Tập tính cố hữu của loài mèo là ăn sạch nhau sau khi sinh con. Bởi vậy, xưa nay hiếm ai có thể lấy được nhau mèo. Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Phúc lại có duyên với loài mèo khi nhờ nhau của nó chị đã cứu sống con và nuôi cả gia đình.
Bà Nguyễn Thị Phúc với lọ nhau mèo ngâm rượu - Ảnh: TUYẾT HƯƠNG |
CƠ DUYÊN
Tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Phúc ở thôn Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa, là một ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo trên sườn núi. Trong sân nhà có hơn chục chú mèo nhiều màu sắc khác nhau đang đùa giỡn với một người đàn bà đã đứng tuổi. Có con ngồi lọt thỏm trong vòng tay, con thì đu trên vai, mấy chú mèo khác cứ cù vào chân của bà chủ ra vẻ thân tình lắm. Người đàn bà hết ôm con này đến vuốt ve con khác, trò chuyện với chúng như với những đứa trẻ, xưng mình là mẹ, gọi lũ mèo bằng con.
Chị Phúc kể lại cơ duyên gắn bó chị với lũ mèo. Ngày trước hai vợ chồng đều xuất thân từ gia đình lao động nghèo, sinh được 7 người con thì thằng nhỏ bệnh đau ốm yếu liên miên. Số tiền ít ỏi tích cóp được từ nghề đốt củi hầm than không đủ chi phí cho cuộc sống hằng ngày thì lấy đâu ra để chữa bệnh cho con. Vậy nên, mãi đến năm 6 tuổi mà con chị chỉ nhỏ bằng đứa trẻ lên 3, không đứng lên được, chỉ ngồi và lết đi quanh sân. Trong một lần đi bán than, chị được một người mách cho bài thuốc gia truyền từ nhau mèo. Thương con, chị Phúc đi vay một chỉ vàng tìm mua một cái nhau mèo, mang về ngâm với mật ong, đem chôn giữa đường, nơi có nhiều người qua lại, đúng 3 tháng mới mang về cho con uống. Không ngờ chỉ hơn tháng sau con chị đã khỏe mạnh trở lại, ăn uống bình thường, mập mạp hẳn ra. Thấy hiệu quả, chị mới tìm đến ngôi chùa gần nhà, xin một chú mèo con mang về nuôi, với hi vọng lấy được nhau để chữa bệnh cho con. Đó là vào năm 1993.
Chị Phúc nhớ lại: “Ngày mới mang chú mèo con về nhà, tôi thương nó như con của mình. Những lúc rảnh rỗi, tôi bế nó trên tay vuốt ve âu yếm và thầm thì: khi nào con sinh nở, nhớ cho mẹ cái nhau để chữa bệnh cho em nhé. Và cũng lạ thay, khi chú mèo lớn lên, bao nhiêu lần sinh con cũng đều để lại nhau cho tôi. Nhờ có số nhau đó mà chỉ một năm sau đứa con út của tôi đã đi được như bao đứa trẻ khác”. Vậy là chị quyết định nuôi thật nhiều mèo với một ý nghĩ đơn giản là có được nhau để phòng khi con mình đau ốm. Nhưng ngờ đâu đó cũng là một bước ngoặc làm thay đổi cuộc đời chị và cả gia đình.
THOÁT NGHÈO NHỜ NHAU MÈO
Gia đình nghèo khổ, con đông nheo nhóc, cuộc sống thiếu thốn trăm bề khiến chồng chị sinh nản lòng. Anh đã một mình bỏ đi để lại bao nhiêu gánh nặng đè lên đôi vai gầy yếu của chị. Nhớ lại quãng thời gian đó nước mắt chị Phúc lưng tròng: “Mỗi ngày vác rựa lên rừng tôi chỉ mong kiếm đủ tiền để mua gạo thổi cơm cho mấy đứa nhỏ là đã vất vả lắm rồi nói gì đến việc cho các con đến trường”. Trong cơn túng quẫn, lối thoát duy nhất đã đến với chị khi nhờ nhau mèo gia đình người đàn bà này đã thoát nghèo. Những chú mèo nhà chị Phúc mỗi lần sinh nở luôn để nhau lại cho chị. Qua một thời gian ngắn, số mèo chị nuôi tăng lên rất nhanh. Và một điều kỳ lạ là tất cả chúng khi sinh đều mang nhau biếu cho chủ. Chị Phúc kể: “Có buổi sáng, tôi vừa vác rựa lên vai để đi rừng thì con mèo mẹ cứ chạy theo chân kêu mãi hóa ra chú mèo đã sinh và gọi tôi vào chỉ 4 cái nhau mà nó giấu dưới gối nằm”.
Một cái nhau mèo - Ảnh: TUYẾT HƯƠNG |
Trong suốt 15 năm qua, 3 đời mèo ở nhà chị Phúc đã để lại cho mẹ con chị hàng trăm cái nhau. Theo chị, loài mèo chỉ mang thai trong vòng 2 tháng 10 ngày là sinh, mỗi năm chúng sinh khoảng 4 lứa, mỗi lứa ít nhất là 6 con. Năm nào, lũ mèo nhà chị cũng sinh khoảng 30 – 40 con và để lại từng ấy nhau cho chị Phúc. Số nhau mèo mà gia đình chị có được bắt đầu nhiều dần lên, lúc bấy giờ chị mới nghĩ đến việc đem bán cho những người cần chúng.
Ban đầu vì chưa biết phải bán nhau mèo ở đâu nên nhiều khi chị đã phải lặn lội vào tận Phan Thiết để nhờ cô em họ bán cho những ngư dân làm nghề biển. Tin đồn chị có nhau mèo được ngư dân rỉ tai mách nhau nên công việc buôn bán trở nên dễ dàng hơn. Nhiều ngư dân tự tìm đến tận nhà chị Phúc để mua và còn đặt hàng cho những bận sau. Chị Phúc tâm sự: “Cũng nhờ nhau mèo mà con của tôi khỏe mạnh và lớn khôn. Vậy nên khi những người tìm đến mua, nếu biết được hoàn cảnh cần chia xẻ giống mẹ con tôi lúc trước thì tôi sẵn sàng cho không, với mong giúp được họ vượt lên số phận hiện tại”.
Cũng nhờ số nhau mèo này, mẹ con chị Phúc đã cải thiện cuộc sống, thoát khỏi cảnh túng quẫn, và các con tôi đã được đến trường như bao bạn bè. Hiện cuộc sống gia đình chị khá ổn định, ba người con lớn đã lập gia đình và ra sống riêng, ba người con kế đã có việc làm ổn định. Còn cậu con trai út Lê Văn Lai đang học năm 3 tại trường đại học Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Thấy chị Phúc bán nhau mèo có tiền nên một số người ở quanh đây cũng học theo. Họ xin mèo của chị về nuôi. Nhưng “kỳ lạ khi sinh chúng cứ ăn hết nhau và không muốn để lại cho chủ. Đôi khi, vì muốn lấy bằng được, chúng tôi cố công canh đến khi mèo con vừa lọt ra ngoài thì gắp bọc con và nhau đi giấu, nhưng mèo mẹ vẫn cố đuổi theo ăn bằng hết số nhau đó mới thôi”. Một số người dân cho biết.
TUYẾT HƯƠNG – HOÀI TRUNG