Trong ngành Y tế, điều dưỡng là lực lượng đông đảo nhất. Công việc vất vả, áp lực, nghề điều dưỡng được ví như làm dâu trăm họ, đổ mồ hôi để người bệnh nở nụ cười...
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh trò chuyện, động viên một bệnh nhân trong khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên (ảnh chụp vào tháng 8/2021). Ảnh: YÊN LAN |
1. Một ngày hè năm 2023, hai phụ nữ trẻ đi xe máy từ TP Tuy Hòa lên huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Họ đến buôn Sai thuộc xã Chư Ngọc, tìm nhà một bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang kiệt sức chống chọi với căn bệnh quái ác. Họ là hai điều dưỡng làm việc tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - nơi bệnh nhân này từng điều trị.
Thương bệnh nhân nhập viện một thân một mình, tiền bạc không có, lại là người dân tộc thiểu số, Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại thần kinh Nguyễn Thị Mỹ Linh cùng các đồng nghiệp ở đây hết lòng chăm sóc, giúp đỡ, động viên. Họ cũng đã cùng Phòng Điều dưỡng - Công tác xã hội làm tất cả những gì có thể để bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), hy vọng tuyến cuối có thể giúp người đàn ông 71 tuổi này bình phục. Song những cố gắng đó đều không mang lại kết quả.
Sau khi bệnh nhân trở về nhà, điều dưỡng Mỹ Linh vẫn giữ liên lạc. Cô thường gọi điện hỏi thăm, an ủi và khuyên ông đến cơ sở y tế để được chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn ở nhà, có lẽ vì ông ấy biết rằng không còn cơ hội bình phục. Sau đó, Mỹ Linh không thể liên lạc với bệnh nhân. Cô lo lắng nên rủ đồng nghiệp Nguyễn Thị Lương lên tận Krông Pa khi Lương ra trực. Họ đi khoảng 3 tiếng đồng hồ, tìm đến nhà người bệnh.
Bệnh nhân không ngồi dậy nổi nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui khi “cô Linh” mà ông yêu mến cùng bạn bất ngờ đến thăm. Đó là chuyến đi khó quên đối với hai nữ điều dưỡng. Và có lẽ tình cảm của các điều dưỡng đã sưởi ấm trái tim bệnh nhân trong những ngày cuối cùng của cuộc đời...
Mỹ Linh thổ lộ rằng cô chọn nghề điều dưỡng bởi từng chứng kiến cha chống chọi với bệnh tật và đau đến mức bật khóc một mình. Cha cô sau đó đã bình phục, nhưng những ngày tháng cam go và giọt nước mắt của cha vẫn nóng hổi trong tâm trí Mỹ Linh. Có lẽ vì vậy mà cô trở nên nhạy cảm trước nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của người khác.
14 năm khoác áo blouse, Mỹ Linh nhận ra rằng song song với hoạt động điều trị, chăm sóc, sự động viên về tinh thần rất có ý nghĩa đối với người bệnh. Chính vì vậy, ngoài công việc chuyên môn, Mỹ Linh và các đồng nghiệp thường xuyên hỏi han, động viên người bệnh. Nữ điều dưỡng sinh năm 1989 mong bệnh nhân tin tưởng vào đội ngũ thầy thuốc, tuân thủ điều trị để bình phục.
“Nếu có sự đồng cảm và thương người bệnh thì chúng ta sẽ chăm sóc họ như chăm sóc người thân. Không gì vui bằng khi người bệnh khỏe mạnh trở lại, vui vẻ chào mình đi về. Sau khi họ xuất viện, mình gọi điện hỏi thăm sức khỏe, được họ khen thì rất vui”, Mỹ Linh thổ lộ.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thắm chăm sóc một bệnh nhi bị viêm não, phải thở máy gần 3 ngày, đã cai máy thở. Ảnh: YÊN LAN |
2. Công việc vất vả, áp lực. Bởi vậy, ngoài chuyên môn, điều dưỡng phải có sự đồng cảm với người bệnh, chịu khó và nhẫn nại.
Làm việc tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - nơi công việc đòi hỏi sự khẩn trương và nhiều áp lực, Điều dưỡng Trưởng khoa Nguyễn Thị Hồng Thắm nhận ra rằng ngoài chuyên môn, cần hiểu tâm lý người nhà bệnh nhi để thông cảm và có cách ứng xử phù hợp. Khi con cháu bệnh, phải đưa đi cấp cứu, người nhà rất lo lắng. Có những trường hợp bệnh nặng, nguy kịch, kíp trực cấp cứu và phải giải thích, bởi người nhà chỉ muốn chuyển lên tuyến trên, trong khi các thầy thuốc đang tranh thủ từng phút để xử trí, can thiệp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng đứa trẻ.
16 năm gắn bó với nghề, chị Thắm cũng như các đồng nghiệp nơi đây xem việc điều trị, chăm sóc, góp phần mang lại sức khỏe cho trẻ con là niềm vui của mình. Dành phần lớn thời gian cho công việc ở bệnh viện, các nữ điều dưỡng phải sắp xếp việc gia đình cho ổn thỏa.
