Chủ Nhật, 05/05/2024 22:46 CH
Nguyễn Quốc Trung vẫn lặng lẽ cùng trang văn
Chủ Nhật, 25/06/2023 07:00 SA

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung với tiểu thuyết Đất không đổi màu vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022. Đây cũng là tác phẩm từng được trao giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng và Sông Mê Kông. Đáng tiếc, đại dịch COVID-19 đã bất ngờ cướp mất ông giữa lúc nhà văn đang còn hăm hở với nhiều dự định sáng tác…

 

Trên chiến trường Campuchia

 

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956-2021). Ảnh tư liệu

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung còn có bút danh Nguyễn Tình Nguyện, Nguyễn Anh Đường, sinh ngày 27/10/1956 tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đời ngày 10/9/2021 tại TP Hồ Chí Minh. Ông nhập ngũ năm 1974, thuộc Sư đoàn 341 chủ lực tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, sau đó tham gia Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và tình nguyện sang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng Pol Pot.

 

Gần 10 năm lăn lộn trên chiến trường Campuchia đã mang lại cho Nguyễn Quốc Trung vốn sống phong phú và những tư liệu quý giá. Ông viết nên nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết có giá trị. Nguyễn Quốc Trung hợp cùng các cây bút Thu Bồn, Bùi Cát Vũ, Nguyễn Chí Trung, Văn Lê, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn, Huỳnh Kim, Trung Sỹ… trở thành lực lượng hùng hậu sáng tác văn học chiến tranh biên giới Tây Nam.

 

Ký ức hào hùng và đau thương luôn day dứt trong lòng và “sống” lại trong những giấc mơ của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Ông cùng đại quân vượt sông Mê Kông giải cứu nước bạn. Ông đi trực thăng cùng chỉ huy cao cấp đến các chốt tiền tiêu tiếp tế, động viên bộ đội. Ông đến thăm nhà tù khét tiếng Tungsteng khi đầu lâu, xác người còn chồng chất. Ông về các phum, sóc (buôn, làng) cùng lính tình nguyện chia sớt từng phần ăn của mình cho dân, giúp dân dựng lại nhà cửa, làm lại ruộng vườn.

 

Đặc biệt, Nguyễn Quốc Trung tìm đọc, nghiên cứu kỹ về nền văn hóa truyền thống Angkor và lý giải theo cách riêng mình về tội ác diệt chủng khủng khiếp của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, cũng như tinh thần đoàn kết chiến đấu của hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia và sự hy sinh cao cả của những người lính làm nghĩa vụ quốc tế.

 

Tiểu thuyết Đất không đổi màu của Nguyễn Quốc Trung ra đời trong hoàn cảnh đó. Một không gian thẩm mỹ đậm đặc văn hóa, ngôn ngữ, phong tục truyền thống Khmer được tái hiện tinh tế, sinh động. Một câu chuyện xúc động và nhân văn về tình yêu thương nhân loại, tình đoàn kết quốc gia láng giềng được thể hiện qua những nhân vật có tính cách điển hình như Dần, Trân, Quyền, Lý giữa hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Máu của những người lính tình nguyện sẽ mãi mãi không bị lãng quên như “đất không đổi màu” trong ký ức xứ sở Chùa Tháp.

 

Dấu ấn của nhà văn

 

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Ảnh: P.P.Y

Tất nhiên, nhà văn Nguyễn Quốc Trung không chỉ có tiểu thuyết Đất không đổi màu. Viết về Chiến tranh biên giới Tây Nam, ông còn có rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Khởi đầu ấn tượng nhất phải kể đến Những tia chớp phía chân trời được trao giải nhất cuộc thi Truyện ngắn Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1989, với một ban giám khảo “cây đa cây đề”: Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Anh Đức, Bảo Định Giang, Viễn Phương. Truyện ngắn viết về mối tình hồn nhiên, trong sáng, cảm động của một chàng lính trẻ trên biên giới và cô thanh niên xung phong xinh xắn, bản lĩnh. Vừa hiện thực vừa bi hài, kịch tính lại kết thúc bất ngờ và có hậu, truyện được đánh giá cao vào thời điểm đất nước vừa hòa bình vừa chiến tranh. Cũng từ đây, phong cách và tên tuổi Nguyễn Quốc Trung dần được hình thành và khẳng định trên văn đàn.

 

Tiếp sau đó, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã lần lượt cho ra mắt các tác phẩm viết về thời kỳ khốc liệt này. Về truyện ngắn ông có các tập Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ. Đặc biệt, ông là một trong những người viết tiểu thuyết đầy nội lực, và với bộ tứ Đất không đổi màu, Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người đàn bà khóc mướn đã khẳng định Nguyễn Quốc Trung là tác giả văn xuôi hàng đầu viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong đó, 2 tiểu thuyết Đất không đổi màu Người đàn bà khóc mướn từng được trao Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông lần thứ nhất (2007).

 

“Nhà văn Nguyễn Quốc Trung có những trang văn viết về phụ nữ rất hay. Đó là ở trong tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn viết về mối tình huyền thoại để từ đó khái quát vẻ đẹp của hai dân tộc Việt và Khmer của một người lính tình nguyện Việt Nam với cô gái từng là đào hát làm vũ nữ hoàng gia. Văn hóa và đức tin chính là vẻ đẹp cao nhất của con người qua ngòi bút Nguyễn Quốc Trung. Nó không chỉ sống động mà đã đạt tới tầm biểu tượng”, nhà văn Phùng Văn Khai nhìn nhận.

 

Nỗ lực đi tìm sự tươi mới về bút pháp

 

Trước khi đột ngột qua đời, nhà văn Nguyễn Quốc Trung kịp trình làng 2 tác phẩm cuối cùng: Tập truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu (2016) và tiểu thuyết Dòng sông bên chùa (2019). Trò chuyện với chúng tôi khi tập truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu vừa xuất bản, ông nói: “Đây cũng là tập tôi thấy ưng ý nhất vì đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập, cơ chế làng xã có từ xa xưa tưởng sẽ vĩnh viễn tồn tại, ai dè một chốc bị xé nát. Con người ta được hưởng sự đổi mới của một xã hội cởi mở thì cũng vấp phải nhiều bi kịch. Đây cũng là điều cho văn học khai thác, phản ánh”.

 

Không chỉ tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu mà cả tiểu thuyết cuối đời Dòng sông bên chùa cũng là cuộc tự thân chuyển mình sang một hướng khác rõ nét của nhà văn Nguyễn Quốc Trung trong nỗ lực đi tìm sự tươi mới về bút pháp trong những đề tài dân sự đời thường gần gũi nhưng góc cạnh và nóng hổi tính thời cuộc, mà ở đó nhà văn chia sẻ, hóa thân vào những số phận hẩm hiu, bất hạnh. Giữa lúc nguồn cảm hứng mới đang thôi thúc sức sáng tạo của ông, thì đau đớn thay ông phải vĩnh biệt trang văn lẫn cuộc đời để hóa thân vào hư vô. Ông ra đi bất ngờ đến nỗi mà đến giờ, khi hay tin ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, tôi nghĩ hình như ông vẫn còn miệt mài lặng lẽ bên máy tính để viết những vấn đề nóng hổi của đời sống!

 

Ngoài việc được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022, nhà văn Nguyễn Quốc Trung từng được nhận nhiều giải thưởng văn học khác. Dù là người có tính khí khác biệt một chút nhưng trong sáng tạo văn học, nhà văn Nguyễn Quốc Trung lại viết rất khỏe, cho đến cuối đời trước khi nhiễm bệnh vẫn miệt mài với những trang văn.

 

PHAN PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek