Thống, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phú Hòa, cho biết: “Nhiều diễn viên tham gia liên hoan là nông dân, học sinh. Họ chỉ là những người thích hát bài chòi và tham gia sinh hoạt văn nghệ nhóm nhỏ ở các địa phương chứ nghề nghiệp không liên quan đến âm nhạc. Đây là một thành công vì liên hoan này thật sự dành cho người mê hát bài chòi đến từ các địa phương”.
Nguyễn Thành Đạt (12 tuổi, đoàn huyện Đông Hòa) được ban tổ chức trao giải thưởng phụ Diễn viên bài chòi nhỏ tuổi nhất nhằm khích lệ, động viên em tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với sân khấu bài chòi. Đạt chia sẻ: “Từ nhỏ em đã thường xuyên được nghe hát dân ca, bài chòi từ các nhóm sinh hoạt ở quê. Nghe người lớn hát bài chòi, em hát theo, rồi thuộc. Hiện em theo học lớp dân ca bài chòi trong trường học. Dự liên hoan, em đóng vai Tấn Lực trong tiểu phẩm ca cảnh bài chòi Viếng mộ Cúc Hoa”.
Nhiều diễn viên lần đầu hát trên sân khấu lớn nên đã dồn hết tâm huyết hát các làn điệu: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò quảng đầy cảm xúc, trữ tình và tha thiết, khiến khán giả không khỏi xuýt xoa. Nhưng cũng lắm khi, khán giả phàn nàn vì những diễn viên này hát một vài từ địa phương không tròn vành, rõ chữ…
Ông Nguyễn Ngọc Thừa, nguyên Trưởng đoàn Văn công không chuyên Giải phóng Phú Yên, ngồi ở hàng ghế khán giả chăm chú theo dõi những tiết mục trong suốt thời gian diễn ra liên hoan. Có thâm niên trong nghề hát, trình diễn bài chòi, ông Thừa cho biết: “Thấy nhiều bạn trẻ tuổi tham gia liên hoan say mê hát bài chòi trên sân khấu, tôi rất vui vì loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn còn hấp dẫn, thu hút mọi người. Tuy nhiên, một số diễn viên chưa hiểu cách hát các làn điệu cơ bản, cách lấy hơi, ngắt nhịp cho hợp lý một bản bài chòi. Những lỗi này sẽ mau chóng được khắc phục nếu các bạn thật sự yêu thích và theo đuổi niềm đam mê hát bài chòi”.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN
Khán giả đã lặng đi khi xem trích đoạn Thoại Khanh cõng mẹ tìm chồng trong bài chòi cổ Thoại Khanh Châu Tuấn. Thoại Khanh phải lóc thịt cánh tay của mình để mẹ chồng ăn cho đỡ đói. Trích đoạn của các diễn viên đến từ đoàn TX Sông Cầu đã khiến khóe mắt khán giả cay xè vì xúc động. Giọng hát nồng nàn, khỏe khoắn của diễn viên Trịnh Thị Hồng trong vai Thoại Khanh để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Cũng bởi thế mà chị được ban tổ chức trao giải Diễn viên hát bài chòi hay nhất. Chị Hồng chia sẻ: “Cốt truyện Thoại Khanh Châu Tuấn đã rất hay vì thế mình phải hát làm sao cho thật có hồn, thật cảm xúc. Những làn điệu của nghệ thuật bài chòi đã làm thăng hoa thêm cốt truyện. Tôi rất vui và xúc động vì nhiều khán giả vỗ tay khen hay”.
Bên cạnh các trích đoạn bài chòi cổ, nhiều đội thi dàn dựng những tiết mục hát bài chòi mô phỏng lại hội đánh bài chòi một cách sinh động và hấp dẫn trên sân khấu. Gió xuân phảng phất cành tre/ Xin mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi/ Bà con cô bác lắng lặng mà nghe/ Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây... Ngay từ câu thai đầu tiên, anh hiệu đã hồ hởi hát giới thiệu không gian sinh hoạt của bài chòi là ngày xuân. Đến với liên hoan, khán giả như sống lại hội bài chòi vào ngày xuân, ngày tết, những ngày hội hè của người Việt.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Phú Hòa, cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi vì đoàn Phú Hòa đạt giải A toàn đoàn tại liên hoan. Giải thưởng không chỉ khích lệ mà còn phản ánh công sức luyện tập của anh chị em trong đoàn. Bài chòi luôn được khuyến khích hát trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở Phú Hòa. Chúng tôi đang có đề án sưu tầm, khôi phục bài chòi cổ; phát hiện, bồi dưỡng tài năng dân ca, bài chòi”.
Với giai điệu êm tai, lời ca chứa đựng triết lý cuộc sống, bài chòi tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên sân khấu và trong sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân đất Phú.
Chương trình Liên hoan Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2015 quy tụ dàn diễn viên nhiều lứa tuổi khác nhau. Một số gương mặt đã quen thuộc với sân khấu văn nghệ quần chúng nhưng cũng có nhiều gương mặt mới, trẻ, có giọng hát hay tham gia. Chương trình được các đoàn nghệ thuật quần chúng dàn dựng công phu, đan xen giữa các bài bản cổ và hiện đại tránh nhàm chán và lôi cuốn khán giả. Đây là dịp tôn vinh nghệ thuật Bài chòi Phú Yên - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời tuyên truyền, quảng bá nét đẹp của bài chòi truyền thống đến với mọi người dân.
Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, thành viên ban giám khảo liên hoanDIỆU ANH |