Theo quy định của Bộ Y tế về hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện, nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng gồm tiếp nhận và nhận định người bệnh, xác định và thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng, sau đó đánh giá kết quả thực hiện các can thiệp chăm sóc đó. Bệnh càng nặng, việc can thiệp, chăm sóc càng vất vả.
Làm việc tại Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) - Chỉnh hình - Sản xuất dụng cụ trợ giúp, Bệnh viện PHCN Phú Yên, các điều dưỡng có thâm niên như chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Điều dưỡng Trưởng khoa, rất “thấm” điều đó, bởi thời gian điều trị, can thiệp, PHCN cho bệnh nhân ở đây được tính bằng tháng, bằng quý, thậm chí bằng năm!
Gắn bó với Bệnh viện PHCN Phú Yên từ năm 1998, điều dưỡng Cẩm Nhung có kinh nghiệm trong việc can thiệp chăm sóc các bệnh nhân bị chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống, đột quỵ... Theo chị, cực nhất là can thiệp, chăm sóc bệnh nhân bị tổn thương tủy sống. Những bệnh nhân này thường mất khả năng vận động, mất khả năng kiểm soát ruột, bàng quang, bị liệt nửa người hoặc liệt chi dưới, mất cảm giác.
Chăm sóc bệnh nhân bị tổn thương tủy sống, ngoài việc phòng ngừa loét do tì đè lâu, lăn trở thường xuyên, xoa bóp chân tay, chăm sóc vết loét, thay băng, cắt lọc... còn có những việc quan trọng, như PHCN đường tiết niệu, PHCN đường ruột, giúp tăng khả năng kiểm soát nhu động ruột, thực hiện các bài tập giúp tăng khả năng kiểm soát đại tiện và thụt tháo nếu người bệnh bị táo bón nghiêm trọng.
“Khi chọn nghề điều dưỡng, mình không nghĩ rằng nghề này khổ như vầy”, chị Cẩm Nhung thổ lộ và mỉm cười. Mới đây, một bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến Bệnh viện PHCN Phú Yên. Bệnh nhân bị táo bón gần 2 tuần. Đã hướng dẫn nhưng người nhà không thụt tháo cho bệnh nhân được, chị Cẩm Nhung phải làm việc này. Người nhà rối rít cảm ơn khi bệnh nhân được chăm sóc tận tình.
3 Điều dưỡng phần đông là nữ; nam giới theo nghề này không nhiều. Tại Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, 41 điều dưỡng đang làm việc ở đây, trong đó có 8 điều dưỡng nam. Điều dưỡng Trưởng khoa là anh Trần Văn Kiên - người từng làm việc ở Khoa Ngoại sản, Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân, sau đó có 22 năm gắn bó với Khoa Gây mê - Hồi sức. Cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật, điều dưỡng dụng cụ..., công việc nào anh Kiên cũng đã trải qua.
Trong phòng phẫu thuật, cũng như điều dưỡng gây mê, điều dưỡng dụng cụ là những người thầm lặng. Ít ai biết rằng phía sau sự thành công của những ca mổ có đóng góp âm thầm của điều dưỡng dụng cụ - cánh tay đắc lực của phẫu thuật viên. Họ chuẩn bị bộ dụng cụ phẫu thuật đã được tiệt khuẩn, hỗ trợ phẫu thuật viên trong việc thực hiện vô khuẩn trước khi mổ, hỗ trợ phẫu thuật viên trong suốt quá trình phẫu thuật... Để làm được điều đó, điều dưỡng dụng cụ phải nắm vững quy trình và các công đoạn của từng ca, từng loại phẫu thuật.
“Trong phòng mổ, chúng tôi ít giao tiếp bằng lời nói. Khi phẫu thuật viên đưa tay hoặc ra hiệu là điều dưỡng dụng cụ biết họ cần dụng cụ nào. Điều dưỡng dụng cụ cũng là người kiểm tra các dụng cụ, vật tư tiêu hao trước khi ca mổ kết thúc...”, anh Trần Văn Kiên - người đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Phú Yên, cho hay.
Do đặc thù công việc nên ngoài kiến thức chuyên môn, điều dưỡng dụng cụ còn phải rèn tính tỉ mỉ, cẩn trọng và có thể lực tốt để “trụ” được trong những ca mổ kéo dài 5-6 tiếng đồng hồ. Anh Kiên kể: “Đầu tháng 4 vừa qua, một người ở Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) bị cưa máy cưa đứt xương cẳng tay trái thành hai đoạn; dây thần kinh, mạch máu trên cẳng tay cũng bị đứt. Ca phẫu thuật kết hợp xương và nối các dây thần kinh, mạch máu kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ, giữ được cẳng tay cho người bệnh. Sau khi bệnh nhân ổn định, gia đình gửi thư và lẵng hoa cảm ơn”.
Đó là niềm vui của những người làm công việc lặng thầm.
Điều dưỡng, kỹ thuật viên... phối hợp với bác sĩ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Bên cạnh đó, điều dưỡng hỗ trợ, tư vấn chăm sóc bệnh nhân theo quy định, quy trình kỹ thuật. Nhân lực điều dưỡng hiện còn thiếu. Để đáp ứng yêu cầu công việc, anh chị em đã phải nỗ lực rất nhiều.
Thầy thuốc Ưu tú Đào Mỹ Diễm Kiều, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Phú Yên, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên |
YÊN LAN