Từ khi gắn bó với nghề báo đến nay đã gần 30 năm, hầu như ngày nào cũng đi, ngày nào cũng viết, lúc lên miền núi, khi xuống miền biển, ra hải đảo… Trong quá trình tác nghiệp, thuận lợi và khó khăn luôn đan xen; vui có, buồn có và có những lần nhớ mãi.
Màu xanh trên vùng đất đỏ
Đó là tựa đề bài báo mà tôi đã viết khi mới vào nghề. Vì là cộng tác viên nhiều năm nên khi chuyển công tác về Báo Phú Yên, tôi được Tổng Biên tập cấp cho một giấy giới thiệu và một thẻ giống như thẻ nhà báo nhưng do tòa soạn thiết kế, in và cấp cho những phóng viên mới vào cơ quan để làm nghề.
Được phân công theo dõi mảng kinh tế, những ngày đầu tôi chỉ quanh quẩn ở khu vực trung tâm tỉnh lỵ. Sau đó, tôi cầm giấy giới thiệu và tấm thẻ này, đạp xe đến vùng đất Sơn Thành, nơi có nông trường cà phê cùng tên của huyện Tuy Hòa (nay thuộc huyện Tây Hòa).
Trên đường đi, tôi cứ băn khoăn, trăn trở không biết bắt đầu từ đâu, đặt tít bài viết là gì. Song, khi đến tận nơi, tiếp xúc với các nhân vật, thực tế của đời sống nơi đây, tôi dần hình thành bài viết.
Người đầu tiên tôi tiếp xúc là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Nông trường Sơn Thành Bùi Văn Hạnh. Ông cho biết, sau 30/4/1975, Nông trường Sơn Thành được thành lập và đi vào khai hoang, phục hóa. Lực lượng công nhân lúc ấy chủ yếu là người từ Bình - Trị - Thiên trở ra.
Những năm đầu nông trường chỉ trồng sắn, bắp và thuốc lá, kinh tế mang lại không cao nên nhiều người muốn rời bỏ nơi đây. Sau nhiều lần lặn lội ra Bắc vào Nam học hỏi kinh nghiệm, chính ông Tám Trinh, một trong những giám đốc thời đầu đã đưa giống tiêu Tân Lâm về trồng “lén” trên đất Sơn Thành chờ thời cơ chuyển đổi.
Ông Nguyễn Danh Hữu, Giám đốc Nông trường Sơn Thành, là người thứ hai tôi tiếp xúc, cho biết: Năm 1983, thấy duy trì các loại cây trồng như sắn, bắp, thuốc lá, đời sống của công nhân và người dân địa phương vẫn không cải thiện, nông trường chuyển sang trồng cà phê theo mô hình liên doanh với Ba Lan.
Thời gian đầu, việc trồng cà phê khá thuận lợi. Nhưng khi Ba Lan sụp đổ, cây cà phê cũng mất chỗ dựa, nông trường rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, ban giám đốc nông trường kiên quyết duy trì, cứu sống cây cà phê bằng nguồn vốn hạn hẹp. Năng suất vụ đầu cho 4 tạ/ha, thấp nhất nước, nhưng là nguồn động viên khích lệ để nông trường tiếp tục tăng thêm vốn, đầu tư kỹ thuật, phân bón, nước tưới phát triển cây cà phê. Có thêm nguồn nước tưới, cà phê và những cây trồng khác càng thêm xanh.
Và cũng từ đó, những vườn tiêu bắt đầu hình thành từ cây giống mà ông Tám Trinh trồng “lén”, từng bước tạo thế đứng chủ yếu của nông trường.
Từ năm 1993 trở về sau, ngoài trồng tiêu và cà phê, là hai loại cây chủ lực, người dân Sơn Thành còn trồng sâm nam, đào lộn hột, đậu phộng, chăn nuôi bò đàn, đào ao thả cá… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, nông dân không ngừng được nâng lên.
Hiện nay, xã Sơn Thành Đông đã hình thành thị tứ khá sầm uất và được quy hoạch lên thị trấn. Còn xã Sơn Thành Tây đã là xã nông thôn mới từ năm 2017. Tiêu Sơn Thành Tây (hơn 500ha) nổi tiếng khắp cả nước vì cho năng suất và chất lượng cao.
Nhà giàn còn, chúng tôi còn!
Tháng 4/2007, lần đầu tiên trong đời làm báo, tôi vinh dự được tháp tùng cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng với hơn 200 người là cán bộ quân dân chính và phóng viên báo chí của cả nước ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Đoàn do trung tướng Bùi Văn Huấn, thời điểm đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam làm trưởng đoàn và chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân làm phó đoàn.
Bà con ngư dân thường bảo “tháng ba bà già đi biển”. Đúng là như vậy, giữa mùa trăng tháng ba, mặt biển như mặt hồ, tàu chạy rất êm nên không ai bị say sóng. Sau hai đêm một ngày vượt biển, tàu HQ-996 cập đảo Trường Sa Lớn vào lúc trời hừng đông. %
Đây cũng là đảo duy nhất có cầu cảng để tàu cập mạn; các đảo nổi, đảo chìm còn lại như Trường Sa Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài… tàu mẹ phải neo bên ngoài chừng non hải lý, mọi người phải xuống 2 chiếc xuồng máy để tăng bo vào đảo, và lần nào cũng thuận sóng, xuôi gió.
Nhưng đến đảo An Bang - đảo cuối cùng của chuyến hải trình, sau khi chuyến xuồng thứ nhất và thứ hai đưa khoảng 20 người cùng hàng hóa vào đảo, sóng biển bỗng nổi lên khác thường. Để bảo đảm an toàn, trưởng đoàn quyết định, tất cả những người còn lại ở nguyên trên tàu mẹ, chỉ có lực lượng phục vụ là những chiến sĩ hải quân dạn dày kinh nghiệm với sóng gió làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm vào đảo và lựa thời cơ để đưa những người đã vào trước đó trở lại tàu.
Và thay vì vào đảo biểu diễn văn nghệ cho bộ đội xem, chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền quyết định cho các ca sĩ, nhạc công là sinh viên của Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội hát trên tàu qua máy bộ đàm được kết nối với đảo.
Ông là người cầm mic “dẫn chương trình”. Hát mãi khúc quân hành, Nơi đảo xa, rồi Chúng tôi là chiến sĩ…, những ca khúc nói về biển đảo, về người lính hải quân lần lượt được truyền đi. Nhưng khi ca sĩ trẻ Thu Huyền vừa cất lời ca: Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi… thì nước mắt trào ra, giọng nghẹn lại rồi khóc nức nở.
Những ca sĩ còn lại muốn tiếp lời nhưng ai cũng giàn giụa nước mắt. Không để cho những người lính đảo đang quây quanh bên máy bộ đàm ở bên trong chờ lâu, tôi dừng tác nghiệp và bước vào buồng máy cầm mic hát tiếp trọn vẹn ca khúc Gần lắm Trường Sa. Đây là ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hình Phước Long mà tôi đã thuộc nằm lòng từ những năm 80 của thế kỷ trước sau khi nghe ca sĩ Anh Đào của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (Phú Khánh) hát.
Với “tình huống” này, tôi đã được chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền đặc cách trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chủ quyền biển đảo.
Rời An Bang với ấn tượng khó phai, chúng tôi đến với Nhà giàn DK1 (Cụm Dịch vụ kinh tế - Khoa học kỹ thuật). Trên đường đi, tàu dừng lại để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ nhà giàn.
Trong không khí linh thiêng và xúc động, nhiều người đã không kìm được nước mắt khi những vòng hoa với nghi ngút hương trầm từ từ được thả xuống biển, nhất là khi trung tướng Bùi Văn Huấn đọc diễn văn tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988, chống lại kẻ thù xâm lược và những cán bộ chiến sĩ đã bất chấp bão tố phong ba, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nhà giàn, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Thật ngẫu nhiên và diệu kỳ, sau lễ tưởng niệm, mặt biển trở nên êm đềm rồi bỗng xuất hiện một đàn cá heo tung tăng bơi lội, nhiều con như những vũ công nhảy vọt lên khỏi mặt nước xung quanh tàu chúng tôi.
Có người trong đoàn bảo đi biển gặp cá heo là điều may mắn. Nhưng lại một lần nữa, giữa mùa biển êm nhất trong năm, khi đến Nhà giàn DK1/2 Phúc Nguyên, sóng biển lại nổi lên đến mức xuồng máy không thể đưa người tiếp cận được cầu thang.
Và lần này chỉ có chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền cùng một vài cán bộ chiến sĩ hải quân dày dạn kinh nghiệm dựa theo ngọn sóng để lên nhà giàn động viên cán bộ chiến sĩ. Còn những bao lương thực, thực phẩm bọc nhựa được kéo lên bằng dây. Ai cũng tiếc nuối vì không được lên nhà giàn.
Khi tàu nhổ neo rời đi, mọi người cùng bước ra boong, nghẹn ngào vẫy tay chào những người lính hải quân với màu da rám nắng đang sừng sững, hiên ngang giữa biển trời trên ngôi nhà giàn giữa đại dương bốn bề sóng vỗ.
Trong không gian bao la của biển cả, ai cũng nghe rất rõ tiếng của người chỉ huy nhà giàn, át cả tiếng sóng: Chúng tôi còn nhà giàn còn! Nhà giàn còn chúng tôi còn! Xin hứa với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chúng tôi sẽ luôn đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trên đường về cảng Ba Son, chúng tôi được nghe chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền nói rằng, chênh vênh giữa biển trời thăm thẳm, vậy mà có những người lính đã bám trụ nhà giàn hàng chục năm. Khó có thể nói hết những khó khăn gian khổ, thách thức đối với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, nhưng vượt qua tất cả, các anh vẫn đêm ngày bám trụ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng biển Tổ quốc thân yêu. |
XUÂN HIẾU