Chủ Nhật, 12/01/2025 09:10 SA
Cuối năm, về nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương
Thứ Tư, 21/01/2009 07:48 SA

Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vào những ngày cuối năm đầy ắp hương hoa của đồng bào cả nước về đây tri ân. Những nén hương của đồng bào cả nước cũng được thắp lên để tỏ lòng tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người tù chính trị bị đày ải trong 113 năm địa ngục trần gian Côn Đảo.

 

hang-duong090121.jpg
Trước phần mộ chị Võ Thị Sáu

 

CHỨNG TÍCH MỘT THỜI

 

Chúng tôi đến nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương trong những ngày cuối cùng của năm Mậu Tý. Đã từng nghe nhiều, nhưng có đến nghĩa trang Hàng Dương mới thấy hết sự khốc liệt và tàn bạo đã diễn ra nơi đây. Nghĩa trang nằm lặng lẽ sau cụm di tích nhà tù Côn Đảo, những ngôi mộ được xếp bằng đá và quay về các hướng không theo thứ tự nào. Đó chính là hướng mà các anh, các bác đã nằm sau khi mất trong thời gian bị lưu đày ở Côn Đảo.

 

Ngay góc cuối của khu di tích nhà tù năm xưa là pháp trường, nơi hàng ngàn chiến sĩ yêu nước đã ngã xuống trước họng súng kẻ thù. Góc dưới của pháp trường này có một lỗ thông ra nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Sau khi bị xử bắn, xác tù nhân được đưa qua lỗ thông này. Người tù chết do xử bắn, bị đánh đập đến chết hay hy sinh khi bị bắt lao động khổ sai được trùm bằng 2 chiếc bao bàng, một từ trên đầu xuống và một từ dưới chân lên, được nuột bằng những sợi dây thừng và mang ra vùi xuống cát ở Hàng Dương. Trên mỗi nấm đất chỉ ghi sơ sài số tù nhân và ngày mất. Nghĩa trang Hàng Dương lại nằm sát biển, chỉ nửa ngày là cát xóa hết dấu vết. Ngày 19/12/1992, khi nghĩa trang Hàng Dương được khởi công tôn tạo, trong số 2 vạn người đã ngã xuống ở Côn Đảo mới chỉ tìm được có 1.912 ngôi mộ, trong đó 709 mộ có danh tính, quê quán người hy sinh, còn lại là chưa tìm thấy tên và có thể là mãi mãi sẽ không tìm ra tên. Những người tù Côn Đảo từng viết những câu thơ nhuốm máu căm hờn thế này: Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời...

 

Chị Nguyễn Thị Như Xuân hiện đang làm việc tại Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng huyện Côn Đảo cho biết: Trong hai năm làm nhiệm vụ giới thiệu cho du khách đến với Hàng Dương, mỗi lần giới thiệu là một lần chị rơi nước mắt vì xúc động trước sự hy sinh anh dũng của những người tù chính trị từng thấm máu ở mảnh đất này. Như nhiều người con được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Côn Đảo sau ngày đất nước thống nhất, những câu chuyện về nhà tù Côn Đảo chị Xuân chỉ được học qua sử sách và được nghe những cựu tù Côn Đảo kể lại, nhưng chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ để chị và bất cứ người con nào của đất nước Việt Nam cảm thấy tự hào về thế hệ cha anh.

 

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ TẤM BIA MỘ CHỊ VÕ THỊ SÁU

 

Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo rất đẹp, tôn nghiêm, ấm cúng, được chia làm bốn khu liên thông với nhau bằng những con đường lát đá, rợp bóng cây xanh. Lác đác vài cây anh đào trên lối ra vào đang trổ hoa và lộc biếc chuẩn bị đón mùa xuân mới. Những hàng dương trăm tuổi vẫn đứng đó, dõi theo từng bước chân qua  và reo cùng nắng gió Côn Đảo. Trong nghĩa trang khu A là phần mộ của các tiền bối như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; khu B có mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; khu C có mộ anh hùng biệt động thành Lê Văn Việt... Các liệt sĩ được tìm thấy ở đâu được để nguyên ở đấy, dựng bia tại chỗ, không di chuyển, không tạo mộ giả, vì thế bia mộ không thẳng hàng ngay lối, không cùng hướng tăm tắp như các nghĩa trang liệt sĩ khác, trừ khu D được quy tập từ các đảo khác về được xây dựng thẳng lối. 709 ngôi mộ có danh tính là do đồng đội bạn tù khi đi lao động khổ sai biết, thấy, họ lặng lẽ bí mật đánh dấu bằng cách chôn thật sâu viên đá, viên gạch, viên ngói được viết, được khắc tên ấy xuống cát. Khi khôi phục nghĩa trang, trên mộ phần các bác, các chú, các anh, các bà, các chị vẫn còn những miếng tôn, viên ngói, cục gạch mà bạn tù cẩn thận khắc cho.

 

Riêng mộ chị Võ Thị Sáu, hai tấm bia đầu, một tấm do bạn tù dựng bí mật, một tấm do chúa đảo dựng công khai đều ghi sai ngày mất. Sau này, trong quá trình nghiên cứu, Bảo tàng Côn Đảo lục trong tàng thư, thấy có biên bản hành quyết chị thì thấy chị bị xử bắn và mất năm 19 tuổi chứ không phải 16. Thực ra chị tham gia cách mạng năm 16 tuổi. Khi bị bắt, bị xử tử hình, vì chị chưa đủ tuổi nên đã bị địch giam cho đến đủ tuổi, sau đó chúng bí mật đưa chị ra Côn Đảo hành quyết. Việc chị Sáu được dựng bia công khai cũng là một việc không giải thích nổi. Tất cả những tên chúa đảo, cai ngục trước đó cho đến lính tham gia phá bia mộ chị Sáu đều bị chết bất đắc kỳ tử một cách rất bí ẩn. Nên tấm bia do bạn tù dựng bí mật sau rất nhiều lần bị phá được để công khai, sau đó một chúa đảo cùng vợ lập nên một tấm bia khác tạ tội với chị, trên bia có ghi dòng chữ Liệt nữ Võ Thị Sáu. Sau này khi tôn tạo, cán bộ quản trang dựng một tấm bia thứ ba ghi đúng ngày mất của chị và vẫn để ba tấm bia cùng tồn tại trên ngôi mộ người nữ anh hùng Đất Đỏ. Dân Côn Đảo kể rằng, sau khi lập xong tấm bia thứ ba thì cây dương bên mộ chị chết hẳn. Người ta bảo do chị đã mãn nguyện. Bây giờ thế chỗ nó là một cây lê ki ma xanh tốt được mang từ quê chị về trồng tại đây, loại cây đã hiện diện trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn “Mùa hoa lê ki ma nở...”. Chúng tôi đứng trước mộ chị Võ Thị Sáu và ai nấy đều nghẹn ngào khi nghe câu chuyện về tấm gương anh hùng của chị, cùng  hát tặng chị bài hát mà cả dân tộc Việt Nam đều hát khi ca ngợi tấm gương người con gái Đất Đỏ kiên trung “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.

 

MỘT NGƯỜI NẶNG NỢ VỚI BẠN TÙ

 

Trong số những người tù ở Côn Đảo còn sống và tình nguyện ở lại hòn đảo này để phục vụ có ông Phan Hoàng Oanh, quê ở Kiên Giang. Ông Oanh bị địch bắt và lưu đày ra Côn Đảo năm 1970. Năm năm ở trong chuồng cọp Mỹ, ông chứng kiến biết bao bạn tù đã ngã xuống, chứng kiến biết bao tội ác của kẻ thù. Sau khi Côn Đảo được giải phóng, ông tình nguyện ở lại mảnh đất này vì thấy mình còn nặng nợ với những bạn tù. Với vai trò là Trưởng ban liên lạc tù chính trị huyện Côn Đảo, ông Oanh cùng những người bạn tù năm xưa đang tiếp tục công việc tìm kiếm và quy tập liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, cũng như tìm kiếm danh tính những người bạn tù. Đã có hơn 100 người được tìm thấy, quy tập tại Hàng Dương và chừng ấy người được ông tìm lại danh tính. Ông nói đó là trách nhiệm của những người đang sống hôm nay.

 

Chúng tôi rời nghĩa trang Hàng Dương trong niềm xúc động. Ai cũng cảm thấy mình như được lớn lên thêm, được ấm lòng hơn, sau khi trải qua sóng gió để được đến thắp một nén hương trước mộ các anh hùng liệt sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những bài thơ trên những nấm mộ tố cáo tội ác địa ngục trần gian Côn Đảo vẫn còn đó, như những bản anh hùng ca bất tử luôn nhắc nhở cho các thế hệ sau. Những cuộc đời của những tù chính trị yêu nước có thể được vùi dập ở Hàng Dương nhưng họ vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc.

 

YÊN HÀ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Saint Petersburg – nơi mùa thu vĩnh cửu
Thứ Sáu, 30/01/2009 19:00 CH
Làng trâu dưới chân đèo Cả
Thứ Sáu, 30/01/2009 07:03 SA
Cảm nhận Bắc Kinh - Thượng Hải
Thứ Năm, 29/01/2009 07:04 SA
Tây tình nguyện ở Phú Yên
Thứ Tư, 28/01/2009 19:02 CH
Luồn rừng lùng lan Tai trâu
Thứ Ba, 27/01/2009 19:00 CH
Dòng sông huyền thoại
Thứ Hai, 26/01/2009 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek